Hơn 10 năm trong nghề, bà Jolia Phạm Hồng Quang - Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Việt (VietS) chia sẻ về con đường đến với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ước mơ mang vẻ đẹp Việt Nam từ mây, tre, lá ra thị trường thế giới.
Bà Jolia Phạm Hồng Quang - Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Việt
Bà chia sẻ, trước đây tôi học ngành tài chính, tốt nghiệp thì được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Nhưng có lẽ do ham kinh doanh và đam mê sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên công việc đã thay đổi.
Trong những lần ra miền Bắc, có dịp tham quan các làng nghề, tôi càng say mê những sản phẩm thủ công của người thợ ở các vùng nông thôn. Nhưng tôi cũng nhận thấy cuộc sống của họ đa phần vẫn khó khăn, "không đẹp" như chính sản phẩm họ làm ra. Phụ nữ ở các làng nghề còn vất vả hơn vì phải chăm lo gia đình, con cái, phụ thuộc rất nhiều vào đàn ông do không có điều kiện ra ngoài đi làm.
Từ đó tôi bắt đầu nghĩ đến việc đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ ra thị trường thế giới, trước hết là góp phần tạo việc làm cho chị em. Với tay nghề sẵn có, phụ nữ có thể ở nhà vừa quán xuyến gia đình vừa làm để có thêm thu nhập. Năm 2005, tôi quyết định nghỉ việc ở Đại học Ngân hàng TP.HCM, thành lập Công ty TNHH Nguồn Việt, chuyên tổ chức gia công và bán hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá ra nước ngoài.
Khi chọn tên cho doanh nghiệp, doanh nhân thường gửi gắm vào đó rất nhiều khát vọng, với VietS, bà muốn truyền tải điều gì?
- VietS là viết tắt từ Viet Source (Nguồn Việt). Cái tên của doanh nghiệp cũng mang ý nghĩa đó, tức sẵn sàng cung cấp nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng Việt Nam. Chúng tôi đang cùng với đồng nghiệp liên kết để hỗ trợ và quảng bá cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Khách hàng nước ngoài khi đặt mua hàng thường rất đa dạng về chủng loại, số lượng lớn, nếu doanh nghiệp liên kết tốt sẽ tạo được hệ thống cung cấp mạnh và có nhiều cơ hội thăng tiến từ chính liên kết đó.
Chọn ưu tiên xuất khẩu ngay từ khi mới thành lập Công ty, như vậy có "liều" không, thưa bà?
- Lúc đó chúng tôi chưa có nhiều điều kiện nhưng vẫn quyết tâm tìm nguồn cung ứng hàng thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn để xuất khẩu. Chỉ ba tháng sau khi thành lập, VietS có lô hàng đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài. Đến 2008, khi chủ động tham gia nhiều hội chợ thương mại, việc xuất khẩu trực tiếp trở nên thuận lợi hơn và trở thành mảng chủ lực.
Tham dự các hội chợ thương mại ở nước ngoài là cách tốt nhất để tìm khách hàng, nắm bắt được xu thế và nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng. Hiện nay mỗi tháng VietS xuất từ 15 - 20 container hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường EU, Mỹ, doanh số hằng năm từ 1 - 1,5 triệu USD. Con số này chưa đúng với kỳ vọng nhưng làm chúng tôi thêm tự tin về công việc kinh doanh.
Để đáp ứng được nhu cầu nguồn hàng cho khách nước ngoài, chúng tôi phát triển thêm số làng nghề nhận gia công ở Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam bộ, duy trì công việc ổn định cho cả ngàn thợ thủ công và 20 công nhân tại xưởng sản xuất 2.500m2 tại Biên Hòa. Ngoài mây, tre, lá là thế mạnh, hiện nay sản phẩm của VietS còn được làm từ cỏ bàng.
Để thành công hẵn là bà có lối đi riêng?
- Thủ công mỹ nghệ là ngành rất đặc trưng, phải toàn tâm toàn ý, phải không ngừng cải tiến mẫu mã, đổi mới nguyên liệu. Nếu không làm được điều đó, sản phẩm sẽ khó thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Điều giúp tôi luôn cảm thấy hào hứng và yêu thích nghề thủ công mỹ nghệ là mỗi sản phẩm làm ra đều có sự đặc trưng riêng về vật liệu và yếu tố vùng miền, kể cả khả năng người thợ. Có những sản phẩm chỉ tìm được ở một làng nghề duy nhất. Đó là điều kiện đủ dể doanh nghiệp tìm lối đi riêng.
Với kinh nghiệm 10 năm làm nghề, theo bà, để hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chinh phục được thị trường các nước, khâu nào là quan trọng nhất?
- Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù có giá cao hơn và bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn được khách hàng thế giới lựa chọn do có đặc trưng rất riêng về nguyên liệu.
Đáng lo là về thiết kế, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thua hẳn và đi sau các nước. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar là những nước mà doanh số xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ kém Việt Nam nhưng giá trị thiết kế trong sản phẩm của họ lại hơn hẳn, chứ chưa nói đến các nước EU hay Mỹ.
Ví dụ như về mặt thiết kế, tại Thái Lan có hẳn một showroom trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ do chính phủ mở ra. Tại đây, các công ty trong ngành sẽ được chính phủ hỗ trợ trưng bày mẫu thiết kế mới, liên tục trong năm chứ không giới hạn thời điểm, để các nhà mua hàng trên thế giới tìm đến. Mô hình này giúp doanh nghiệp, các nhà thiết kế và khách hàng rất thuận lợi khi tìm kiếm nhau, thảo luận tại chỗ về mẫu mã.
Thêm vào đó là những khóa đào tạo, huấn luyện về xu hướng thiết kế mới hoặc kiến thức mới về ngành thủ công mỹ nghệ. Do có sự tương tác giữa nhà thiết kế và khách hàng nên doanh nghiệp sản xuất rất dễ dàng khi bán hàng. Trong khi đó đa số doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng thuê thiết kế nước ngoài để có sự mới mẻ về mẫu mã, đặc biệt là về thẩm mỹ, hoặc ra nước ngoài học hỏi mẫu mã rồi tự thiết kế.
Trong hoàn cảnh có vẻ "cô độc" ấy, làm sao để phát triển kinh doanh?
- Chủ động được nguyên vật liệu là yếu tố sống còn đối với ngành thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi phải tổ chức nguồn nguyên liệu ở nhiều địa phương, vì thế có thời điểm nguồn cung dồi dào, còn có dư để san sẻ với đơn vị bạn.
Chúng tôi không chạy theo sản phẩm đại trà mà chủ động bán những sản phẩm có yếu tố khác biệt. Chính vì đam mê hàng thủ công mỹ nghệ mà tôi rất nhạy cảm với các ý tưởng mới. Có khi ra đường gặp một cô gái khoác cái túi xách đẹp là tôi nhập tâm, về nhà vẽ nó ra, rồi nghĩ, nếu cái giỏ đó nếu thay quai xách thì sẽ ra sao, nếu đặt vào góc này trông cái giỏ đó như thế nào. Khâu thiết kế do tự tay tôi làm hoặc lên ý tưởng cho bộ phận thiết kế thực hiện.
Đó cũng là ưu thế của VietS. Cứ mỗi ba tháng hoặc trước khi tham gia hội chợ triển lãm, chúng tôi phải có một bộ sưu tập sản phẩm với thiết kế mới. Tính nghệ thuật và tính khả thi phải luôn được cân nhắc khi ra một mẫu mới. Những mẫu này phải được triển khai sản xuất hàng loạt. Một thợ giỏi làm ra 100 sản phẩm không khó, nhưng để triển khai sản xuất mẫu mới đồng loạt cho 500 thợ làm cùng lúc là không đơn giản, nhất là những lúc khách hàng đặt một mã hàng tối thiểu 3.000 - 5.000 sản phẩm.
Cũng có cảnh báo rằng doanh nghiệp trong ngành đang thiếu sự liên kết, dẫn đến sức cạnh tranh yếu đi, bà có nhận thấy như vậy không?
- Chúng tôi biết nguy cơ phải đối mặt với sản phẩm của doanh nghiệp ngoại từ chính "sân nhà”. Nhưng nếu doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam xích lại gần nhau, tạo được mối liên kết để tương trợ thì không lý do gì để bị thua.
Hiện tại tôi thấy tự tin vì doanh nghiệp trong nước ít nhiều đã có sự liên kết. Có những thời điểm khó khăn, anh chị em trong ngành san sẻ cho nhau từng chút nguyên liệu, có thể giúp nhau giải quyết khó khăn, giúp nhau khi đối diện một vấn đề nan giải.
Xu hướng sử dụng hàng thủ công mỹ nghệ thay đổi rất nhanh, bà có xem đó là thử thách?
- Tôi vẫn ưu tiên tìm kiếm cơ hội trong thử thách. Cho dù vẫn có nhiều rào cản nhưng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn chiếm được cảm tình của khách hàng nhiều nước. Họ không tìm được vẻ đẹp những mặt hàng ấy ở đâu ngoài Việt Nam. Qua thời gian, khi khách hàng đã thích một sản phẩm nào đó thì sẽ hình thành thói quen tiêu dùng và họ lại tìm mua sản phẩm của Việt Nam.
Chẳng hạn ở châu Âu, người dân thường để trong nhà nhiều loại thùng, loại hộp để đựng đồ đạc. Chính xu hướng sử dụng những loại thùng, loại hộp bằng chất liệu tự nhiên thân thiện với môi trường là cơ hội để ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam phát triển.
Nhìn rộng hơn, theo bà, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ gì từ chính sách của Nhà nước?
- Tỷ trọng ngoại tệ thu về từ hàng thủ công mỹ nghệ là không nhỏ so với tổng doanh thu từ các mặt hàng xuất khẩu. Nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa có được sự hậu thuẫn tốt nhất trong phát triển và duy trì nguồn nguyên liệu tự nhiên. Việc trồng trọt những loại cây làm nguyên liệu phần lớn tự phát từ người dân, doanh nghiệp bị động trong mùa vụ thu hoạch.
Thử so sánh với Trung Quốc, mặt hàng tre của họ rất mạnh, giá rất rẻ vì họ có hẳn một vùng đến mấy trăm ngàn hecta chỉ để trồng tre do Chính phủ khoán cho dân.
Ở Việt Nam hiện chưa có vùng quy hoạch nguyên liệu nào cho ngành thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp phải "tự bơi" hoàn toàn. Khoảng một tháng trước Tết Đinh dậu 2017, đột nhiên các doanh nghiệp không thể tìm đâu ra một cọng lục bình nguyên liệu do trước đó miền Tây Nam bộ bị nước mặn xâm nhập sâu vào kênh rạch, nội đồng.
Nhưng nguyên nhân lại bắt đầu từ trước đó do thương lái Trung Quốc tranh mua, giá bị đẩy lên đến 200%. Nếu doanh nghiệp tự tổ chức vùng nguyên liệu riêng với quy mô lớn thì quá sức.
Theo tôi đánh giá, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp làm hàng thủ công mỹ nghệ là nguyên liệu chứ không phải thị trường, bởi có thể ước tính được bao nhiêu phần trăm thị phần giành được, tự tin về gia tăng doanh số bao nhiêu lần so với năm trước. Nhưng khi bị động về nguyên liệu, doanh nghiệp khó đảm bảo với khách hàng về thời hạn giao sản phẩm.
Ngành chế tác gỗ nếu thiếu gỗ có thể dùng nguồn nhập khẩu thay thế, còn hàng thủ công mỹ nghệ hoàn toàn phụ thuộc nguồn nguyên liệu trong nước. Những giải pháp lớn và tổng thể về nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ không thể là trách nhiệm riêng của từng doanh nghiệp mà đó phải là trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Cảm ơn về những chia sẻ của bà!
Lạc Lâm (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Tìm cơ hội trong thử thách

    Tìm cơ hội trong thử thách

    13/04/2017 10:05 AM

    Hơn 10 năm trong nghề, bà Jolia Phạm Hồng Quang - Giám đốc Công ty TNHH Nguồn Việt (VietS) chia sẻ về con đường đến với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ước mơ mang vẻ đẹp Việt Nam từ mây, tre, lá ra thị trường thế giới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.