CafeLand - Nhà đầu tư nước ngoài có quyền kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam. Quy định của pháp luật về hình thức hoạt động, điều kiện hay những ưu đãi từ phía nhà nước là những vấn đề cần được lưu ý khi đầu tư trong lĩnh vực này.

Kinh doanh rạp chiếu phim là một hình thức phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh hiện hành

Hình thức hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh rạp chiếu phim

Luật Điện ảnh 2006 cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn vốn nước ngoài để kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam, tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi bởi Luật Diện ảnh 2009 hiện hành. Theo đó, đối với dịch vụ sản xuất, phát hành, chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép hoạt động dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam đã được cấp phép cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam.

Đối với hình thức hợp đồng BCC thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam để kinh doanh rạp chiếu phim mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Đối với hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hợp tác cùng một doanh nghiệp Việt Nam để thành lập một doanh nghiệp liên doanh để kinh doanh rạp chiếu phim. Phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh theo cam kết của Việt Nam với WTO.

Cũng lưu ý, đối tác của Việt Nam trong cả hai hình thức hợp tác nêu trên đều không được là nhà văn hóa, tụ điểm chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu bóng lưu động của việt nam.

Điều kiện để thực hiện kinh doanh rạp chiếu phim của nhà đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp chiếu phim được nhập khẩu phim để phổ biến. Phim nhập khẩu phải có bản quyền hợp pháp và không vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh như có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm thuần phong mỹ tục…

Phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất và phim nhập khẩu, phim được sản xuất từ việc hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất, liên doanh sản xuất với tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ chiếu tại rạp khi đã có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Đối với phim do đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình sản xuất và nhập khẩu đã có quyết định phát sóng trên đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình thì sẽ được chiếu mà không cần giấy phép phổ biến phim. Lưu ý, việc cấp giấy phép phổ biến phim sẽ được dựa trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định phim.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, rạp chiếu phim xây dựng mới hoặc cải tạo phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại Thông tư 16/2013//TT-BVHTTDL. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với rạp chiếu phim bao gồm buồng máy, phòng khán giả và khu vực tiền sảnh. Đó là các quy chuẩn về chất lượng hình ảnh – âm thanh, ghế ngồi hay cửa thoát hiểm…

Ưu đãi từ nhà nước Việt Nam

Doanh nghiệp xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh phổ biến phim hoặc xây dựng công trình hoạt động điện ảnh khác được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.

Đầu tư kinh doanh rạp chiếu phim là ngành, nghề được ưu đãi đầu tư. Doanh nghiệp chiếu phim thực hiện ít nhất 60 buổi chiếu trên một năm và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của rạp chiếu phim theo quy định Thông tư 16/2013//TT-BVHTTDL sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất. Theo đó, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Doanh nhân CafeLand kết hợp Công ty Luật PLF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.