Chủ tịch SMC chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng năm 2011 đồng thời dự báo những khó khăn trong năm 2012.
Vẫn tăng trưởng cao hơn thị trường
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC.

Dựa vào đâu để Công ty đưa ra mức tăng trưởng cao hơn so với dự báo thị trường?


Dự báo tăng trưởng chung của ngành thép từ 5-7%, SMC đạt mức tăng 7-8% là hợp lý. Năm 2012 được dự báo là khó khăn sẽ thấm sâu hơn nữa, nhưng chúng tôi có cơ sở để lạc quan. Đó là điều hành vĩ mô bắt buộc phải thay đổi theo hướng ổn định hơn. Thực tế, nhà máy thép tấm tại TP.HCM của chúng tôi được đưa vào hoạt động từ tháng 6.2011, nay bắt đầu phát huy hiệu quả. Đồng thời, nhà máy ở Hà Nội hoạt động trong quý II/2012. Theo đó, sản lượng dự báo tăng 5%.


Nhưng làm thế nào để ông thuyết phục cổ đông lợi nhuận tăng trong tình thế khó khăn?


Thực tế, năm qua, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 74 tỉ đồng trong khi kế hoạch là 80 tỉ đồng. Năm 2011, chúng tôi trích quỹ dự phòng 34 tỉ đồng để bù lỗ cho 3 nhà máy thép mà Công ty đã hợp tác đầu tư trước đó. Không đạt kế hoạch lợi nhuận nhưng doanh thu năm 2011 lại cao hơn kế hoạch đến 1.500 tỉ đồng, do chúng tôi bán 100.000 tấn thép tồn kho. Đó là những lý do mà chúng tôi đặt niềm tin tăng trưởng như đã nói trên.


Hiện tại, ai là người nắm giữ nhiều cổ phiếu SMC nhất?


Có lẽ là tôi, hiện tôi đang sở hữu hơn 700.000 cổ phiếu SMC, khoảng 14% trên tổng số cổ phiếu của Công ty. Năm qua, khi giá cổ phiếu giảm sâu, tôi cố gắng mua vào cổ phiếu SMC càng nhiều càng tốt bởi thấy xót quá và cũng khuyến khích anh em mua vào. 5% được chia bằng tiền mặt lần thứ ba của năm cũng được tôi dành để mua thêm. Đây cũng là cơ hội kinh doanh, nhưng chúng tôi phản đối việc mua lại cổ phiếu quỹ.


Năm 2011, SMC chỉ chia cổ tức 5%?


Không, chúng tôi chia làm 3 đợt. 5% đợt đầu vào tháng 7.2011, 20% bằng cổ phiếu vào tháng 11.2011 và đợt cuối 5% bằng tiền mặt vào tháng 2.2012. Kế hoạch năm 2012 chúng tôi sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt khoảng 15%. Năm qua, chúng tôi thấy, nếu không phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thì sẽ gặp khó khăn về vốn, nên đợt 2 chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng nằm trong chiến lược tăng vốn chuẩn bị cho năm nay.


So với năm 2008, khó khăn của năm 2011 có gì khác?


Theo tôi, năm 2011 độ thấm của một nền kinh tế nhiều khó khăn đã bộc lộ rất rõ, hơn hẳn năm 2008. Lúc đó, Chính phủ còn nhiều tài lực, đã đưa ra hàng loạt chính sách để cứu doanh nghiệp. Nhưng đến 2011, sự hỗ trợ không còn nhiều, doanh nghiệp phải có nội lực tốt mới đứng vững được. Nếu phụ thuộc từ nguồn vốn vay ngân hàng sẽ vô cùng khó khăn. Với SMC, chúng tôi vượt qua khủng hoảng năm 2011 không nhờ vào may mắn mà nhờ kinh nghiệm học được từ việc xử lý khủng hoảng năm 2008. Chúng tôi đã linh hoạt trong huy động vốn, cân nhắc rất kỹ các khoản vay. Khoảng tháng 7.2011, lãi suất cho vay tiền đồng trên 17%, lãi suất ngoại tệ 6-7%, chúng tôi tăng vay ngoại tệ, giảm vay tiền đồng để đỡ phải chịu lãi suất. Ngoài ra, sản phẩm thép tấm được nhập có giá ổn định và lợi nhuận biên tốt hơn so với thép xây dựng. Cũng từ bài học giải quyết hàng tồn kho của năm 2008, năm 2011, chúng tôi mua hàng vào nhiều hơn và bán ra ngay khi giá giảm nhẹ hoặc nhích lên đôi chút. Theo tôi, người nào bán nhanh, thu tiền nhanh là người đó thắng.


Thép tấm, thép lá là giải pháp tình thế khi thị trường thép xây dựng đang chựng lại?


Đầu tư nhà máy mấy trăm tỉ đồng thì không thể là giải pháp tình thế được. Nó nằm trong ngành công nghiệp phụ trợ mà Chính phủ đang khuyến khích và chúng tôi đã có chiến lược từ hơn 3 năm trước. Giải pháp tình thế với sản phẩm này sẽ xảy ra khi năm nay, chúng tôi điều chỉnh tỉ lệ sản lượng. Theo đó, thép xây dựng sẽ ở mức cũ hoặc giảm, thép tấm, thép lá tiếp tục tăng lên 27-27,5% trên tổng sản lượng.


SMC có kế hoạch liên doanh để tháo gỡ khó khăn không?


Lẽ ra không chia sẻ thông tin này bởi chúng tôi đang xin giấy phép liên doanh với đối tác Nhật là Sumitumo. Liên doanh này sẽ làm các sản phẩm ống thép có răng. Cũng nói thật luôn là do vốn ODA của Nhật vào Việt Nam nhiều, kèm nhà thầu chính vẫn là người Nhật. Vai trò cung ứng của người Nhật cho các công trình người Nhật làm thường được ưu tiên hơn. Đó cũng là một trong các lý do chúng tôi lựa chọn liên doanh với họ.


Lợi nhuận không đạt, các khoản thưởng có bị cắt giảm?


Đây là điều khiến nhân viên hân hoan nhất trong năm mới. Tăng lương từ đầu năm 2011, nhưng sau tháng 3, lạm phát tăng cao, chúng tôi đã có thêm một đợt tăng lương nữa. Tết năm nay, lương thưởng vẫn bằng năm trước. Tôi cho đây là điều thành công nhất mà mình đã làm được cho gần 400 công nhân viên.
Theo NCĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.