Là một trong số ít cơ sở sản xuất còn trụ lại được của làng dệt Bảy Hiền thủa nào, Công ty Tấn Minh không những vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của cạnh tranh mà còn xây dựng được 5 nhà máy sản xuất hàng thời trang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hành trình của người con xứ Quảng trở về xứ Quảng và sang Mỹ rất dài trong câu chuyện của Giám đốc Lê Trung Hoan nhưng được kết lại ngắn gọn bằng mấy chữ "tình người", "tình quê”. Ông dùng hình ảnh con tằm nhả tơ để nói về sự đeo đuổi đam mê nghề ngh

* Mặc dù là một trong 5 nước cung ứng hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% - 5% thị phần nhập khẩu toàn cầu. Trong đó, tại thị trường Mỹ, nơi xuất khẩu lớn nhất, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8%. Mâu thuẫn này được giải thích thế nào, thưa ông?

- Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 16,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, lượng doanh nghiệp (DN) có thể thâm nhập trực tiếp vào thị trường Mỹ lại không nhiều, phần đông là gia công cho những DN Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan khi họ dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam với lợi thế chi phí nhân công rẻ.

Nếu tính trên tổng số DN dệt may, Việt Nam với gần 6.000 DN và hộ cá thể trên cả nước, thì chưa có đến 8% DN xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ.

Tấn Minh có hơn 5 năm kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Mỹ với các mặt hàng thời trang nữ như áo vest, đầm, váy, áo kiểu các loại... và hàng hóa của DN được xuất trực tiếp sang New York (Mỹ) theo hình thức phụ liệu trong nước, vải nhập khẩu.

* Là một trong số ít doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, đến nay, Tấn Minh đã đủ tự tin về mẫu mã, kỹ thuật chưa?

- Dù 90% hàng hóa của Tấn Minh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng thực tế hệ thống nhà máy chỉ mới hoạt động khoảng 60% công suất.

Đến thời điểm này, chúng tôi chỉ mới có thể gọi là bước đầu chính thức thâm nhập thị trường Mỹ dù rằng đây là thị trường rất tiềm năng và hầu hết các DN trong ngành đều muốn vào.

Đây là thị trường không dễ dàng vì đòi hỏi DN những điều kiện về chất lượng, uy tín và theo những quy định rất nghiêm ngặt. Vì thế, DN Việt Nam buộc phải xuất hàng sang Mỹ theo hai hướng, một là gia công, hai là chào bán cho các công ty trung gian.

Tấn Minh cũng là một trong những đơn vị tiếp cận bằng hình thức gia công cho các DN này, đến giai đoạn 2007 - 2008, một số khách hàng Mỹ đã bắt đầu tìm đến và đặt hàng trực tiếp với đơn vị.

Tuy nhiên, doanh thu hàng may mặc của Tấn Minh chỉ mới cán mốc bình quân khoảng 4,8 triệu USD/năm. Do đó, với rất nhiều DN tư nhân ngành may đang tham gia vào thị trường Mỹ thì đây cũng là một thách thức cho Tấn Minh và các DN may Việt Nam tham gia vào thị trường này.

* Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may và da giày than phiền là bây giờ kiếm lời một USD cũng khó. Một câu hỏi cũ: Theo ông thì chúng ta nên tiếp tục gia công hay tìm cách nhập vào chuỗi giá trị gia tăng trên thế giới?

- Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 15,09 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu gần 11 tỷ USD, nên giá trị thặng dư chỉ còn 4,09 tỷ USD.

Nguyên nhân là các loại vải chính để sản xuất hàng xuất khẩu đa số vẫn phải nhập khẩu. Nguyên phụ liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất của ngành dệt may nên giá trị thặng dư của ngành khó được cải thiện.

Để gia tăng giá trị xuất khẩu, các DN chỉ có thể thay đổi phương thức sản xuất từ gia công sang FOB nhưng không phải dễ, đặc biệt là phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.

Gần đây, một số DN trong nước đã đi theo hướng phát triển thương hiệu riêng nhưng chỉ một vài DN có đủ điều kiện cạnh tranh với sản phẩm cao cấp nước ngoài.

Để thời trang hóa ngành dệt may, cần rất nhiều yếu tố, như nguồn nhân lực, mở rộng sản xuất, thương mại, văn hóa... Ở đây, vai trò của các ngành chức năng rất quan trọng, nếu từng DN tự làm sẽ không giải quyết được những vấn đề mang tính tổng thể.

* Được biết, ông từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực giáo dục, sao đột nhiên lại chuyển sang làm thợ nhuộm và nay là may mặc?

- Năm 1985, tôi bắt đầu chuyển hẳn sang dệt nhuộm vì đơn giản đây là nghề truyền thống của gia đình, đã đến lúc cần phải duy trì và phát triển. Dù ngã rẽ này như thế nào thì tôi cũng đang có một công việc nhiều thử thách mà cũng rất thú vị.

Trước đây, làng dệt Bảy Hiền vốn là một trong những nơi cung cấp sản lượng vải nhiều nhất cho cả nước. Giữa Sài Gòn, những người còn xứ Quảng đã đã phát triển được nghề truyền thống và sống sung túc bằng nghề cha truyền con nối này.

Những tấm vải dệt của Bảy Hiền cũng từng nổi tiếng một thời cho đến khi vải ngoại, vải giá rẻ Trung Quốc tràn vào đã tạo nên trở lực cho những DN, cơ sở dệt nhuộm tại đây.

Trước những khó khăn liên tiếp ập đến như thế, ngành nghề truyền thống đã dần lụi tàn và mai một dần. Một số đơn vị bắt đầu chuyển sang may, trong đó có Tấn Minh, vì lúc trước, Đông Hồ là địa điểm Tấn Minh đặt cơ sở mắc dệt, nhuộm, in bông.

Nhưng đến năm 1993, địa điểm này không còn thích hợp vì lý do môi trường, chúng tôi đành phải chuyển qua may mặc. Và khi chuyển qua ngành may đến nay chúng tôi hết sức vất vả.

Bởi với ngành may không dễ gì nổi trội lên được. DN tư nhân hoạt động trong ngành này tại TP.HCM cũng không còn được mấy, một số DN may thành công ngày hôm nay đều đi lên từ vốn nhà nước và đa phần là chuyển dần sang cổ phần hóa.

* Những người con xứ Quảng lại trở về xứ Quảng cũng là chuyện thú vị và nhiều người muốn biết. Cả năm nhà máy của Tấn Minh đều đặt ở tỉnh Quảng Nam, trong khi việc đặt nhà máy, đặc biệt đối với ngành may mặc, ở những địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... sẽ thuận lợi hơn rất nhiều...

- Lao động trong ngành may của Công ty Tấn Minh trước đây đa số xuất phát từ miền Trung. Tấn Minh chọn Quảng Nam vì hai lý do.

Thứ nhất, trước khi về miền Trung, mỗi năm Tấn Minh phải thuê tối thiểu 8 - 10 chiếc xe khách để chở công nhân về quê ăn Tết vào ngày 25 âm lịch, rồi sau đó lại phải thuê xe đón công nhân trở vào làm việc tiếp.

Từ việc này tôi nhận ra, đi một người chắc chắn là dễ hơn đi nhiều người. Chính vì thế, tôi dời nhà máy về quê gần với người lao động hơn.

Thứ hai, Quảng Nam là quê hương tôi. Con người có thể rời quê hương nhưng không thể đem quê hương ra khỏi con người...

* "Quảng Nam hay cãi", chưa kể đưa nhà máy về nơi lao động chưa có tác phong lao động công nghiệp nhiều khi lại là một quyết định mạo hiểm...

- Năm 2007, tôi đặt nhà máy đầu tiên ở Quảng Nam. Trước hết là gặp khó khăn về tác phong làm việc. Lao động ở quê không giống như lao động ở thành phố, họ làm việc cảm tính như là một thói quen.

Đang làm nếu có giỗ chạp, chuyện riêng là họ xin nghỉ, đôi khi đến trễ hoặc nghỉ làm nguyên ngày. Nhưng cũng nhờ sự thông cảm và chia sẻ của các cấp địa phương, đã tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh mỗi sáng trong huyện khá tốt, nên người lao động quen được, sắp xếp thích nghi với việc chuyển đổi và dần dần cũng thấm.

Hằng ngày cứ 16 giờ 45 là công nhân ra về, nên mọi việc riêng của gia đình đều được chuyển sang chiều và tối, để từ đó công nhân sắp xếp thời gian cho công việc tại xưởng may.

Có thể nói, việc thay đổi thói quen, tập tục ở địa phương nông thôn là cả một vấn đề, khi nào vượt qua yếu tố này là có thể chạm được chân trên con đường phát triển của sự bền vững.

* Đó có phải là lý do khiến ông tìm hiểu và mạnh dạn áp dụng Hệ thống sản xuất tinh gọn LEAN vào sản xuất?

- LEAN viết tắt của Lean Manufacturing. Đây là triết lý sản xuất tinh gọn nhằm loại bỏ lãng phí trong sản xuất.

LEAN được áp dụng lần đầu tiên tại Hãng Toyota, Nhật Bản những năm 1980. Chúng tôi bắt đầu áp dụng phương pháp này sau hai năm dời nhà máy về quê. Từ đó, Tấn Minh, đã tiết giảm được nhiều thứ.

Ở Tấn Minh bây giờ, mỗi công nhân làm được nhiều việc cùng lúc, phù hợp với thời gian họ có trong ngày chứ không phải làm việc theo thời gian của sản phẩm như trước.

Đồng thời, có thể đảm bảo cho người lao động một điều kiện sống bền vững, trong khi nếu phải tập trung vào khu công nghiệp thì người công nhân khó thực hiện được nhu cầu giản đơn của cuộc sống thường ngày với gia đình họ.

Thật tự hào là các nhà máy của Tấn Minh cũng được công nhận là mô hình phù hợp góp phần xây dựng nông thôn mới (giải quyết được lao động tại địa phương).

Điều đáng nói là việc ứng dụng LEAN tại các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn so với một số nước vì văn hóa doanh nghiệp khác nhau, chủ yếu là mối quan hệ giữa người quản lý và công nhân ở Việt Nam tốt hơn, mặc dù điều kiện làm việc tương đương nhau.

Quy trình, máy móc không thể thay thế được tình người. Hãy giữ cho đẹp cái tình người, rồi chính cái tình người đó sẽ nhắc nhở và gắn kết chúng ta mỗi khi gặp một vấn đề nào đó.

* Thế còn bí quyết quản lý hàng ngàn lao động của ông?

- Tôi học được điều này như sau: Công nhân cần phải được truyền cảm hứng và cần phải được chịu trách nhiệm.

Người lao động cần phải được trao cho cơ hội để thành công và thất bại với chính sức của bản thân chứ không phải trở thành những cỗ máy được điều khiển.

* Và mục tiêu kinh doanh của cuộc đời ông?

- Mục tiêu của nhà quản lý không phải chạy theo lợi nhuận, mà là tạo cơ hội cho sự cải tiến sản phẩm và trí tuệ người lao động, cũng như truyền cảm hứng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có ích cho xã hội.

* Ông đã phải rời khỏi ngành nhuộm vì lý do môi trường và gắn bó với ngành "công nghiệp đạp máy khâu" nhiều năm qua, nên hiểu thế nào về phát triển bền vững, thưa ông?

- Nói về môi trường thì lâu nay DN chúng ta được "miễn phí” quá nhiều rồi, nay cần phải có nghĩa vụ hoàn trả cho xã hội. Còn việc tập trung lại để tạo thành một khu xử lý nước thải, tôi cho rằng chỉ mang tính giải quyết nhất thời mà thôi.

Tập trung có ưu điểm là dễ quản lý nhưng không thuận với quy luật của thiên nhiên. Thành phố công xưởng Quảng Châu (Trung Quốc) là một ví dụ.

Nếu có dịp tới đây bạn sẽ thấy giữa trưa Hè mà vẫn chưa thấy Mặt trời vì khói bụi từ các khu công nghiệp phủ kín cả khu vực. Cũng như Quảng Châu, Trung Quốc có những vùng sản xuất tập trung bị hoang mạc do môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhiều nhà máy sản xuất bên cạnh nhà dân, bên cạnh những vườn cây, công nhân gần như làm việc và sống với những nhà máy này. Không ai bảo vệ môi trường một cách bền vững hơn chính những người dân thụ hưởng môi trường đó.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

CafeLand.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Sống như con tằm nhả tơ

    Sống như con tằm nhả tơ

    15/08/2013 10:10 AM

    Là một trong số ít cơ sở sản xuất còn trụ lại được của làng dệt Bảy Hiền thủa nào, Công ty Tấn Minh không những vượt qua được sự đào thải khắc nghiệt của cạnh tranh mà còn xây dựng được 5 nhà máy sản xuất hàng thời trang xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hành trình của người con xứ Quảng trở về xứ Quảng và sang Mỹ rất dài trong câu chuyện của Giám đốc Lê Trung Hoan nhưng được kết lại ngắn gọn bằng mấy chữ "tình người", "tình quê”. Ông dùng hình ảnh con tằm nhả tơ để nói về sự đeo đuổi đam mê nghề ngh

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.