Nhiều doanh nhân Trung Quốc như đang ngồi trên đống lửa khi mối lương duyên thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ vỡ.

Theo New York Times, Wu Shinchun, 42 tuổi, là một trong nhiều doanh nhân Trung Quốc hưởng lợi lớn từ khả năng tiếp cận thị trường Mỹ trong những năm qua. Tuy nhiên ở thời điểm này, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, ông buộc phải tìm một hướng đi mới.

Một trong các công ty mà ông Wu đầu tư chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm thời trang ở Trung Quốc, sau đó bán cho khách hàng Mỹ trên trang Amazon.com. Một công ty khác sản xuất xì gà điện tử, chủ yếu bán hàng tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội kiến tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tại Nhật Bản. Ảnh: TASS.

Công ty thứ ba chuyên sản xuất vật liệu kim loại cho các công ty đồ điện tử và xuất khẩu tới 40% sản lượng sang Mỹ. Cả ba doanh nghiệp này đều dính đòn khi chính phủ Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại đe dọa hủy diệt "Chimerica"

“Từ giờ tôi sẽ phải chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa Trung Quốc. Tôi hi vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra cách cùng tồn tại thay vì hủy diệt lẫn nhau”, New York Times dẫn lời ông Wu bày tỏ sự trăn trở.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế trừng phạt 25% lên khối hàng hóa 200 tỷ USD của Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế trả đũa lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Căng thẳng leo thang dữ dội. Hôm 13/5, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bình luận: “Nếu Mỹ muốn đối thoại, chúng ta luôn mở rộng cửa. Nếu Mỹ muốn chiến tranh, chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng”.

Tuy nhiên New York Times khẳng định nhiều doanh nhân và trí thức Trung Quốc vẫn hi vọng đôi bên sẽ đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn nguy cơ mối quan hệ chặt chẽ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tan vỡ.

Bởi trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại có quan hệ khăng khít, chồng chéo và phức tạp, đến mức người Trung Quốc sáng tạo ra một từ riêng để mô tả mối “lương duyên” nhiều thăng trầm này. Đó là "Chimerica”.

Biếm họa quan hệ "Chimerica" tan vỡ. Ảnh: WSJ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa trực tiếp sự tồn tại của “Chimerica”. Thuế trừng phạt của ông Trump sẽ đá hàng loạt công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ béo bở.

Ngoài biện pháp tăng thuế, phe cứng rắn trong chính quyền ông Trump còn kêu gọi thực hiện chiến lược “tách rời”, có nghĩa là phá vỡ quan hệ chiến lược Mỹ - Trung. Theo họ, Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa chiến lược dài hạn đối với Mỹ.

Họ muốn các công ty Mỹ sẽ di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thân thiện với Mỹ hơn. Chính quyền ông Trump cũng sẽ hạn chế đầu tư Trung Quốc vào Mỹ, rút ra khỏi các quan hệ kinh tế khác.

Làm theo quy tắc Mỹ hay Trung Quốc?

Nhiều người ở Trung Quốc đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu “cuộc hôn nhân” Mỹ - Trung đổ vỡ hoàn toàn, liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng khi các hàng rào thương mại mới xuất hiện.

“Kể từ khi tôi ra đời, thế hệ chúng tôi luôn chứng kiến nền kinh tế phát triển mạnh mẽ”, doanh nhân Feng Dahui sống ở Hàng Châu, từng làm việc cho Alibaba, viết trên WeChat. “Chúng tôi tiếp nhận cuộc cách mạng Internet và tận hưởng lợi ích từ toàn cầu hóa. Giờ dường như tinh thần lạc quan đang rời bỏ chúng tôi”.

Bên trong một nhà máy tại Thương Khâu. Các doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận. Ảnh: Getty Images.

Doanh nhân Xiao Yu, sở hữu hãng thời trang OFashion, nhập hàng cao cấp từ Mỹ và châu Âu vào Trung Quốc, cho biết tăng trưởng của công ty sụt giảm mạnh từ nửa cuối năm 2018 do căng thẳng thương mại.

Ông thừa nhận chiến tranh thương mại song phương sẽ giết chết hi vọng huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

“Là doanh nhân, số phận của chúng tôi phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường Mỹ. Chúng tôi hi vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận. Trung Quốc và Mỹ không đến mức phải căng thẳng”, ông Yu nhấn mạnh.

Trong một bài viết đang được chia sẻ nhiều trên mạng tại Trung Quốc có tựa đề “Lý do đằng sau sự tan vỡ của Chimerica”, một tác giả ẩn danh nhận định hệ thống kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu lương và giá cả tại Mỹ.

Do đó, Mỹ muốn Trung Quốc phải cải tổ mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc chắc chắn không muốn điều đó. “Chimerica tan rã vào ngày 10/5. Bây giờ là lúc chọn lựa tuân thủ theo các quy tắc của người Mỹ hay theo cách của người Trung Quốc”, tác giả kết luận.

Nguyễn Bình (Zingnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.