Đợt tăng giá điện lần này sẽ đẩy giá điện sinh hoạt tăng khiến những người đi thuê trọ đang phải chịu một bảng giá điện không giống ai lo lắng.

Từ 16/3, giá điện sẽ tăng 7,5%, lên mức bình quân 1.622,05 đồng/kWh với kỳ vọng giúp Tập đoàn Điện lực (EVN) không bị lỗ. Điều này đang khiến những người đi thuê nhà nhấp nhổm không yên.

Những khu nhà trọ tại quận Hoàng Mai đang phải chịu mức giá điện từ 3.500 đồng- 4.000 đồng mỗi số điện. Trước thông báo tăng giá điện sắp tới, những sinh viên thuê trọ không khỏi lo lắng.

Theo tính toán, đợt tăng giá điện lần này sẽ đẩy giá điện sinh hoạt tăng khoảng 100 đồng/kWh nhưng thực tế hiện nay những người đi thuê trọ vẫn phải chịu một bảng giá điện không giống ai.

Nhiều khu nhà cho thuê ở Hà Nội đang ấn định mức thấp nhất cũng 3.500 đồng/kWh, có nơi 4.500 đồng, thậm chí có nơi thu cao ngất ngưởng 5.000 đồng/kWh. Và mỗi lần tăng thông thường được chủ nhà trọ ấn định tăng thêm 500 đồng mỗi kWh. Với quyết định tăng giá điện lần này, hầu hết người đi thuê trọ đều tỏ ra lo lắng, chật vật khi sắp đối mặt với những khoản phí mà không biết kêu ai.

Nguyễn Thùy Linh, sinh viên ĐH Bách Khoa hiện đang trọ tại phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khu nhà trọ của bạn tiền điện đang được tính mức 4.000 đồng/kWh. Mỗi tháng dùng tiết kiệm lắm, phòng có hai người ở chung cũng mất khoảng 45 số điện nhưng giá tiền điện đã lên tới 180.000 đồng/tháng. Mỗi lần tăng giá điện nước, chủ nhà trọ đều rất nhanh nhạy và thường tăng gấp nhiều lần so với quy định.

“Riêng tiền nước vừa rồi khi có thông báo tăng chủ nhà ngay lập tức đã tăng từ 50.000 đồng/người/tháng lên 70.000 đồng/người/tháng hoặc có nơi tính 16.000 đồng/số nước với với mức giá cao hơn so với hộ gia đình. Phòng em có hai người, sinh hoạt không nhiều nhưng tháng nào cũng phải trả 140.000 tiền nước. Giờ tăng giá điện nữa thật sự bọn em không biết phải làm thế nào”, Linh nói.

Với sinh viên đi học xa nhà, mỗi lần điện nước tăng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.

Trương Lê Văn-sinh viên ĐH Bách Khoa hiện đang thuê trọ tại Trương Định cho biết: "Bình thường chúng em chỉ sinh hoạt rất đơn giản: có một nồi cơm điện, đèn điện, 2 laptop, 1 ấm đun nước vào mùa đông nhưng tháng nào cũng khoảng 200.000 tiền điện. Năm ngoái em thuê khu vực gần trường, chủ nhà tính 5.000 đồng/kWh khiến bọn em không chịu nổi phải chuyển đi, lần tăng giá điện này chúng em rất lo không biết chủ nhà có tăng giá nữa hay không. Cái gì cũng tăng thì sinh viên không biết xoay sở kiểu gì. Mùa đông còn chừng ấy tiền điện thì mùa hè bọn em phải tính đến phương án tiết kiệm điện thế nào trong khi mỗi tháng bố mẹ chỉ có thể chu cấp được 2 triệu đồng".

Ngoài thu chênh lệch một cách kỳ quặc, nhiều chủ nhà trọ còn có nhiều cách để "móc túi" người đi thuê trọ.

Đào Thị Thương ở khu Khương Hạ (Thanh Xuân) cho biết, tháng Tết vừa rồi chị về quê gần nửa tháng nhưng tiền điện vẫn hơn 200.000 đồng. Thắc mắc tại sao thì chủ nhà cho biết "đồng hồ thế nào cô tính thế đấy".

“Mùa hè sắp đến, điện nước chắc chắn phải dùng nhiều hơn mà chủ nhà đòi tăng giá nữa thì không biết phải làm thế nào. Tôi tính tìm căn hộ tính điện theo giá Nhà nước nhưng tìm được căn hộ như thế rất khó, hoặc có tìm được thì giá nhà lại cao”, Thương chia sẻ.

Nguyễn Thanh Bình hiện đang trọ tại khu Dương Quảng Hàm (Cầu giấy, Hà Nội) cho biết, khu trọ của chị có gần 20 phòng trọ chủ yếu là sinh viên nhưng đều bị chịu chung mức thu là 4.000 đồng/kWh. Cách đây mấy hôm chủ nhà trọ đã "rào trước" là có quy định mới về tăng giá điện. Tạm thời tháng này vẫn tính điện theo giá cũ nhưng bắt đầu từ tháng sau chủ nhà sẽ tính toán, nếu mức tiêu thụ điện tăng thì sẽ phải áp dụng giá điện mới.

Theo chị Bình, mặc dù khá bức xúc về việc tăng giá điện nhưng thực tế tại khu vực này đều đang chịu mức giá điện với mặt bằng chung từ 3.500 đồng đến 4.500 đồng một kWh nên đành phải chấp nhận.

“Biết là tăng nhưng cũng đành chấp nhận vì các chủ nhà trọ thường ấn định mức chung là thế. Nếu có thắc mắc cũng chỉ nhận được câu trả lời không ở được thì đi”, Bình bức xúc.

Diệu Thùy (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.