Mạng di động 4G sẽ được Nokia đưa lên Mặt Trăng vào cuối năm nay, giúp thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên thiên thể này.

Trong tuyên bố mới, Nokia cho biết mạng 4G sẽ được cung cấp từ một trạm ăng-ten lưu trữ bên trong tàu đổ bộ Mặt Trăng Nova-C do công ty Intuitive Machines của Mỹ thiết kế, kết hợp với một robot tự hành chạy bằng năng lượng mặt trời. Tất cả sẽ được phóng lên bằng tên lửa của SpaceX vào cuối năm 2023. Sau khi hạ cánh, kết nối 4G LTE sẽ được thiết lập giữa tàu đổ bộ và robot tự hành, CNBC hôm 30/3 đưa tin.

Hệ thống 4G của Nokia sẽ đáp xuống miệng hố va chạm Shackleton, dọc theo rìa phía nam của Mặt Trăng. Tập đoàn viễn thông đa quốc gia có trụ sở tại Phần Lan đã cam kết với NASA rằng công nghệ này có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt trong không gian.

Mô phỏng robot tự hành kết nối 4G với tàu đổ bộ Mặt Trăng. Ảnh: Nokia

Kế hoạch của NASA là sử dụng mạng 4G trong chương trình Artemis, nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.

Mục đích là để chứng minh hệ thống mạng trên Trái Đất có thể đáp ứng nhu cầu liên lạc cho các sứ mệnh không gian trong tương lai. Nokia nói thêm rằng mạng 4G của họ sẽ cho phép phi hành gia liên lạc với nhau và với trung tâm điều khiển, cũng như điều hướng robot tự hành từ xa trong thời gian thực và truyền trực tiếp video độ phân giải cao về Trái Đất.

"Chúng tôi thấy rõ ràng rằng đối với bất kỳ sự hiện diện bền vững nào của con người trên Mặt Trăng và sao Hỏa trong tương lai, khả năng kết nối và liên lạc là rất quan trọng. Các phi hành gia ngoài không gian sẽ cần những khả năng tiên tiến giống như chúng ta có trên Trái Đất để hỗ trợ hoạt động của họ và chạy các ứng dụng, cho dù đó là khả năng liên lạc bằng giọng nói và video, trao đổi dữ liệu sinh trắc học, ứng dụng cảm biến hay điều khiển robot", Nokia nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Một trong những điều mà Nokia hy vọng đạt được với mạng 4G không gian là tìm thấy băng trên Mặt Trăng. Phần lớn bề mặt của thiên thể này hiện khô cằn, nhưng các sứ mệnh không người lái gần đây đã mang lại những khám phá về tàn tích băng bị mắc kẹt trong nhiều miệng hố va chạm xung quanh hai cực.

Băng Mặt Trăng có thể được sử dụng để sản xuất nước uống, làm nhiên liệu cho tên lửa hoặc thậm chí là oxy cho phi hành gia. "Việc khai thác băng đòi hỏi rất nhiều cơ sở hạ tầng tại chỗ và dữ liệu về vị trí của một số tài nguyên nhất định", Anshel Sag, nhà phân tích chính của "Chiến lược và Tầm nhìn Mặt Trăng", nói với CNBC.

Để thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng, con người sẽ cần nhiều hơn bên cạnh kết nối Internet. Ví dụ, Rolls-Royce đang nghiên cứu một lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho những cư dân và nhà thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.