Ferdinand Piech, tuy là một người Áo nhưng đã nổi danh với các tập đoàn sản xuất ôtô Posche và Volkswagen của Đức. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng nhất của ngành công nghiệp ôtô thế giới thời kỳ hiện đại.

Người 'có xăng trong máu'

Ferdinand Piech


Ông không chỉ là nhà thiết kế ôtô tài ba mà còn là nhà quản lý công nghiệp xuất chúng. Chính Ferdinand Piech là người đã đưa Volkswagen thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng nặng nề, đang lỗ nặng trở thành có lãi lớn.


Trong 10 năm làm Chủ tịch điều hành, Volkswagen từ một tập đoàn sản xuất ôtô trung bình đã trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu và đứng thứ 3 thế giới. Các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ, Nhật và châu Âu đều phải kính nể trước một tập đoàn khổng lồ với trên 300.000 nhân viên và hoạt động ngày càng hiệu quả như Volkswagen.


Người có xăng trong máu


Sau 10 năm, Ferdinand Piech thôi làm Chủ tịch điều hành mà chuyển sang làm Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Volkswagen. Cả cuộc đời Ferdinand Piech vẫn gắn liền với công nghiệp xe hơi. Rất nhiều người đã nói hình ảnh rằng trong dòng máu của Ferdinand Piech còn có cả xăng.


Điều đó dường như đúng cả mọi phương diện. Ferdinand Piech không chỉ là người gắn bó máu thịt với ngành công nghiệp ôtô mà ông còn sinh ra trong một gia đình rất danh giá và nổi tiếng nghiệp chế tạo ôtô. Ferdinand Piech chính là cháu ngoại của Ferdinand Porsche, người sáng lập ra hãng ôtô Porsche và cũng là cha đẻ của nhiều thương hiệu và model ôtô lừng danh.


Ferdinand Piech hiện cũng đang là đồng chủ sở hữu của hãng xe Porsche và ông cũng đang là người giàu thứ tư của nước Áo với tổng tài sản ước đoán là 1 tỷ USD. Chính vì thế mà Ferdinand Piech hiện còn làm Chủ tịch hội đồng quản trị của cả hãng xe Porsche của họ hàng nhà ngoại.


Ferdinand Porsche khi đi học thì rất xoàng, đặc biệt về môn văn, đọc và nói chỉ được xếp loại trung bình. Tuy nhiên Ferdinand Porsche lại tỏ ra có khiếu về kỹ thuật. Vả lại ông là con nhà nòi ôtô chính hiệu nên học xong phổ thông Ferdinand Piech học ngành chế tạo máy tại trường Đại học kỹ thuật Zuyric, Thụy Sỹ.


Năm 1962, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư, Ferdinand Piech về làm tại hãng xe Porsche của ông ngoại tại Stuttgart. Ferdinand Piech bắt đầu sự nghiệp từ đây với mơ ước một ngày nào đó có thể nắm quyền điều hành hãng xe thể thao danh giá của gia đình. Rất say mê về kỹ thuật, lại ham học hỏi nên Ferdinand Piech tiến bộ rất nhanh. Từ một kỹ sư tập sự, Ferdinand Piech đã trở thành trưởng phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm của hãng Porsche sau hơn 5 năm làm việc. Năm 1971, khi mới chỉ 34 tuổi Ferdinand Piech đã trở thành giám đốc kỹ thuật của Porsche. Chính ông là tác giả thiết kế kiểu xe Porsche 917 rất được ưa chuộng về sau.


Đang rất thuận lợi trong doanh nghiệp của gia đình nhưng Ferdinand Piech lại tỏ rõ tham vọng và bản lĩnh khi muốn chứng tỏ khả năng trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Vì vậy năm 1972, ông sẵn sàng rời bỏ Porsche để đến với hãng xe Audi là một công ty con của tập đoàn Volkswagen. Ferdinand Piech gắn bó với Volkswagen từ lúc đó. Ông đã chứng tỏ tài năng và hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ sản xuất ôtô trên cương vị phụ trách lĩnh vực phát triển sản phẩm mới.


2 năm sau, năm 1975, Ferdinand Piech đã trở thành thành viên Ban tổng giám đốc của Audi. Trong thời gian làm việc tại Audi, Ferdinand Piech đã chứng tỏ không chỉ năng lực sáng tạo về kỹ thuật chế tạo ôtô mà cả khả năng bán hàng và quản trị doanh nghiệp rất xuất sắc của ông. Năm 1983, Ferdinand Piech là Phó tổng giám đốc, năm 1988 ông là Tổng giám đốc của Audi. Ferdinand Piech được thừa nhận là một trong những chuyên gia chế tạo ôtô hàng đầu. Rất nhiều chi tiết và cả động cơ ôtô đã được Audi hoàn thiện, cải tiến nhờ những ý tưởng sáng tạo của chính ông Tổng giám đốc điều hành.


Ferdinand Piech đã thực sự trở thành một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô khi tên tuổi hãng xe Audi đã vượt qua biên giới nước Đức. Đồng thời Ferdinand Piech cũng đã xây dựng được thương hiệu Audi trở thành thương hiệu xe dòng trung và cao cấp nhờ công nghệ sản xuất ôtô hiện đại bậc nhất châu Âu.


Cải tổ tập đoàn Volkswagen


Những thành công của Ferdinand Piech tại Audi đã khiến ông phải đối đầu với những thử thách cao hơn. Năm 1992, Ferdinand Piech được mời vào làm Chủ tịch điều hành của cả tập đoàn xe ôtô Volkswagen. Khi đó, Volkswagen đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất của mình. Cả tập đoàn bị lỗ 1,8 tỷ Mark, tương đương gần 1 tỷ euro lúc Ferdinand Piech bắt đầu nhiệm vụ.


Volkswagen sở hữu khá nhiều nhà máy sản xuất ôtô nhờ các vụ mua bán sáp nhập trước đó như các nhà máy Scoda ở Séc hay Seat ở Tây Ban Nha. Thế nhưng gần như tất cả các loại xe của Volkswagen rất khó bán. Mẫu mã kém hấp dẫn và giá thành cao do chi phí lớn là nguyên nhân chính dẫn đến thời kỳ khủng hoảng trầm trọng ở Volkswagen. Các cổ đông, nhà đầu tư rất hy vọng vào một điều kỳ diệu từ Ferdinand Piech, một con nhà nòi ôtô đã rất thành công với Audi. Và Ferdinand Piech đã không phụ lòng tin đó bằng sự nỗ lực hết mình và cả sự cứng rắn hiếm có. Kỷ luật được thắt chặt hơn trước rất nhiều.


Như phần lớn các nhà cải cách doanh nghiệp thành công khác, Ferdinand Piech phải bắt đầu từ giảm chi phí. Sau thời gian ngắn nghiên cứu, Ferdinand Piech đã không khó khăn khi phát hiện rằng Volkswagen đang thừa chừng 30.000 người. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề việc làm của một số đông người như thế này, Ferdinand Piech đã bất ngờ có một giải pháp dung hoà rất dễ chịu và rất được hoan nghênh.


Đó là thay vì sa thải những người thừa thì tập đoàn Volkswagen áp dụng mô hình làm việc chỉ có 34 đến 36 giờ cho 1 tuần, tức chưa đến 4,5 ngày trong một tuần. Dù không giảm số việc làm nhưng lương một người có ít đi nên chi phí lương giảm. Bản thân toàn bộ Ban điều hành cũng phải chấp nhận giảm lương 20%. Ferdinand Piech đã rất tự hào nhờ đó mà chỉ qua đêm mà ông đã tiết kiệm được 1,6 tỷ Mark cho tập đoàn. Thành phố Wolfsburg, nơi tập đoàn có trụ sở chính nhờ đó đã tránh được tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi.


Ferdinand Piech là nhà quản lý luôn bám sát mục tiêu đã đề ra và tìm mọi cách để hoàn thành. Không thể giảm quá nhiều chi phí nhờ tối ưu hoá, giảm nhân sự thì Ferdinand Piech lại càng chú trọng hơn tới việc giảm chi phí đầu vào. Để làm việc này Ferdinand Piech đã tìm cách săn được một ông vua giảm chi phí của ngành sản xuất ôtô là Lopez đến từ General Motor. Chính vì phi vụ săn đầu người này mà Volkswagen đã phải vất vả do vụ kiện cáo với tập đoàn GM của Mỹ.


Con người của một tầm nhìn xa


Khi nắm quyền điều hành cao nhất tại Volkswagen, Ferdinand Piech quyết định thực hiện chiến lược nhiều thương hiệu, nhiều đẳng cấp đồng thời cho các sản phẩm của mình. Bên cạnh các thương hiệu sẵn có như VW, Golf, Audi, Seat, Skoda, Ferdinand Piech còn mua về nhiều thương hiệu mới như Bentley, Bugatti, Lamborghini, Scania.


Là nhà quản lý cao nhất nhưng đồng thời cũng là một chuyên gia về kỹ thuật ôtô nên Ferdinand Piech rất chú ý đến kỹ thuật và công nghệ sản xuất ôtô. Trong con người ông năng lực sáng tạo với những ý tưởng bất ngờ vẫn luôn trực sẵn. Ông luôn quan tâm đến tương lai của ôtô trong một cuộc sống và xã hội phát triển hơn, hiện đại hơn.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.