Theo Cary Cooper, nhà tâm lý học tại Anh thì mùa hè là thời điểm lý tưởng cho những nhà quản lý để thực hiện những công việc phức tạp do nhân viên ít bị stress hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.
Có vẻ như khi tiết trời nóng bức và thời gian ban ngày dài hơn của mùa hè tới, người ta bắt đầu xao lãng công việc của mình. Điều đó cũng đúng một phần. Nhưng các nhà quản lý không nghĩ thế: Vì vào mùa hè con người có nhiều niềm vui hơn, và họ thực sự làm việc hiệu quả hơn.
Theo Cary Cooper, một nhà tâm lý học ở Trường Kinh doanh Manchester (Anh quốc), thì mùa hè làm tâm trạng người ta phấn khởi ở nơi làm việc. Thời tiết đẹp tạo cơ hội cho mọi người gặp gỡ và đi chơi cùng bạn bè và đồng nghiệp. “Các nhân viên không chỉ ngồi ở bàn làm việc. Người ta cũng dễ ra ngoài ăn hơn, uống một tách trà…hay tán gẫu với các đồng nghiệp”, ông nói.
Ngoài ra, mùa hè thường là thời điểm cuối cùng của năm tài chính – ít nhất là ở các nước thuộc Bắc bán cầu – nghĩa là hầu hết các dự án đều hạ nhiệt. Thời gian này giúp người ta dễ dàng lập kế hoạch đi nghỉ hơn, đặc biệt là những ông bố bà mẹ có con đang được nghỉ hè.
Tất cả những yếu tố này đều giúp người ta đỡ bị stress hơn, mà stress lại là kẻ thù của năng suất lao động. Theo ông, “có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa stress và năng suất lao động kém hơn cũng như mức độ hài lòng với công việc giảm đi”.
Người ta cũng ăn trưa lâu hơn, hoặc về sớm hơn để vui vẻ với đồng nghiệp trong những ngày hè oi ả, nhưng nhờ thế các nhà quản lý lại có được những nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Cooper tin rằng thời gian làm việc kéo dài sẽ giới hạn số lượng công việc chúng ta hoàn thành được trong thời gian đó.
Một nghiên cứu năm 2015 thực hiện trên 3.000 nhân viên cho thấy họ thường báo cáo là không đủ thời gian làm xong việc trong một ngày, và cuối cùng phải ở lại muộn. Họ kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần, và ngày hôm sau không đủ khả năng để suy nghĩ sáng tạo. Kết quả là họ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc và vòng luẩn quẩn này cứ thế tiếp diễn. Cooper từ lâu vẫn ủng hộ ý tưởng ngày làm việc 6 giờ để tạo cho nhân viên có khả năng cân bằng cuộc sống tốt hơn và rốt cuộc làm tăng khả năng làm việc của họ ở văn phòng.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ thời tiết đẹp là điều tốt cho công việc. Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu ở đại học Harvard và đại học North Carolina-Chapel Hill nhận thấy vui vẻ và xả stress ở bên ngoài khiến người ta làm việc ít hiệu quả hơn vì họ bắt đầu mơ mộng về những thứ mình thích làm hơn, chứ không phải công việc nhàm chán. Tuy nhiên kết luận này một phần dựa vào việc cho các sinh viên xem ảnh của các hoạt động ngoài trời trước khi làm nhiệm vụ nhập liệu; Cooper cho rằng điều này không phản ánh chính xác thế giới thực.
Còn có một mặt tiêu cực nữa đối với mọi suy nghĩ khả quan về hiệu quả công việc này. Mặc dù người ta có thể làm việc hiệu quả hơn trong những ngày sắp đến kỳ nghỉ, nhưng rõ ràng là khi họ đã đi thì chẳng công việc nào được hoàn thành cả. Và khi trở lại tiến độ cũng sẽ chậm lại một chút: Họ có hàng ngàn email chưa được đọc, chuẩn bị cho năm tài chính tiếp theo, và thời tiết bắt đầu se lạnh khi mùa thu tới khiến họ “không cảm thấy vui vẻ gì cho lắm”.
Tin tốt là nếu chịu khó lập kế hoạch tỉ mỉ, khi quay lại làm việc họ sẽ dễ bắt nhịp hơn. Nếu bạn tự dành cho mình vài ngày sau khi đi nghỉ và trước khi quay lại làm việc, bạn có thể có đủ không gian cần thiết để bắt kịp tiến độ công việc mà không phải vội vã. Thậm chí nếu không đi trước được bước nào ở các dự án, thì ngày đầu tiên quay trở lại làm việc của bạn cũng sẽ bình yên hơn rất nhiều.
Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.