Công bằng, quyết đoán, giao tiếp tốt, biết cảm thông... là những dấu hiệu điển hình của một nhà quản lý có trí thông minh cảm xúc.

Trí thông minh cảm xúc (EQ) là khả năng thấu hiểu bản thân cũng như người khác để đưa ra những hành động, quyết định phù hợp. Đối với người quản lý, điều này còn giúp họ thu hút và giữ chân nhân tài cũng như truyền cảm hứng làm việc cho cấp dưới.

Dưới đây là những dấu hiệu của một nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc:

Tự nhận thức

Theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Carerlink.vn, những nhà quản lý trí có tuệ cảm xúc luôn nhận thức rõ hạn chế của họ và không tìm cách che đậy chúng. Thay vào đó, họ cố gắng học bằng cách đặt câu hỏi và nhờ sự trợ giúp từ những người có kỹ năng mà họ thiếu.

Ngoài ra, họ còn có khả năng nhận thức về nhân viên. Họ thừa nhận các tính cách khác nhau của nhân viên, điều chỉnh cách tương tác để tạo ra môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.

Khả năng cảm thông

Có thể hiểu cảm xúc của nhân viên là một đặc điểm quan trọng của một nhà quản lý hiệu quả. Đồng cảm không có nghĩa nhân viên sẽ được trốn tránh công việc cần phải thực hiện. Khi nhà quản lý có sự nhận thức rõ về áp lực trong công việc (yêu cầu nhân viên ở lại trễ hoặc làm việc vào cuối tuần) họ có nhiều khả năng tìm ra một giải pháp có lợi hơn.

Cách tiếp cận này giúp tạo ra một mối quan hệ tốt giữa người quản lý và nhân viên, khiến họ nhiệt tình và hào hứng hơn trong công việc.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Những nhà quản lý có trí tuệ cảm xúc luôn nhận ra tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân và có nhiều khả năng khuyến khích hành vi tương tự ở nhân viên.

Họ thấy bản thân phản chiếu ở nhân viên và do đó có thể cảm nhận được thời điểm nhân viên cần phải nghỉ ngơi. Kết quả, nhân viên của họ ít bị kiệt sức, đạt năng suất cao hơn và gắn bó với công ty lâu dài hơn.

Nhà quản lý trí có tuệ cảm xúc luôn nhận thức rõ hạn chế của họ và không tìm cách che đậy chúng.

Giữ tinh thần lạc quan khi thất bại

Nếu thất bại là sai lầm của bản thân, họ sẽ cố gắng học hỏi từ đó và tiếp tục bước đi. Nếu là lỗi của người khác, họ sẽ tìm cách để người chịu trách nhiệm học được từ sai lầm, nhưng không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào.

Thay vào đó là những đóng góp mang tính xây dựng. Họ biết rằng việc giấu các sai lầm hoặc làm cho nhân viên cảm thấy xấu hổ chỉ làm tăng các thiệt hại.

Công bằng

Sếp sẽ làm giảm tinh thần ở nơi làm việc nếu họ công khai ưu ái một số nhân viên hơn so với những người khác. Khi nhân viên cảm thấy không được đánh giá công bằng hoặc nhìn nhận đúng năng lực, họ sẽ lơ là và ngừng nỗ lực.

Ngược lại, những nhà quản lý có trí thông minh cảm xúc sẽ nhận ra đóng góp của cấp dưới và đảm bảo các nỗ lực luôn được đánh giá cao cũng như tìm cách thúc đẩy nhân viên gặt hái những thành quả lớn hơn.

Quyết đoán

Các nhà quản lý thiếu trí tuệ cảm xúc thường phải vật lộn khi thể hiện quan điểm một cách rõ ràng. Họ thấy bị tấn công khi mọi người không đồng tình và thường lùi lại để tránh xung đột.

Trong khi đó, một nhà quản lý thông minh về cảm xúc biết cách làm thế nào để đạt được những gì họ muốn và giải thích lý do tại sao không cần thể hiện sự lấn lướt, áp đặt. Kết quả, các quyết định của họ luôn nhận được sự tin tưởng của nhân viên.

Kỹ năng giao tiếp

Việc thường xuyên gặp gỡ và nói chuyện với nhân viên về các chủ đề không liên quan đến công việc sẽ giúp thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn.

Theo đó, một người quản lý có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ biết cách tạo ra môi trường làm việc thân thiện để nhân viên thấy thoải mái và phát triển ý thức về tình bạn. Điều này đồng thời khiến cấp dưới thú vị trong công việc và nhiệt tình hơn khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hoàng Oanh (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.