Như vậy sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup 2014 - đã có những trận mở màn nhiều kịch tính, thu hút hàng tỉ khán giả trên khắp thế giới theo dõi.

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, nước chủ nhà đã không nhận được sự hưởng ứng của người dân trong nước.

Ngoài những yếu tố thiên về cảm xúc thuần túy, World Cup lần này chắc chắn cũng sẽ mang lại những tác động to lớn về mặt kinh tế cho quốc gia đăng cai.

Theo công ty chuyên nghiên cứu về giới giàu có WealthInsight, World cup 2014 kết hợp với Thế vận hội 2016 mà Brazil cũng là chủ nhà, sẽ khiến số lượng triệu phú của Brazil tăng mạnh về số lượng trong 5 năm tới, khoảng 22% và tổng tài sản của họ sẽ tăng thêm 400 tỉ USD.

Bốn năm trước, Nam Phi, quốc gia được xếp vào nhóm các nền kinh tế mới nổi cùng với Brazil (BRICS), đã chứng kiến số lượng triệu phú của quốc gia này tăng 28% kể từ khi đăng cai World Cup. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nam Phi cũng tăng 163%, theo WealthInsight.

So với các quốc gia đã phát triển như Đức, Nhật, Hàn Quốc… tác động đối với nền kinh tế mà World Cup mang lại đối với các quốc gia đang phát triển như Nam Phi, Brazil có thể sẽ lớn hơn nhiều. Khi đó, những khoản tiền khổng lồ sẽ được dùng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giá bất động sản sẽ tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, việc thu hút sự quan tâm của cả thế giới cũng khiến các quốc gia này có cơ hội quảng bá đất nước, tạo cơ hội cho ngành du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nền kinh tế Brasil đang gặp những trục trặc nhất định. Năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp mà nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này chỉ tăng trưởng khiêm tốn 2,3% - một trời một vực so với mức tăng hơn 7% trước đó. Liệu World Cup sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff, người sẽ tái tranh cử vào tháng 10 tới?

Nhưng thật đáng tiếc khi có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ World Cup, nước chủ nhà đã không nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân trong nước. Trước khi sự kiện diễn ra, nhiều cuộc biểu tình của công nhân, tầng lớp nghèo khó, thậm chí cả các bộ tộc đã diễn ra rầm rộ để phản đổi việc Brazil chi quá nhiều cho World Cup mà bỏ qua các vấn đề cấp bách khác như đói nghèo, y tế, giáo dục.

Có thể thấy đối với một quốc gia mà bóng đá đã là một thứ tôn giáo như Brazil, cái ăn cái mặc hằng ngày vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân chứ không phải cảm giác vui sướng ngắn ngủi nếu đội nhà chiến thắng tại World Cup.

“Một bộ phận người dân chúng tôi tin rằng việc Brazil vô địch World Cup sẽ tốt cho chính quyền hiện tại”, tờ Goal nói. Bởi vậy mới có chuyện hy hữu là hiện nhiều người dân Brazil không mong muốn đội nhà vô địch mà lại quay sang ủng hộ đại kình địch Argentina.

Được biết Brazil đã chi ra 14 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số gần 4 tỉ USD mà Nam Phi đã chi ra để tổ chức World Cup 2010. Trong đó chỉ riêng khoản chi cho an ninh đã gần 900 triệu USD, gấp 5 lần so với Nam Phi (theo ước tính của công ty nghiên cứu kinh tế IHS). Do đó, chưa biết tác động thực sự của World Cup sẽ ra sao nhưng trước mắt những người dân đóng thuế của Brazil đang biết rằng mình đang gánh những khoản nợ hàng tỉ USD cho niềm vui thưởng thức không khí nóng bỏng của World Cup chỉ trong 1 tháng.

Thế tình cảnh của Nam Phi giờ này ra sao ngoài những thống kê ấn tượng của WealthInsight? Một cuộc khảo sát mới đây của hãng thông tấn AFP (Pháp) cho thấy một thực tế đáng buồn là ngoài trường hợp của sân vận động Soweto’s Soccer City, tất cả các sân khác phục vụ cho World Cup 2010 đến giờ vẫn chưa thể trả được nợ.

“Những gì còn lại cho chúng tôi là một món nợ khổng lồ và các sân vận động đắt đỏ ngốn tiền ngân sách. Như vậy trong khi đã có thể có một vài công trình hạ tầng như đường xá và vận tải, thì hiện chúng tôi đang phải chi trả các khoản nợ này”. Dale McKinley, chuyên gia phân tích chính trị tại Nam Phi, cay đắng nói.

Brazil, cũng giống như Nam Phi, là một trong những quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao nhất thế giới, một tỉ lệ không nhỏ người dân phải sống nghèo khổ và không có cơ hội tiếp cận nguồn nước máy và điện. Có lẽ đối với họ World Cup cũng không mang lại nhiều ý nghĩa.

Cuối cùng, có lẽ không phải Nam Phi hay Brazil mà Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) mới là người thắng cuộc trong cuộc chơi này. FIFA đã bỏ túi 2,4 tỉ USD chỉ tính riêng cho phí bản quyền truyền hình vào năm 2010 và nhiều khả năng trong năm nay, số tiền này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

“Chi phí thì vượt xa so với các lợi ích kinh tế, trong khi FIFA chỉ chia sẻ với Nam Phi một tỉ lệ rất nhỏ số tiền từ doanh thu bán vé”, tờ Sunday Times (Nam Phi) mới đây bình luận.

Đối với Brazil, chắc chắn tác động của World Cup sẽ còn kéo dài trong các năm tới, nhưng không biết sẽ là màu hồng hay màu gì khác.

Sơn Thanh (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Adidas thắng lớn tại World Cup 2014

    Adidas thắng lớn tại World Cup 2014

    18/07/2014 1:29 PM

    Cách đây 1 tháng, ngay trước thềm World Cup 2014, Đầu tư Chứng khoán đã đăng bài báo có tựa đề “Adidas chọi Nike: ai sẽ hơn ai tại World Cup 2014?” bàn về cuộc cạnh tranh giữa 2 hãng này tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong năm nay.

  • 5 bài học cho doanh nghiệp từ World Cup

    5 bài học cho doanh nghiệp từ World Cup

    12/07/2014 8:11 AM

    Thất bại của những đội mạnh chứng tỏ không phải lúc nào sở hữu nhân tài cũng thành công. Thay vào đó, chiến lược, cộng đồng... là những yếu tố rất quan trọng giúp tổ chức tiến xa hơn.

  • Đại gia sớm rời World Cup, nhà tài trợ lỗ nặng

    Đại gia sớm rời World Cup, nhà tài trợ lỗ nặng

    30/06/2014 11:24 AM

    Doanh nghiệp đổ tiền cho các tuyển Anh, Italy, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đang phải ngồi kiểm kê khoản lỗ sau khi các đội này sớm dừng chân từ vòng bảng.

  • Adidas ngừng quảng cáo với Luis Suarez vì cắn người

    Adidas ngừng quảng cáo với Luis Suarez vì cắn người

    27/06/2014 10:41 PM

    Hãng thể thao Đức sẽ thôi sử dụng hình ảnh của tiền đạo người Uruguay trong suốt thời gian còn lại của World Cup 2014 sau khi FIFA có lệnh phạt 4 tháng đối với cầu thủ này.

  • Doanh nghiệp Brazil thiệt hại hàng tỷ USD vì World Cup

    Doanh nghiệp Brazil thiệt hại hàng tỷ USD vì World Cup

    25/06/2014 9:48 AM

    Tổ chức Fecomercio (Brazil) ước tính các công ty có thể thiệt hại tới 13,5 tỷ USD vì năng suất lao động giảm, trong khi vẫn phải trả lương gấp đôi cho những người làm việc trong ngày nghỉ World Cup.

  • Làm chủ nhà World Cup: Thích không?

    Làm chủ nhà World Cup: Thích không?

    17/06/2014 10:58 AM

    Như vậy sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup 2014 - đã có những trận mở màn nhiều kịch tính, thu hút hàng tỉ khán giả trên khắp thế giới theo dõi.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.