Không phải đại gia, chính giới trẻ với thu nhập trung bình ở Trung Quốc mới là động lực của thị trường hàng xa xỉ nước này.

Guo Jiaxi là điển hình của một thế hệ mới ở Trung Quốc, đang góp phần thúc đẩy ngành hàng xa xỉ. Guo Jiaxi là một trong những phụ nữ trẻ và không ngại chi tiêu.

Guo năm nay 24 tuổi. Cô làm kế toán ở Tô Châu và rất yêu thích các thương hiệu như Coach hay Louis Vuitton. Gần đây, cô mua một chiếc khăn của Acne Studios, đồng hồ Daniel Wellington và dây nịt Mont Blanc để làm quà tặng. Với thu nhập chỉ 50.000 nhân dân tệ mỗi năm (tương đương gần 7.900 USD), cô dành một phần năm số tiền kiếm được cho những món hàng xa xỉ.

“Đồ xa xỉ không phải là tối cần thiết với tôi nhưng bất cứ khi nào có đủ tiền thì tôi sẽ mua”, Guo cho biết.

Theo hãng tư vấn Bain & Co., Guo và nhóm người tiêu dùng như cô chính là nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng đột biến về chi tiêu cho hàng xa xỉ tại Trung Quốc năm ngoái. Họ cũng là lý do trọng yếu để các ông trùm đồ hiệu như LVMH hay Kering, những đại gia sở hữu Gucci, Hermes, phải tập trung chăm sóc cho thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới này.

Nhóm khách hàng như Guo có xu hướng “vung tay quá trán” và không mấy trung thành với thương hiệu truyền thống. Trong khi đó, họ bị ảnh hưởng mạnh bởi các xu hướng sành điệu mới và cật lực để lùng mua đồ hiệu qua Internet.

“Một số thanh thiếu niên này thậm chí không đủ tiền nhưng họ vẫn cố mua cho được những sản phẩm xa xỉ”, Huang Yue, 27 tuổi, điều hành bộ phận thời trang của Loving Luxury đánh giá.

Khách hàng kiểm tra món hàng hiệu mua qua mạng, được giao bằng dịch vụ VIP. Ảnh: Reuters.

Yue cho rằng sự chuyển đổi sang thế hệ Thiên niên kỷ, những người từ 20 đến 34 tuổi, rất ấn tượng. Họ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thời trang xa xỉ phong cách streetwear và thể thao thời gian gần đây. “Xét về tác động thị trường thì đây thực sự là một liều thuốc bổ”, Yue tuyên bố.

Tinh thần lạc quan, mua sắm trực tuyến dễ dàng cộng với sự hỗ trợ từ bố mẹ khi họ phất lên nhờ kinh tế Trung Quốc phát triển và giá nhà đất tăng cao, lớp người trẻ có điều kiện để “lặn ngụp” trong thị trường hàng xa xỉ trong và ngoài nước.

Thế hệ thiên niên kỷ đã giúp thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc đạt doanh thu 22,07 tỷ USD năm 2017, tăng đến 20% so với năm 2016. Theo Bain & Co., đây là bước tăng nhanh nhất trong hơn nửa thập kỷ tăng trưởng chậm chạp của thị trường tại đây.

Giá trị hàng xa xỉ tại Trung Quốc chiếm 8% tổng giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người Trung Quốc lại mua đến ba phần tư số hàng xa xỉ của mình ở nước ngoài.

Ông Bernard Arnault - Giám đốc điều hành của LVMH cho biết, Trung Quốc là thị trường "rất năng động". Trong đó, thương hiệu Louis Vuitton đang hoạt động tốt. Ông cũng cho rằng thị trường này đang phục hồi mạnh. Tương tự, các thương hiệu như Gucci hay Remy Cointreau cũng đang tăng trưởng mạnh tại đây.

Tuy nhiên, cuộc chơi không dễ dàng với tất cả thương hiệu. Vẫn có người khá chật vật. Coach and và Burberry báo cáo tình hình kinh doanh suy giảm cuối năm ngoái. Tương tự, doanh số của Prada tại Trung Quốc cũng lao dốc, buộc công ty phải hợp tác truyền thông với các nhân vật có tầm ảnh hưởng trên Internet nước này và mở một cửa hàng trực tuyến.

Các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba Group Holding và JD.com cũng tung ra các nền tảng bán hàng hiệu để thu hút Yves Saint Laurent, Stella McCartney và Alexander McQueen. Liao Jianwen - Giám đốc chiến lược JD.com nhận xét tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng, khách hàng bây giờ muốn sản phẩm có chất lượng cao nhưng với giá cả cạnh tranh.

Dù chi tiêu nhiều hơn nhưng những người trẻ Trung Quốc cũng dần có xu hướng tiết kiệm hơn là tiêu hoang.

Zhang Xia , 24 tuổi, là một tư vấn viên về đầu tư tại Trùng Khánh. Cô dùng túi của Dior, Louis Vuitton, đồ trang sức của Bulgari. Cô từng chi một lần đến gần 23.700 USD để mua một chiếc đồng hồ của Piaget. Tuy nhiên, giờ cô khá kỹ lưỡng khi mua đồ hiệu.

“Chất lượng và cảm nhận về sản phẩm quan trọng hơn nên với tôi giờ không nhất thiết để chọn một thương hiệu cao cấp”, Zhang nói.

Không chỉ vậy, mọi người cũng sẵn lòng bán lại những món đồ hiệu cũ. Điều này có nghĩa những người mua hàng mới có thể thu lại một ít tiền sau thời gian sử dụng.

Deng Yun, 33 tuổi, giám đốc điều hành sàn bán đồ hiệu qua sử dụng luxusj.com cho biết, hầu hết sản phẩm của Louis Vuitton, Chanel, Gucci hay Fendi đều đang được rao bán nhiều.

Ông Amanda Casgar - Giám đốc thương hiệu và cộng đồng của thương hiệu đồ thể thao cao cấp Lululemon tại Châu Á - Thái Bình Dương thì cho rằng, việc chiếm được tình cảm thế hệ bố mẹ người tiêu dùng trẻ Trung Quốc rất quan trọng. Bởi họ là nguồn hỗ trợ tài chính không nhỏ để giới trẻ tiêu xài.

“Tất nhiên mức lương của tôi khá thấp nên bố mẹ có giúp tôi một ít”, Guo nói.

Phiên An (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.