Một số chuyên gia cho rằng Tesla đã chiến thắng trong cuộc đua sản xuất xe hơi, cụ thể hơn là chiến thắng các công ty Nhật Bản, vượt Toyota trở thành nhà sản xuất ôtô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Elon Musk nhảy trên sân khấu trong sự kiện giới thiệu xe Model 3 tại thị trường Trung Quốc, Thượng Hải. vào ngày 7/1. Cách thức điều hành công ty của ông không bị cản trở bởi bất kỳ yếu tố nào khác. Ảnh: Reuters

William Pesek là nhà báo tại Tokyo, từng đoạt giải thưởng báo chí và là tác giả cuốn sách "Nhật Bản hóa: Thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản". Dưới đây quan điểm của riêng ông.

Khi Tesla của Elon Musk vượt qua Toyota để trở thành hãng xe giá trị nhất thế giới, có thể thấy rằng các công ty Nhật Bản đã chậm hơn một bước trong việc nắm bắt tình thế.

Cũng dễ hiểu nếu các đối thủ từng "ngó lơ" Tesla khi founder của công ty này cũng có tính cách lập dị như Howard Hughes (ông trùm hàng không thế giới những năm 30, thế kỷ XX). Không kém Donald Trump, chỉ riêng Twitter của Elon cũng khiến dư luận xôn xao, ba lần bảy lượt khiến cổ phiếu Tesla "lên xuống" bất thường.

Tuy số lương xe bán ra khá khiêm tốn so với 10 triệu ôtô mỗi năm của Toyota hay Volkswagen, Telsa trở thành nhà sản xuất ôtô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt qua giá trị vốn hóa của General Motor, Ford và Fiat Chrysler kết hợp. Được định giá 370 tỷ USD - tương đương với GDP Hong Kong, Tesla cũng đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc như vũ bão.

Nhật Bản không phải chưa lường trước được điều này. Musk từng hy vọng rằng Nhật sẽ là thị trường lớn thứ 2 của mình. Tuy nhiên, doanh số tại đây chỉ chiếm một phần nhỏ trong 367.000 chiếc Tesla đã bán ra trong năm 2019. Lý do dẫn tới điều này có thể bao gồm: thương hiệu chưa phổ biến, mạng lưới đại lý phân phối còn ít và Tesla chưa đủ khả năng đáp ứng được dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tụy, chu đáo, điều thấm nhuần trong văn hóa và tư tưởng của dân nơi đây.

Gạt biến động chứng khoán Tesla và sự tôn thờ kỳ lạ dành cho Musk sang một bên, cuộc cạnh tranh giữa Tesla và Toyota lý giải tại sao một số công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn khi các nền kinh tế mới nổi tại châu Á trên đà tăng trưởng.

Có thể nói Nhật Bản chú trọng nâng cấp phần cứng thay vì phần mềm. Điều Toyota đã bỏ qua về vị tỷ phú lập dị này là Musk không bán ôtô mà anh bán "iPhone 4 bánh". Bản thân chiếc xe là phương tiện để quảng cáo cho phần mềm đi kèm nó, tựa như cộng đồng iTunes cho xe hơi, chủ trương mà Musk đang xây dựng.

Dữ liệu mà Tesla thu thập được từ người dùng, môi trường xung quanh, sở thích, xu hướng, thói quen đi lại và hành vi tiêu dùng còn có giá trị hơn bất cư động cơ nào. Điều này cho phép Tesla tinh chỉnh được trải nghiệm khách hàng, đồng thời nắm bắt được xu hướng thị trường.

Tesla nhắc Nhật Bản rằng "đột phá công nghệ" là yếu tố cần thiết để kinh tế phát triển. Nikkei Asian Review phân tích rằng khi Nhật Bản đang lo ngại về thay đổi trong chuỗi cung ứng, Tesla đang tự sản xuất chip của riêng mình và liên tục tinh chỉnh các dòng xe Model 3, Model S và Model X.

Cốt lõi công nghệ của Tesla nằm vào khả năng tự lái. Điều này khiến công ty này có ít kỹ sư hơn là lập trình viên. Người đam mê xe truyền thống có thể bất mãn với sự ưu tiên này không thể phủ nhận rằng Tesla "bỏ xa" Toyota trong lĩnh vực này.

Nhìn vào nhân lực rộng lớn và nguồn lực khổng lồ của Toyota, sẽ không khó để Toyota, Volkswagen hay những cái tên trong ngành khác bắt kịp Tesla vào trước 2025. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản dường như tập trung vào đảm bảo tài sản hơn là đổi mới. Toyota tự hào về hệ thống cung ứng toàn cầu đã giúp hãng dẫn đầu trong lĩnh vực. Mỗi sản phẩm của Toyota là tổ hợp các linh kiện tạo ra hàng triệu việc làm. Nhà sản xuất ôtô này cảm thấy có nghĩa vụ phải duy trì hệ thống - điều mà Tesla không hề chú trọng.

Chúng ta vẫn có thể tranh luận về giá trị tinh thần trách nghiệm của từng doanh nghiệp. Nhưng thực tế rằng lối điều hành của Musk không bị cản trở bởi những cách thức quản trị truyền thống. Bằng cách duy trì nhiều chức năng trong nội bộ. Tesla dễ dàng đổi mới 24/7 và thực hiện cải tiến công nghệ trong nay mai, chứ không phải vào 2025.

Nhà máy Giga Factory tại Nevada, tháng 8/2018. Nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ của Panasonic giờ đây trở nên giá trị hơn bao giờ hết, Ảnh: Reuters

Tesla cũng nhắc nhở Nhật Bản về nguồn tiền mới nằm tại đâu: năng lượng tái tạo. Chỉ trong tháng 4-6, kinh tế Nhật sụt giảm 27,8% hàng năm, xóa sạch mọi thành tựu mà nguyên Thủ tướng Shinzo Abe xây dựng từ năm 2012.

Đáng chú ý hơn cả, Panasonic cũng đang đầu tư 100 triệu USD vào sản xuất và nghiên cứu pin xe điện cho Tesla. Panasonic đã rất sáng suốt khi tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ pin ôtô, với doanh thu đạt 4,5 tỷ USD trong 2019.

Ngay tại sân sau của Nhật, những gã khổng lồ kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, và Indonesia có nguy cơ "nghẹt thở" trước tốc độ tăng trưởng không phanh. Hiện nay, cơ hội lý tưởng của doanh nghiệp là tìm ra cách giảm thiểu cacbon trong việc cung cấp năng lượng cho ôtô, máy bay, tàu thủy, nhà ở, trung tâm thương mại. Việc Musk trân trọng Panasonic nhắc Nhật Bản rằng công nghệ của họ đã từng thay đổi thế giới và họ có thể làm được điều đó thêm lần nữa.

Có ý kiến cho rằng Musk đã thắng. Nhật Bản, Đức và Detroit (Mỹ) sẽ không bao giờ bắt kịp Tesla. Thẳng thắn mà nói, quan điểm này là có căn cứ. Nhưng mối đe dọa này cũng là chất xúc tác để Toyota và các công ty trong ngành cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản nâng cuộc chơi lên tầm cao mới.

Xem thêm bài viết về: Elon Musk
Bảo Linh (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.