Các đại biểu Quốc hội hôm nay 17-6 đánh giá cao một số điểm mới trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhưng vẫn băn khoăn về những quy định liên quan đến quyền tự do kinh doanh.

Các đại biểu vẫn còn băn khoăn về quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Ảnh: M.Đ

Một trong những nội dung mới trong dự thảo lần này là quy định “doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm”, thay vì chỉ được kinh doanh những ngành nghề ghi trong giấy đăng ký theo luật hiện hành.

Đối với những ngành nghề cấm kinh doanh, chính phủ sẽ ban hành danh mục cụ thể. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng chính phủ sẽ ban hành danh mục và điều kiện. Hàng năm, Chính phủ sẽ rà soát cả hai danh mục trên để sửa đổi những bất hợp lý.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng đây là một thay đổi mang tính đột phá. Theo ông Lộc, thực tế cho thấy với quy định cũ, nhiều doanh nghiệp để tiện cho mình đã đăng ký khống cả chục trang giấy về tất cả các ngành nghề trong bản thống kê kinh tế quốc dân. “Cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã của ngành nghề khiến các doanh nghiệp cũng vất vả, hai bên cùng khổ”, ông nói.

Ông Lộc cho rằng, cần quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để giúp doanh nghiệp không phải tự tìm trong cả một rừng pháp luật hiện nay.

Một số đại biểu cho rằng, các vùng cấm trong kinh doanh có liên quan mật thiết đến vấn đề đảm bảo quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định, vì vậy cần được nêu rõ ngay trong Luật Doanh nghiệp để hạn chế tình trạng cấm đoán tùy tiện.

“Hiện nay các giấy phép con dưới các hình thức điều kiện kinh doanh đang có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy quy định về điều kiện kinh doanh phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không giao cho các văn bản dưới luật”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nói. Ông Vẻ cho rằng, trong trường hợp cấp bách cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định thêm các điều kiện kinh doanh nhưng chưa thể sửa luật, pháp lệnh, nếu xét thấy cần thiết Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để thực hiện.

Nhưng cũng có nhiều đại biểu khác nhất trí với dự thảo luật là giao Chính phủ ban hành danh mục này và định kỳ rà soát lại hàng năm để kịp thích ứng với những thay đổi của thực tế. Ông Vũ Tiến Lộc thậm chí đề nghị danh mục trên chỉ nên giao cho cấp Bộ công khai và cập nhật thường xuyên.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị việc quy định siết chặt hơn điều kiện kinh doanh hoặc bổ sung thêm ngành nghề bị cấm kinh doanh nên có hiệu lực sau một thời gian hợp lý, tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành nghề. Nếu như quy định cấm hoặc siết chặt hơn, bó buộc phải có hiệu lực ngay do các yếu tố khẩn cấp thì cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp của nhà nước cho doanh nghiệp liên quan để chuyển hướng sản xuất, giảm thiểu thiệt hại nếu có. Quy định như vậy nhằm giúp các doanh nghiệp đang kinh doanh ngành nghề mà dự luật dự kiến sẽ siết chặt hơn điều kiện kinh doanh hoặc sẽ cấm có thời gian và điều kiện để sắp xếp chuyển đổi sản xuất hoặc thu hồi vốn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) dẫn điều 8 dự thảo liệt kê về quyền của doanh nghiệp như: tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh… và các quyền khác (khoản 12)... và đặt câu hỏi: “quyền khác là quyền gì thì không rõ” và thực tế doanh nghiệp áp dụng vướng rất nhiều về việc này. Ông Nghĩa dẫn chứng, hiện nay các doanh nghiệp đang làm một số việc như góp vốn mua cổ phần, mua trái phiếu, cho vay và bảo lãnh, có khi vốn dư người ta có thể tạm thời cho vay hay doanh nghiệp mẹ bảo lãnh doanh nghiệp con, doanh nghiệp con bảo lãnh doanh nghiệp mẹ, doanh nghiệp A bảo lãnh doanh nghiệp B, những cái đó có thể dễ dàng bị quy kinh doanh trái phép ... trong khi thực tế nó là hoạt động kinh doanh rất bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Theo ông Nghĩa, việc mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, là những quyền phải được minh thị nếu không rất dễ bị quy là kinh doanh trái phép hoặc cố ý làm trái.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thắc mắc, tại sao không sử dụng cụm từ “pháp luật không cấm”, mà lại giới hạn “luật, pháp lệnh và nghị định không cấm”. Điều này, theo ông Tiến là trái với Hiến pháp.

M.Đ (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.