Mọi dự án đưa ra đều phải “ngửi” thấy mùi tiền là ưu tiên hàng đầu của Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), dưới thời tân Tổng Giám đốc xuất thân là dân tài chính.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).

Dự án nào cũng phải “ngửi” thấy mùi tiền và minh bạch tài chính ở mức cao nhất có thể. Đó là 2 mục tiêu quản trị của ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).

Tháng 4.2012, Đại hội cổ đông thường niên của CII đã bầu ông Bình vào vị trí Tổng Giám đốc. Trước đó, ông Bình là Giám đốc Tài chính của CII, đã gắn bó với Công ty hơn 10 năm qua. Do vậy, việc bổ nhiệm ông vào vị trí cao nhất như khẳng định quyết tâm của Hội đồng Quản trị CII trong việc thực thi chiến lược tối ưu hóa hiệu quả tài chính của các dự án đầu tư.

Quy trình thiết lập và vận hành một dự án của CII như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Cổ đông 2012 của CII đã biểu quyết các mục tiêu: tổng doanh thu đạt 654 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 320 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 311 tỉ đồng; EPS dự kiến trên 5.000 đồng/cổ phiếu, mức cổ tức dự kiến 16%/năm.

Đầu tiên, chúng tôi sẽ lên kế hoạch chi tiết cho một dự án đầu tư. Sau đó là giai đoạn huy động vốn và thoái vốn. Dự án phải chứng minh được khả năng “ngửi” thấy mùi tiền, nghĩa là phải có đầu ra hay nói thẳng ra là phải có lãi thì mới đầu tư.

Để huy động được vốn, chủ đầu tư phải chứng minh được tính khả thi của dự án, đồng thời phải có hồ sơ kinh nghiệm, lịch sử tín dụng và đầu tư tốt. Sang giai đoạn triển khai đầu tư, CII sẽ tập trung vào chất lượng, tiến độ và giá thành nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao nhất của dự án.

Sau cùng, CII đã xác định là nhà đầu tư tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thì đương nhiên đích đến phải là việc hiện thực hóa lợi nhuận. Điều này chắc chắn cần phải làm thường xuyên để nhà đầu tư và cổ đông thấy được tính hiệu quả của các dự án. Ngoài ra, CII cũng cần thoái vốn để tạo nguồn đầu tư mới. Vốn của chúng tôi hiện nay khoảng 1.500 tỉ đồng so với danh mục đầu tư hiện đã lên tới 30.000 tỉ đồng.

Chiến lược đầu tư của CII có thay đổi trong năm nay?

Từ năm 2008, Đại hội cổ động của CII đã đề ra chiến lược tập trung đầu tư vào mảng cốt lõi là các dự án cơ sở hạ tầng, không tham gia vào bất động sản. Vì vậy, hiện nay mảng đầu tư tài chính và bất động sản chỉ còn chiếm chưa tới 5% tổng giá trị đầu tư của CII. Lý do chính của quyết định này được xây dựng trên nguyên tắc hoạt động minh bạch và bền vững. Chúng tôi nhận ra rằng đã qua rồi cái thời làm ăn chụp giựt, lợi dụng tranh tối tranh sáng để đánh nhanh rút gọn.

Vậy kế hoạch đầu tư hạ tầng của CII là gì?

Chiến lược này xoay quanh 3 trục chính. Trước hết, dự án đó phải có tính khả thi về nguồn thu, kinh doanh phải có lãi. Tiếp đến, bất kỳ dự án đầu tư nào của CII đều phải có tác động tích cực đến đời sống của người dân. Ví dụ, CII đang tập trung vào các dự án hạ tầng ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM để giải quyết nạn kẹt xe và vấn nạn này tại đây đã được cải thiện đáng kể so với cách đây 2 năm. Sau cùng và cũng khá quan trọng là nguồn thu của các dự án này phải được kiểm chứng cụ thể, nghĩa là có thể đếm được số lượng xe nộp tiền mỗi khi qua trạm thu phí hay khảo sát được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thông qua nghiên cứu xã hội học.

Trong số các cổ đông CII, có sự tham gia của các đơn vị cùng ngành

CII đang lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án lớn nên việc huy động vốn sẽ thế nào?

Hình thức huy động vốn đầu tiên là phát hành cổ phiếu, nhưng ở thời điểm hiện tại là khó khăn. Nguồn thứ hai là phát hành trái phiếu. Theo tôi, từ quý IV/2012, trái phiếu doanh nghiệp sẽ tốt trở lại vì lúc này dự báo kinh tế vĩ mô sẽ dần đi vào ổn định. Nguồn thứ ba là từ vốn vay trong nước và nước ngoài. Các ngân hàng rất thích cho vay đối với các dự án hạ tầng. Mới đây, Vietcombank đã đồng ý duyệt cho CII vay 375 tỉ đồng cho dự án Cầu Sài Gòn 2.

Còn nguồn vốn nước ngoài?

Trong cơ cấu vốn tài trợ của các ngân hàng, bao giờ họ cũng dành ra một phần để cho vay hạ tầng. Việt Nam có nhu cầu vay hạ tầng khá lớn nên đã tạo ra cơ hội hút nguồn vốn từ các ngân hàng nước ngoài. CII sẽ chọn ngân hàng nào hợp với mình vì nếu chọn đối tác khó tính quá thì cũng không hay.

Chúng tôi đang thương thảo 2 hợp đồng với Ngân hàng Standard Chartered có giá trị lần lượt là 42 và 46 triệu USD. Lãi suất từ 5,5-6%/năm.

Bên cạnh đó, một số nhà tài phiệt nước ngoài cũng đang có xu hướng dành một tỉ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực hạ tầng. Mô hình của CII khá hấp dẫn họ do thu nhập ổn định. CII có những hợp đồng đã ký đến năm 2045 như dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội. Điều đó có thể đảm bảo cho nhà đầu tư có nguồn thu nhập đều đặn trong 20-25 năm.

Vốn vay lớn, đầu tư nhiều, CII quản trị rủi ro thế nào?

Chúng tôi chủ trương cần phải minh bạch hóa trong quản lý chi phí đầu tư. CII cũng yêu cầu phải thông qua đấu thầu đối với mọi dự án.

Để làm được việc này, CII nghiêm cấm cán bộ, nhân viên đầu tư vào các doanh nghiệp là nhà thầu của Công ty. Chúng tôi cũng cấm nhân viên gửi gắm nhà cung cấp vật tư, trang thiết bị... Ở một số ban quản lý dự án, một số cán bộ trong ban đã mua xe lu, xe ủi hay xe xúc rồi cho nhà thầu thuê. Hậu quả là khi nhà thầu sai phạm thì không ai có thể phạt được vì các lý do tế nhị.

Vậy tiêu chuẩn chọn tư vấn giám sát và nhà thầu của CII có gì đặc biệt?

CII chỉ chọn các đơn vị tư vấn giám sát và quản lý dự án có năng lực. Chúng tôi không tiếc tiền trong việc này. Cụ thể, CII đã từng thuê các công ty tư vấn toàn cầu để giám sát một số dự án đầu tư có vốn lớn.

Chúng tôi cương quyết loại nhà thầu nào không đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng của dự án. Làm như vậy, các nhà thầu khác sẽ đảm bảo chất lượng cao nhất đối với phần việc đơn vị mình đảm trách. Nếu không cương quyết với nhà thầu, nhân viên CII có thể sẽ vướng vào tiêu cực.

Còn việc đầu tư vào nước sạch thì sao, thưa ông?

Nơi nào cũng cần nhà máy, hệ thống phân phối, công tác chống thất thoát, xử lý nước thải, phát triển nguồn nước. Đây là một lĩnh vực tiềm năng nhưng muốn làm phải có nghề, có tiền chưa chắc đã làm được. CII có thể tận dụng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài có năng lực tốt trong lĩnh vực này. Đây chính là sự kết hợp sức mạnh giữa một bên có lịch sử đầu tư hạ tầng tốt và một bên có năng lực cao về nghề. Cái bắt tay giữa CII với Công ty Xử lý nước Manila (Philippines) chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong trong lĩnh vực đầu tư môi trường nước tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không thể tiết lộ chi tiết.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Tổng giám đốc CII phủ nhận nghi vấn tạo lợi nhuận ảo

    Tổng giám đốc CII phủ nhận nghi vấn tạo lợi nhuận ảo

    06/11/2012 1:53 PM

    Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Vinaphil- công ty con của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) lên kế hoạch mua lại 15% cổ phần của công ty mẹ, cũng như tình trạng sở hữu cổ phần phức tạp giữa các công ty có liên quan đến CII. Để rộng đường dư luận, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII.

  • CII dưới thời tân Tổng Giám đốc

    CII dưới thời tân Tổng Giám đốc

    25/07/2012 3:15 PM

    Mọi dự án đưa ra đều phải “ngửi” thấy mùi tiền là ưu tiên hàng đầu của Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), dưới thời tân Tổng Giám đốc xuất thân là dân tài chính.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.