CafeLand - Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp các doanh nhân tỷ phú.

Cuối tháng 10/2021, Tập đoàn Sovico và Viện Đại học Oxford đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Sau thông báo này, trường đại học Linacre College thuộc Viện Đại học Oxford, đơn vị nhận khoản đầu tư, cho biết sẽ xin ý kiến Hội đồng để về việc đổi tên Linarce College thành Thao College để ghi nhận món quà lớn này.

Sự kiện này ghi dấu ấn mạnh mẽ của các tỷ phú Việt trên bản đồ thế giới.

Năm 2012, Việt Nam chưa hề có một tỷ phú đô la nào. Còn hiện nay, Việt Nam có 6 tỷ phú đô la trong danh sách của tạp chí Forbes. Thị trường chứng khoán Việt tăng mạnh có nghĩa là danh sách này có thể dài hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ để doanh nghiệp nội địa bước ra cạnh tranh trên trường quốc tế.

Đứng đầu danh sách các tỷ phú Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vingroup. Ông Vượng là người Việt đầu tiên gia nhập câu lạc bộ tỷ phú vào năm 2013. Dường như chưa có mảng dịch vụ nào trong nước mà Vingroup chưa tham gia, từ du lịch, bệnh viện, dược phẩm, giáo dục cho đến sản xuất ô tô. Năm 2018, Vingroup tách riêng mảng bất động sản thành công ty con Vinhomes, hiện này là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa thị trường. Vingroup và Vinhomes đều được định giá khoảng hơn 15 tỷ USD, tương đương với quy mô của một công ty Mỹ thuộc nhóm S&P 500.

Sau ông Vượng, nhiều tài phiệt Việt Nam đã xuất hiện, trong đó có bà Phương Thảo. Tập đoàn hàng tiêu dùng Masan Group và Techcombank, một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước, có mối liên kết chặt chẽ với nhau thông qua hai tỷ phú đô la là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh. Cả 4 tỷ phú nói trên đều từng học tập và khởi nghiệp tại Đông Âu trước khi về nước làm ăn.

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các tỷ phú trên cũng như nhiều người Việt khác tại Đông Âu đã tìm ra nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi. Ông Vượng cho ra đời thương hiệu mì ăn liền Mivina, trở thành mặt hàng chủ lực trong nước ở Ukraine. Bà Thảo đã kiếm được một triệu đô la đầu tiên nhờ kinh doanh hàng hóa qua lại giữa các nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) sang Đông Âu.

Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, trong khi hầu hết các công ty do các tỷ phú Việt lãnh đạo đều phục vụ cho tầng lớp trung lưu của Việt Nam, phần lớn tài sản của họ đến từ lĩnh vực bất động sản và ngân hàng. Đây cũng là điểm chung của tỷ phú Việt Nam với giới tài phiệt thế giới, với hai lĩnh vực điển hình là tài chính và bất động sản.

Sự xuất hiện của các tỷ phú đô la Việt Nam cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đồng thời đem đến sự tín nhiệm từ các nhà đầu tư quốc tế. Ví dụ đầu năm nay, Alibaba đã rót 400 triệu USD vào mảng bán lẻ của Masan Group, tiếp đến là khoản đầu tư 340 triệu USD trong tháng này từ SK Group, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. SK Group cũng sở hữu 6% cổ phần tại Vingroup.

Lam Vy (Economist)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: