Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Vinaphil- công ty con của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) lên kế hoạch mua lại 15% cổ phần của công ty mẹ, cũng như tình trạng sở hữu cổ phần phức tạp giữa các công ty có liên quan đến CII. Để rộng đường dư luận, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII.

Ông Lê Quốc Bình

Tình trạng sở hữu chéo đang diễn ra trong hệ thống các công ty con - công ty liên kết của CII. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Trước hết, tôi phải khẳng định là, các DN (bao gồm công ty con, công ty liên kết của CII) chỉ mua cổ phiếu CII khi thị trường đánh giá CII không đúng giá trị thực trong bối cảnh thị trường chung quá xấu hoặc theo quyết định của ĐHCĐ của CII. Trong một bối cảnh mà nhà nhà bán tháo cổ phiếu, bất chấp công ty đó như thế nào thì thử hỏi DN có thể ngồi bình chân như vại để thấy mỗi ngày cổ đông của mình mất đi 5% giá trị tài sản không?

Có 2 giải pháp được áp dụng lúc thị trường khó khăn: hoặc là để thị trường tự điều tiết (một giải pháp quá dễ cho công ty), hoặc hỗ trợ giúp cổ đông không bán rẻ tài sản của mình (bằng cách mua lại cổ phiếu) và tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng với giá cao hơn, mang lại lợi nhuận cho cổ đông (một giải pháp rất khó khăn). Chúng tôi đã chọn giải pháp khó và một điều may mắn, đến nay chúng tôi đã thực hiện được từng phần.

CII đã từng phát hành cổ phiếu với giá cao để huy động vốn của cổ đông. Bây giờ cổ phiếu rớt giá theo thị trường chung, nên nếu có khả năng, DN phải chia sẻ khó khăn với cổ đông. Việc mua lại cổ phiếu cũng là một cách giúp cổ đông mất ít tiền hơn, nhưng cũng đặt lên vai DN trách nhiệm hết sức nặng nề. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm đối tác mua lại số cổ phiếu này. Khi bán lại cổ phiếu, DN có thêm được lợi nhuận và các cổ đông là người được hưởng lợi. CII đang làm tất cả mọi việc có thể để bảo vệ cổ đông của mình, chứ không phải chủ ý tạo ra sự sở hữu chồng chéo.

Tuy nhiên điều này có công bằng cho các cổ đông, khi mà nhóm DN trên có nhiều lợi thế tiếp cận thông tin kết quả kinh doanh của CII?

Tôi khẳng định là không. CII đã và đang nỗ lực công bố thông tin (CBTT) thường xuyên ra thị trường kể cả các thông tin kém tích cực. Chẳng hạn giữa năm ngoái, Công ty đã CBTT dự kiến bị lỗ trong quý II, điều mà không nhiều DN làm. Bất kỳ sự kiện phát sinh gì mới, có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thì ngay lập tức chúng tôi CBTT, nên mức độ tiếp cận thông tin của NĐT là tương đối công bằng. Mặt khác, nếu có giao dịch cổ phiếu CII, các DN này đều đăng ký trước khi thực hiện.

Tôi cũng khẳng định rằng, không có chuyện các đơn vị đi lướt sóng cổ phiếu CII. Các DN này chỉ mua cổ phiếu CII khi thị trường định giá Công ty quá thấp và nhằm bán cho NĐT chiến lược. Chỉ có một trường hợp duy nhất vừa qua với CTCP Đầu tư hạ tầng BĐS Sài Gòn (SII) – một công ty liên kết của CII, phải bán để cân đối nguồn vốn. Tuy nhiên, SII cũng chỉ bán sau một thời gian dài đầu tư, chứ không lướt sóng. Trong thời gian gần đây, khi thị trường đã có cái nhìn tốt hơn đối với CII, các DN đã không còn mua cổ phiếu nữa.

Quay trở lại câu chuyện VinaPhil, xin ông cho biết đôi nét về công ty này?

Ngày 18/10, CII đã CBTT chính thức về việc thành lập CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Philippine - Vinaphil (VPII) với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, CII nắm 99,99% vốn điều lệ. CII cũng đã đồng thời CBTT dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty xuống dưới 50% trong năm 2012. Tên gọi Vinaphil đã bao hàm về hoạt động kinh doanh chính và dự kiến VPII sẽ triển khai các dự án hạ tầng dọc theo quốc lộ 1 của Việt Nam.

Ở cương vị là lãnh đạo CII và VPII (ông Lê Quốc Bình cũng là Chủ tịch HĐQT VPII - ĐTCK) xin ông giải thích lý do tại sao mới thành lập, VPII lại quyết định dành ngay hơn 400 tỷ đồng, khoảng gần 50% vốn điều lệ để mua cổ phiếu CII?

Như bất kỳ DN nào, định hướng phát triển chiến lược của VPII phải được xác định rõ ràng ngay khi thành lập. Ngoài hoạt động kinh doanh chính ở trên, VPII dự kiến mua lại 15% cổ phần của CII. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để thuyết phục đối tác chấp thuận thực hiện việc này.

Từ gần cuối tháng 08/2012 đến nay, TTCK đã chứng kiến những biến động khủng khiếp và lại có một làn sóng bán ra cổ phiếu trong đó có cả cổ phiếu CII. Và như tôi đã nói ở trên, để bảo vệ cổ đông của CII, VPII cần tham gia hỗ trợ cho những cổ đông gặp khó khăn về tài chính hoặc cổ đông mất bình tĩnh bán ra cổ phiếu CII để họ không bị thiệt thòi quá nhiều khi phải bán ra với giá thấp.

Và như trên đã nói, chúng tôi cũng phải luôn đi tìm đối tác để mua lại cổ phần CII mà các DN đã mua trong thời gian trước đây và đến nay đã đạt được một phần trong số đó. Tôi đặc biệt lưu ý rằng lợi nhuận thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần CII (nếu có) không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất của Công ty mà được hạch toán vào thặng dư vốn cổ phần. Do vậy, không nên suy diễn CII đang giao dịch lòng vòng để tạo ra lợi nhuận ảo, qua đó đẩy giá cổ phiếu CII.

Động thái mua vào của VPII cùng với việc mới đây CII xin giảm “room” cho NĐT nước ngoài xuống 33,91% có nhằm mục tiêu tăng sức cầu, đẩy giá cổ phiếu CII để NĐT nước ngoài chuyển đổi trái phiếu?

Thời hạn trái phiếu bắt đầu được quyền chuyển thành cổ phiếu là từ tháng 01/2012, không có lý do gì phải đẩy giá vào lúc này và CII cũng chưa từng bao giờ nghĩ đến việc đẩy giá. Đối tác của CII trong VPII cũng là một NĐT lớn. Không lẽ họ bỏ tiền ra để giúp CII đạt mục tiêu đẩy giá cổ phiếu? Không bao giờ có một NĐT nào dùng tiền của mình để đi làm “từ thiện” cho một tổ chức khác cả.

Tại sao CII không sớm CBTT cho thị trường được biết thông tin quan trọng này?

Cũng có người đã chất vấn chúng tôi tại sao không công bố sớm việc này nhưng cũng có người hỏi tại sao không chờ CII giảm xuống dưới 50% rồi hãy đăng ký mua cổ phần của CII? Chúng tôi thấy trong cả hai trường hợp đều rất bất lợi cho NĐT.

Thứ nhất, trường hợp công bố sớm (trước khi lập VPII) sẽ dẫn tới một rủi ro rất lớn là, nếu quá trình đàm phán thành lập VPII không suôn sẻ, không thực hiện mua như đã công bố thì không biết hậu quả sẽ thế nào? Thứ hai, trường hợp công bố mua vào sau khi CII giảm tỷ lệ sở hữu ở VPII xuống dưới 50% thì sẽ không công bằng với các NĐT vì sẽ có người biết thông tin về định hướng hoạt động của VPII và họ có thể thực hiện mua trước cổ phiếu để hưởng lợi. Chúng tôi đã cố gắng bảo mật thông tin ở mức cao nhất có thể. Và thực tế là khối lượng giao dịch cổ phiếu CII không tăng đột biến trước ngày VPII đăng ký mua vào. Ngay khi phía CII đã nắm chắc rằng thỏa thuận chuyển nhượng sẽ được ký kết một cách chắc chắn thì chúng tôi đã CBTT ngay ra thị trường.

Một quan ngại khác của thị trường là việc mua bán cổ phiếu, giao dịch lòng vòng giữa các DN trong hệ thống nhằm tạo ra lợi nhuận từ đầu tư tài chính để từ đó tác động đến giá cổ phiếu. Ông bình luận vấn đề này ra sao?

Tôi hiện là CEO của CII nhưng cũng chỉ là người đang đi làm thuê cho Công ty để hưởng lương. Vậy tôi thực hiện các giao dịch lòng vòng trong hệ thống CII để tạo ra lợi nhuận ảo cho công ty mẹ để làm gì, đẩy giá cổ phiếu CII để làm gì? Để giữ chiếc ghế CEO của tôi sao? Chỉ có người dại mới đi làm những việc như thế.

Nếu lợi nhuận của CII là ảo, là được tạo ra bởi các giao dịch lòng vòng thì Công ty lấy đâu ra tiền mặt trả cổ tức cho các cổ đông, để đầu tư các dự án mới? BCTC của CII cũng cho thấy, dư nợ vay ngân hàng có tăng, nhưng tăng ít hơn so với giải ngân vốn đầu tư cho các dự án. Điều này có nghĩa là CII phải có thu nhập thực, dòng tiền thực thì mới làm được như vậy. Mặt khác, đọc lại các CBTT hay BCTC của CII, NĐT sẽ hiểu ngay lợi nhuận của Công ty đến từ đâu.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, với sự tư vấn của CTCK Thiên Việt, CII đã thực hiện nhiều thương vụ với tổng số tiền huy động về cho CII trên 3.000 tỷ đồng. Đây mới là nguồn tạo ra lợi nhuận của CII và là lợi nhuận có thật.

Để làm được các thương vụ này, CII đã phải trải qua rất nhiều thẩm định (có thương vụ mà quá trình thẩm định kéo dài đến 14 tháng) bởi các công ty kiểm toán uy tín như KPMG, Deloitte, PWC…, bên cạnh đó là những công ty tư vấn luật hàng đầu của thế giới. Nếu CII giao dịch lòng vòng tạo ra lợi nhuận ảo thì các đơn vị này có dám đưa ra những tư vấn tốt để các NĐT quyết định tham gia đầu tư vào CII không? Các NĐT vào CII là những tên tuổi lớn như HFIC, Goldman Sachs, Ayala… cũng đủ khôn ngoan để không chấp nhận việc tạo lợi nhuận ảo của CII nếu có.

Tuy nhiên, việc có người đặt ra nghi vấn như vậy cũng là điều dễ hiểu, cũng không phải không có lý. Bởi vì trong bối cảnh có rất nhiều DN đang phải hoạt động cầm chừng, thua lỗ, mất khả năng thanh toán thì CII vẫn báo lãi đều đặn, thậm chí lãi lớn. Đến cả tôi cũng không ngờ được năm nay CII có lãi cao như vậy!

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.