Trước thông tin gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, mới đây, công ty TNHH Mạnh Cầm - Đơn vị phân phối trực tiếp sản phẩm sữa dê Danlait một lần nữa lên tiếng làm rõ thông tin.

>>Lùng bùng sữa dê Danlait: Mạnh Cầm xin lỗi khách hàng

Danlait đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác và được Bộ Nông nghiệp - Nông lương - Lâm sản Pháp và Bộ Y tế Việt Nam khẳng định
Danlait được sản xuất từ Pháp hay Trung Quốc?
Ông Đặng Quang Mạnh - Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm, đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sữa dê Danlait tại Việt Nam khẳng định, chất lượng sữa Danlait hoàn toàn đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác và được Bộ Nông nghiệp - Nông lương - Lâm sản Pháp và Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận.

Ông Đặng Quang Mạnh – Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm: "Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm của mình cũng như kết quả xét nghiệm sản phẩm của các cơ quan chức năng Pháp và Việt Nam"

Cụ thể, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm lô sản phẩm sữa dê Danlait theo phương pháp ngẫu nhiên và đảm bảo tính đại diện, khách quan theo đúng quy trình của Nhà nước. Ngày 12/3/2013, Viện đã công bố kết quả kiểm nghiệm chính thức. Theo đó, hàm lượng protein của mẫu sữa dê Danlait 01 là 13,4%, Danlait 02 là 17,4%, Danlait 03 là 18%. Sữa dê Danlait đáp ứng các quy chuẩn của Châu Âu và Codex đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em.
Về vấn đề sản phẩm sữa dê Danlait được nhập khẩu từ Pháp hay từ Trung Quốc như dư luận nghi ngờ, cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) đã có thư trả lời. Theo đó, trong thư có nói tới việc ông Jean Luc Angot - Trưởng Cơ quan điều phối Y tế Pháp giải thích, sữa dê dùng để sản xuất sữa trẻ em Danlait được thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vendé bởi nhà máy thuộc Liên hiệp sữa vùng Venise Verte (thị trấn Maillezais - 85420 thuộc tỉnh Vendée). Công ty FIT của thành phố Rennes đã đặt hàng của nhà máy này và xuất khẩu sang Việt Nam thông qua sự phân phối độc quyền của công ty TNHH Mạnh Cầm.
Thư này cũng khẳng định, công ty FIT có đăng ký trong danh bạ với tư cách là công ty bán buôn, kinh doanh liên doanh nghiệp các sản phẩm sữa, trứng, dầu ăn và các thực phẩm có chất béo. Đó là một hoạt động thương mại đơn thuần không qua trung gian và không tác động gì tới chất lượng của các sản phẩm. Như vậy, các sản phẩm sữa Danlait sau khi được sản xuất tại nhà máy của Liên hiệp sữa vùng Venise Verte đã được công ty FIT vận chuyển trực tiếp và bàn giao nguyên vẹn cho đối tác là công ty TNHH Mạnh Cầm.
"Toàn bộ các thông tin này nằm trong giấy chứng nhận y tế có chữ ký của các đơn vị của tôi, đã được gửi kèm theo từng chuyến hàng tới các cơ quan chức năng Việt Nam. Tóm lại, mã số duy nhất FR 85-133-01 CE được in trên mỗi hộp sữa, xác nhận xuất xứ sản phẩm là từ Pháp, chứ không phải từ Trung Quốc như một số tin đồn ở Việt Nam" - ông Jean Luc Angot nhấn mạnh.
Văn bản chứng minh nguồn gốc cũng như kết quả kiểm nghiệm chất lượng sữa dê Danlait
Là thực phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng?
Trước những tranh cãi về sữa Danlait có phải là thực phẩm chức năng hay không, phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp online đã trao đổi với ông Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), được biết: Khoản 23, điều 2 Luật An toàn thực phẩm quy định: Thực phẩm chức năng bao gồm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Bên cnh đó, Nghị định 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ quy định rõ "Thức ăn bổ sung là thực phẩm được chế biến để bổ sung thêm cùng với sữa mẹ, sữa cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 24 tháng". Do vậy, sau khi phân tích, sữa dê Danlait được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy Xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm thuộc nhóm Thực phẩm bổ sung.

Ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): "Những sai sót của công ty Mạnh Cầm đến đâu thì xử phạt theo quy định. Nhưng về chất lượng sữa tôi khẳng định là đảm bảo

Nếu gọi là sữa không mà không có nhóm sản phẩm đằng trước thì khác gì sữa thông thường. Những vi phạm như thông tin không đầy đủ trên tem phụ... của công ty Mạnh Cầm đến đâu thì chúng ta xử phạt đúng theo quy định. Nhưng về chất lượng sữa tôi khẳng định là đảm bảo”. - ông Giang khẳng định.
Trước thông tin, độ đạm trong sữa chỉ đạt 4%, ông Giang phủ nhận: “Kết quả kiểm nghiệm này là sai và không có giá trị pháp lý”. Ông Giang giải thích kết quả này sai vì phương pháp xét nghiệm sai. Cụ thể, kết quả độ đạm sữa 4,13% trong phiếu kiểm nghiệm là được thực hiện theo phương pháp TCVN 3705: 90 - đây là phương pháp thử nghiệm thuỷ sản chứ không phải cho sữa. Và phương pháp đúng phải là TCVN 5537:91.
Chất lượng có đảm bảo?
Trao đổi với phóng viên, ông Mạnh khẳng định, doanh nghiệp đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do mới tham gia thị trường, còn non trẻ, công ty đã mắc phải một số sai sót như cung cấp thông tin trên nhãn phụ chưa đầy đủ. Ngay sau khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, công ty đã tuân thủ và sửa chữa theo yêu cầu. Hiện nay, trên các sản phẩm mới, toàn bộ nhãn mác đã được thay đổi theo quy định.
Ông Mạnh cũng nêu một thực tế, hiện doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại của cá nhân hay tập thể nào mà chủ yếu những thông tin không chính xác xuất hiện qua các trang cá nhân. Một lần nữa ông Mạnh khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm của mình cũng như kết quả xét nghiệm sản phẩm của các cơ quan chức năng Pháp và Việt Nam. Các nhận định về nguồn gốc và chất lượng của sữa Danlait trên một số diễn đàn, mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng trong thời gian vừa qua là thiếu căn cứ khoa học và pháp lý”.

Ông Herve Lanoe - Chủ tịch HĐQT Công ty FIT

Để chứng minh nguồn gốc của sữa dê Danlait, ông Herve Lanoe - Chủ tịch HĐQT công ty FIT đã về Việt Nam và làm rõ thông tin với báo giới. Theo ông Herve Lanoe, để ra thị trường, sữa dê Danlait phải trải qua 4 quy trình kiểm tra bắt buộc (CPP). Đầu tiên là thu gom sữa; thứ hai là phân tích chất lượng sữa vừa chế biến thành bột, nếu chất lượng đảm bảo sẽ cho đóng hộp; thứ ba là kiểm tra các hộp có kín hay không; và công đoạn cuối cùng là Cơ quan chức năng kiểm tra, nếu an toàn sẽ được cấp giấy chứng nhận và xuất ra thế giới.
“Tôi không hiểu tại sao một số người lại tuyên truyền sản phẩm của chúng tôi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bên Pháp chúng tôi sản xuất rất nhiều sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Hơn nữa, luật pháp nước Pháp rất nghiêm minh, nếu sản phẩm không đủ chất lượng sẽ không được xuất khẩu” - ông Herve Lanoe bày tỏ nỗi thất vọng.
Trước đó, vào tháng 2/2013, trên một số diễn đàn và mạng xã hội xuất hiện những thông tin liên quan đến chất lượng sữa dê Danlait do công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối. Nhiều người lo ngại sữa được sản xuất từ Trung Quốc chứ không phải từ Pháp.
Chứng minh sữa dê Danlait nhập khẩu từ Pháp
Vào đầu tháng 4, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã nêu ra 3 sai phạm của công ty: Thứ nhất về giấy chứng nhận hàng hóa: Cục An toàn Thực phẩm cấp giấy phép cho sản phẩm “thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ” , tuy nhiên trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm các hộp sữa lưu thông trên thị trường, công ty này không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” mà lại ghi mỗi từ “sữa dê”. Thứ hai, nhãn gốc của hàng hóa này là “sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”, trong khi đó, Mạnh Cầm chỉ ghi là “sữa dê Danlait”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thứ 3, Nghị định số 21/NĐ-CP (năm 2006) của Chính phủ quy định về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ yêu cầu các nhãn hàng phải ghi dòng ghi chú: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ”, tuy nhiên Mạnh Cầm lại không ghi rõ.
Lưu Vân (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.