Một y tá làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt tại thành phố New York đã trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ.

Nữ y tá Sandra Lindsay nhận mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại trung tâm y tế Do Thái Long Island ngày 14/12. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, nữ y tá Sandra Lindsay cho biết đây là dấu hiệu cho thấy vết thương “đang được chữa lành” trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã vượt quá 300.000 người.

Nữ y tá Sandre Lindsay – người từng phụ trách chăm sóc những bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch nhất trong nhiều tháng qua – đã được tiêm liều vaccine đầu tiên tại trung tâm y tế Do Thái Long Island. Hành động của cô đã nhận được lời khen ngợi và sự ủng hộ từ Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo.

“Tôi không cảm thấy khác biệt gì khi so với việc tiêm các loại vaccine khác. Tôi cảm thấy hy vọng và trút được gánh nặng. Tôi hy vọng đây là thời khắc đánh dấu quá trình kết thúc quãng thời gian đau đớn trong lịch sử của chúng ta. Tôi muốn công chúng tin tưởng loại vaccine này là an toàn”, nữ y tá chia sẻ.

“Đây là chân dung của những vị anh hùng”, Thống đốc Cuomo đăng dòng chú thích kèm theo bức ảnh chụp Lindsay đeo khẩu trang và nhìn thẳng về phía trước lên mạng xã hội Twitter.

Khung cảnh tương tự cũng diễn ra tại một số bệnh viện ở các thành phố khác. Thống đốc California Gavin Newsom đã đứng bên cạnh và hoan nghênh khi y tá phòng cấp cứu Kaiser Permanente xắn tay áo để tiêm vaccine trên truyền hình trực tiếp. “Đó là một buổi sáng tuyệt vời, mang bước ngoặt lịch sử”, Tiến sĩ Leonardo Seoane bày tỏ sau khi nhận được mũi tiêm đầu tiên tại Trung tâm Y tế Ochsner ở New Orleans. Trước đó, vị tiến sĩ này đã chỉ đạo một số thử nghiệm lâm sàng và nhận được kết quả vaccine hiệu quả 95% trong việc phòng ngừa COVID-19.

Không chỉ có các nhân viên y tế tuyến đầu, các quan chức cấp cao như quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller cũng là một trong những người Mỹ đầu tiên tiêm vaccine COVID-19. Ông Miller được tiêm vaccine tại bệnh viện quân đội Walter Reed gần thủ đô Washington ngày 14/12. Theo đoạn video được Lầu Năm Góc công bố trên Twitter, quyền Bộ trưởng Miller khẳng định mũi tiêm không hề gây đau đớn.

Những sự kiện tiêm vaccine công khai được cho là một phần trong chiến dịch do giới chức y tế cộng đồng và các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện để tìm cách khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng.

Trước đó, vào ngày 11/12, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phát triển. Đến cuối ngày 14/12, lô vaccine đầu tiên đã được vận chuyển tới gần hết 145 điểm tiêm chủng trên khắp nước Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết chưa ghi nhận bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào vào ngày 14/12.

Sự xuất hiện của vaccine được cho là đem đến niềm hy vọng cho một quốc gia khi có số ca tử vong vì COVID-19 vượt mốc 300.000 người và ít nhất 16 triệu người mắc bệnh, tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn dĩ đã kiệt quệ do đại dịch ở Mỹ.

Những liều vaccine đầu tiên được chỉ định tiêm cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi trong viện dưỡng lão hoặc người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền.

Để vaccine tới tay người dân sẽ phải mất vài tháng. Các quan chức y tế tiếp tục cảnh báo người Mỹ cần thận trọng với các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang để hạn chế lây truyền virus.

Các lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Mỹ đã được chuyển từ nhà máy sản xuất của Pfizer ở Kalamazoo, Michigan vào ngày 13/12. Phần hàng hóa được trữ trong các xe tải có trang bị đá khô để luôn đảm bảo nhiệt độ cần thiết -70 độ C. Đợt vận chuyển thứ hai và thứ ba dự kiến có điểm đến là các điểm tiêm chủng còn lại vào ngày 15-16/12.

“Đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams nhận định với Fox News.

Thống đốc 26 bang và vùng lãnh thổ đang lên kế hoạch sử dụng Lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ phân phối vaccine, từ việc chia lô hàng thành các gói nhỏ hơn cho đến hỗ trợ vận chuyển. Trả lời kênh MSNBC ngày 14/12, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết những người Mỹ không có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh cao có thể được tiêm chủng vào cuối tháng ba, đầu tháng tư.

Cố vấn hàng đầu của Chiến dịch “Thần tốc” Mỹ, Moncef Slaoui cho hay Mỹ hy vọng sẽ có khoảng 40 triệu liều vaccine đủ cho 20 triệu người được phân phối vào cuối tháng này. Các loại vaccine bao gồm vaccine của cả Pfizer và Moderna. Một hội đồng cố vấn cho FDA dự kiến phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của Moderna vào ngày 17/12.

Bảo Hà (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.