Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Trung, Triều đang trong một tam giác ngoại giao, mỗi người dựa vào những người kia để có được những gì họ mong đợi xoay quanh đàm phán hạt nhân.

Nhiều tháng trước, Tổng thống Moon Jae In được coi là người xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vì đã góp phần tạo ra hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và sau đó là giữa ông Kim và ông Trump. Khi đó, Trung Quốc, đồng minh truyền thống của Triều Tiên, có nguy cơ bị đứng ngoài.

Thế nhưng, CNN nhận định sau hai hội nghị thượng đỉnh và việc đàm phán hạt nhân bế tắc, khi nói đến việc môi giới một thỏa thuận giữa Triều Tiên và Mỹ, Tổng thống Moon Jae In đã bị đẩy ra ngoài còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang vào cuộc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) nổi lên như một nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Nikkei/KCNA/Reuters.

Khi cuộc gặp Kim - Trump lần thứ hai kết thúc tại Hà Nội mà không có thỏa thuận, ảnh hưởng của ông Tập đã tăng trở lại. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vũ khí tầm ngắn và đưa ra tuyên truyền chống lại Seoul, dường như để trừng phạt thất bại của ông Moon trong việc duy trì tiến trình hòa bình và không sẵn lòng nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà Washington kiên quyết giữ lại.

"Quan hệ đang tiến lên trên cơ sở mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch (Kim Jong Un) và tổng thống Mỹ", Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong tuần này. "Chính quyền Hàn Quốc nên quan tâm hơn đến công việc nội bộ của họ".

Cuộc thương lượng lớn

Các lệnh trừng phạt là điểm bế tắc chính ở Việt Nam và cũng là điểm mà Trung Quốc có thể hỗ trợ Bình Nhưỡng.

Luôn là đồng minh kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc đã ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng kể từ khi nước này đẩy mạnh thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, nhưng điều đó không có nghĩa Bắc Kinh cam kết với chiến dịch "áp lực tối đa" của ông Trump.

Hôm 30/6, trong chuyến thăm đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên kể từ khi các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng bắt đầu, ông Trump đã đến Khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để gặp ông Kim.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ngày 30/6 ở Khu phi quân sự DMZ là "lịch sử". Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ dường như đang có tâm trạng cho một thỏa thuận. Phấn khích sau cuộc họp thành công với ông Tập tại G20, ông đã gỡ bỏ một số hạn chế của Washington đối với công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.

Ông Tập dường như đã nhận được những gì mình muốn sau đó từ các cuộc họp ở Osaka. Giờ còn phải xem liệu ông sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với ông Kim như thế nào để giúp ông Trump đạt được thứ ông ấy muốn ở Hàn Quốc.Ba nhà lãnh đạo đang ở trong một tam giác ngoại giao, mỗi người dựa vào những người khác để có được những gì họ mong đợi.

Về lý thuyết, các chính phủ được cho là có thể xem xét các vấn đề khác nhau và tranh chấp giữa chúng một cách riêng biệt: chúng tôi có thể bất hòa về X nhưng chúng tôi vẫn có thể hợp tác về Y.

Người ta tranh cãi liệu điều này có thể xảy ra hay không nhưng ông Trump đã ném khả năng này ra ngoài cửa sổ nhiều lần.

Hồi tháng 5, ông đề nghị một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh có thể bao gồm giảm áp lực đối với công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, bất chấp những lo ngại của Mỹ đối với công ty về mặt an ninh hơn là kinh tế.

Về Triều Tiên cũng vậy, ông Trump đã nói rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc với Bình Nhưỡng có thể mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

"Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên. Và Trung Quốc sẽ quyết định có giúp chúng tôi về Triều Tiên hay không", ông Trump nói vào năm 2017. "Nếu họ làm như vậy, điều đó sẽ rất tốt cho Trung Quốc, và nếu họ không, nó sẽ không tốt cho bất cứ ai".

Mặc dù chúng ta không biết chính xác những gì ông Trump và ông Tập đã thảo luận tại G20 tuần này, ông Trump trước đây đã nhấn mạnh những lợi ích kinh tế tiềm năng của một thỏa thuận hạt nhân. Chắc chắn, một Triều Tiên mở và định hướng thị trường sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều như các doanh nghiệp ở Mỹ.

Kẻ thắng và người thua

Vậy những người chơi trong tam giác ngoại giao này muốn gì ở nhau và ai sẽ vui vẻ bước ra sau các cuộc họp tháng này?

Ông Tập có lẽ ở vị trí an toàn nhất. Ông muốn được giảm thuế từ Mỹ nhưng về Triều Tiên, Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng chơi hai mặt bằng cách gây áp lực lên Bình Nhưỡng để kiểm soát thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), nhưng cũng vui lòng cung cấp viện trợ và hỗ trợ khi cần thiết, đặc biệt nếu điều đó làm suy yếu các đối thủ Washington và Seoul vào thời điểm quan trọng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi qua đội cận vệ danh dự tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 21/6. Ảnh: KCNA/AP.

Ông Kim đã nói rõ rằng ông muốn được giải thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế để cho phép nền kinh tế Triều Tiên phát triển và đặc biệt để thu hút đầu tư từ Hàn Quốc.

Nếu thất bại thì thay vào đó, hỗ trợ kinh tế có thể đến từ Trung Quốc và nếu Mỹ không sẵn sàng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể từ chối phi hạt nhân hóa với nhận thức rằng Bắc Kinh và có lẽ cả Seoul sẽ không ủng hộ sự trở lại của áp lực tối đa cùng cách tiếp cận "lửa và cuồng nộ" hai năm trước.

Về phần ông Trump, Washington chắc chắn có nhiều thứ nhất để cho hai bên còn lại, giải tỏa các lệnh trừng phạt và chiến tranh thương mại, nhưng yêu cầu của Mỹ - sự đầu hàng từ Trung Quốc về các vấn đề thương mại và phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên - cũng khó đạt được hơn, đặc biệt nếu ông Trump không sẵn sàng thỏa hiệp.

Một nhà đàm phán lão luyện hơn có thể sẽ môi giới một số thành công ngắn hạn và đưa trò chơi tiến lên phía trước, ví dụ như để Trung Quốc gây áp lực khiến Triều Tiên đồng ý với khung thời gian phi hạt nhân hóa và thanh tra quốc tế để đổi lấy một số biện pháp trừng phạt và giảm thuế quan thương mại nhất định.

Nhưng đó là một quá trình lộn xộn, phức tạp sẽ không dẫn đến bất kỳ chiến thắng lớn nào. Liệu Trump có thể làm việc với cả hai phía của tam giác mà ông vẫn bị mắc kẹt bên trong hay không là điều còn phải xem xét.

Tuyết Mai (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.