Instagram từ công ty không doanh thu bỗng có một tỷ USD khi về với Facebook, hay Apple quyết tâm đầu tư thêm cùng số tiền để phục vụ nghiên cứu nhưng tạo ra ứng dụng bản đồ "không giống ai".

1. Facebook "kết thân" với Instagram

Trước khi thuộc về Facebook, Instagram cũng là một mạng xã hội. Ảnh: AFP

Tháng 4/2012, mạng xã hội lớn nhất thế giới đồng ý mua lại công ty Instagram, chủ sở hữu ứng dụng chụp ảnh nổi tiếng cùng tên dành cho di động với giá một tỷ USD, trả bằng tiền mặt và cổ phiếu. Khi thương vụ hoàn thành vào tháng 8, tổng giá trị của công ty gần 2 năm tuổi này chỉ còn 715 triệu USD do giá cổ phiếu Facebook rớt thảm sau khi IPO.

Facebook cũng đón chào thành viên thứ một tỷ trong năm nay. Rất đông người dùng Facebook truy cập qua điện thoại, đặt ra gánh nặng kiếm tiền trên di động rất lớn cho công ty.

2. Thành tỷ phú nhờ Facebook

Peter Thiel là một trong những người đầu tiên bỏ tiền vào Facebook. Ảnh: Bloomberg

Vẫn liên quan đến Facebook, Peter Thiel là một trong những nhà đầu tư tiên phong của mạng xã hội này khi chi 500.000 USD vào năm 2004. Khi Facebook IPO vào năm nay, Thiel đã bán gần hết cổ phiếu của mình trong công ty và nhanh chóng thu về số tiền hơn một tỷ USD. Tính đến hết năm nay, giá cổ phiếu công ty của Mark Zuckerberg đã mất 30%.

3. Cái giá của cuộc chiến bản quyền

Apple và Samsung đối đầu gay gắt trong cuộc chiến bản quyền. Ảnh: Bloomberg

Cái tên "nổi cộm" nhất trong các vụ đưa nhau ra tòa của giới công nghệ năm nay là Apple. Trong đó. cuộc chiến bản quyền giữa Apple và Samsung kéo dài trên rất nhiều đầu sản phẩm và quốc gia trên thế giới. Tháng 8/2012, tòa án Mỹ tuyên bố Samsung phải trả một tỷ USD cho Apple vì vi phạm bằng sáng chế trên thiết kế phần cứng và phần mềm của iPad và iPhone.

4. Amazon mua tổng hành dinh mới

Amazon đầu tư lớn cho trụ sở chính. Ảnh: Redux

Tháng 10 năm nay, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, Amazon, gật đầu chi 1,16 tỷ USD để mua tổ hợp tổng hành dinh gồm 11 tòa nhà tại Seattle (Mỹ). Đây là thương vụ mua trụ sở lớn nhất trong năm ở Mỹ. Năm 2012, cổ phiếu Amazon tăng khoảng 50% so với năm ngoái, và doanh thu bán hàng qua Internet kỳ vọng đạt 43,4 tỷ USD tính đến mùa nghỉ lễ cuối năm.

5. Microsoft mua lại công ty điều hành mạng xã hội cho doanh nghiệp

Microsoft vừa ra mắt hệ điều hành Windows 8. Ảnh: Bloomberg

Tháng 6, Microsoft tuyên bố thỏa thuận 1,2 tỷ USD để sáp nhập Yammer, công ty chạy mạng xã hội riêng dành cho doanh nghiệp. Khi giới thiệu Windows 8 vào tháng 10, "gã khổng lồ công nghệ" cũng tính dành hơn một tỷ USD cho marketing để thiết kế lại hệ điều hành.

6. Apple nâng quỹ nghiên cứu và phát triển

Mạnh tay nâng quỹ nghiên cứu và phát triển nhưng Apple lại gặp trắc trở khi ra mắt ứng dụng bản đồ. Ảnh: Bloomberg

Cái giá để Apple giữ vững ngôi "Công ty đắt giá nhất hành tinh" và tiếp tục phát triển sau thời kỳ lãnh đạo của Steve Jobs là không hề rẻ. Năm nay, hãng đã nâng quỹ nghiên cứu và phát triển thêm gần một tỷ USD, chạm mức 3,38 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Apple lại dính "lỗi để đời" khi ra mắt ứng dụng bản đồ thiếu chính xác và méo mó, khiến đích thân CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi và ban quản lý có sự xáo trộn nhân sự.

7. RIM bán máy bay

RIM bán một trong hai máy bay của công ty. Ảnh: Bloomberg

2012 là năm hết sức khó khăn của Research In Motion (RIM), công ty sở hữu thương hiệu BlackBerry. Hai đồng CEO từ chức vào tháng một. Sáu tháng sau đó, RIM bán một trong hai máy bay của công ty, một phần trong kế hoạch thu về một tỷ USD để cứu vãn cảnh làm ăn sa sút. Chiếc máy bay 9 chỗ Dassault Aviation SA F50EX được chào bán 7 triệu USD. Nếu việc ra mắt BlackBerry 10 vào năm sau không suôn sẻ, có lẽ hãng phải bán nốt chiếc máy bay còn lại.

8. Cisco Systems chi bội mua công ty nhỏ

Cisco Systems bỏ một tỷ USD để mua lại công ty sản xuất thiết bị Wi-Fi ít tên tuổi. Ảnh:Bloomberg

Công ty mạng Cisco Systems chi 1,2 tỷ USD nhà sản xuất thiết bị Wi-Fi Meraki hồi tháng 11. Thương vụ này đã gây bất ngờ cho giới quan sát bởi mức giá đưa ra.

9. Tập đoàn Knight Capital thoát phá sản

Giá trị của Knight Capital Group rớt mạnh, đẩy công ty gần bờ phá sản. Ảnh: AP

Năm 2000, giá trị thương hiệu của Knight là 4,8 tỷ USD nhưng đến tháng 8/2012, con số này chỉ còn 253 triệu USD. Công ty hồi sinh khi đang mấp mé trên bờ vực phá sản nhờ Getco, doanh nghiệp hào phóng chi đến một tỷ USD bằng cả tiền mặt và cổ phiếu để cứu Knight.

Theo Phương Linh (Vnexpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.