Mã cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại đã là “chuyện thường ngày”, nhưng cho đến nay, chưa có nhiều mã cổ phiếu nhận được sự quan tâm đặc biệt như mã MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan.

Masan “bén duyên” đối tác ngoại

Mới đây, Ngân hàng JP Morgan (Hoa Kỳ) đã tiếp tục chấp thuận cung cấp cho Masan Industrial, công ty con của Masan Consumer (MSC) một khoản vay thứ hai trị giá 175 triệu USD có thời hạn 3 năm, với lãi suất 5 - 10%/năm, thay vì 10 - 15%/năm như trước đây. Khoản tiền thu được với lãi suất thấp hơn sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho khoản vay 108 triệu USD hiện hữu và tiếp tục đầu tư thêm vào các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của MSC.

Chin-su là nhãn hiệu số một trong ngành hàng gia vị tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp

Với khoản vay này, nhiều chuyên gia tài chính ví von, “cô gái” MSN đang “bén duyên” với nhiều “chàng trai” ngoại, từ KKR với 2 khoản đầu tư 159 triệu USD mua 10% cổ phần MSN vào năm 2011 và thêm 200 triệu USD vào MSC đầu năm 2013, đến TPG cũng đã 2 lần rót thêm vốn vào MSC, với tổng đầu tư đến 85 triệu USD… Đó là chưa kể hàng loạt thương vụ đầu tư và thu xếp vốn khác.

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đưa ra ý kiến phản biện rằng, khi thu xếp một khoản vay lớn lên đến 175 triệu USD, phải chăng MSC đang lâm vào khó khăn, đến hạn phải trả nợ và đang có dấu hiệu hoạt động không hiệu quả?

Bảo chứng MIGA: Điểm son cho uy tín thương hiệu Việt?

Điểm nhấn lớn nhất của thông tin trên được giới tài chính và nhà đầu tư quan tâm là trong khoản vay từ JP Morgan, có đến 150 triệu USD nhận được sự bảo lãnh của Tổ chức Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB). Với tư cách của một tổ chức phát triển đa phương, MIGA chỉ hỗ trợ những khoản đầu tư với mục tiêu phát triển và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội.

Theo thông tin từ website của MIGA, một dự án muốn được bảo lãnh phải hội tụ 8 yêu cầu cơ bản: có hệ thống quản lý và đánh giá các tác động tới môi trường và xã hội; đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động; giảm thiểu và chống ô nhiễm môi trường; doanh nghiệp đảm bảo an toàn đối với sức khỏe cộng đồng; doanh nghiệp thực hiện bảo vệ đất đai và quyền cư trú của dân cư trong vùng dự án; doanh nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên..

Tính đến nay, Tập đoàn Masan là doanh nghiệp đầu tiên thuộc khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam và Đông Nam Á nhận được sự hỗ trợ của MIGA đối với một khoản vay tài chính doanh nghiệp. Hơn nữa, đây còn là khoản vay tài chính doanh nghiệp lớn nhất mà MIGA từng hỗ trợ đối với một công ty thuộc khối kinh tế tư nhân trên phạm vi toàn cầu.

Việc Masan đạt được một khoản vay lớn dưới sự bảo lãnh của MIGA là một tín hiệu tích cực đối với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam (dù vẫn còn đâu đó những rủi ro tiềm ẩn chưa biết trước được), cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh số dự án tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận bảo lãnh từ MIGA chỉ chiếm 8% tổng số dự án trên toàn cầu trong năm 2012, với số tiền bảo lãnh tối đa chỉ đến 306 triệu USD.

Riêng với mối âu lo được đề cập ở trên, chỉ riêng phần bảo chứng MIGA đã nói lên tất cả, trong bối cảnh khó khăn, tính hiệu quả được đặt ra không chỉ với nhà sản xuất mà còn với chính nhà quản trị dòng tiền. Do vậy, nếu MSN không hấp dẫn, JP Morgan có thể cho vay thêm vì quan hệ lâu dài, nhưng nhận sự bảo chứng từ một tổ chức quốc tế uy tín như MIGA xem ra là không thể. Do vậy, có thể nói, bảo chứng MIGA đã tạo niềm tin cho nhiều thương hiệu Việt có thêm chọn lựa nguồn vốn để đầu tư hoạt động và phát triển sản xuất.

Yếu tố nào tạo nên “lực hấp dẫn” cho MSN?

Dù là kẻ đến sau, nhưng MSC đã có những bước đi chiến lược để vươn lên. Báo cáo xếp hạng Brand Footprint Ranking của Kantar Worldpanel 2013 cho thấy, thương hiệu nước chấm Chin-su của MSC được xếp thứ hai tại Việt Nam trong danh sách các sản phẩm tiêu dùng nhanh được chọn mua nhiều nhất. Theo báo cáo này, Chin-su hầu như có mặt ở mọi gia đình người Việt và hiện luôn là nhãn hiệu đứng số một trong ngành hàng gia vị tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp, với việc chiếm hơn phân nửa thị phần của ngành hàng gia vị cao cấp.

Đó là chưa kể, các nhãn hàng của MSC như Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Tam Thái Tử đều nằm trong danh sách 50 nhãn hàng được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, MSC cũng đã phát triển được mạng lưới phân phối thực phẩm và nước giải khát lớn nhất Việt Nam, với hơn 176.000 điểm bán hàng, 180 nhà phân phối và hơn 2.000 nhân viên kinh doanh. Năm 2012, MSC cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tiên tiến nhất, với dây chuyền sản xuất nước mắm hoàn toàn tự động, tuân theo những chuẩn mực HACCP, ISO 22000 toàn cầu…

Tuy nhiên, đó là những lợi thế tiềm tàng. Với nhà đầu tư tài chính, yếu tố lợi nhuận hiện tại và tiềm năng cao trong tương lai với biên độ tăng trưởng bền vững mới chính là yếu tố quyết định để chọn lựa đầu tư. Nói cách khác, các tính toán tài chính cho thấy, trong 5 năm (2007 - 2012), doanh thu của MSC đã tăng 16 lần, từ mức 31 triệu USD lên 495 triệu USD. Lợi nhuận sau thuế tăng 34 lần, từ 4 triệu USD lên 136 triệu USD…

Rõ ràng, tính hiệu quả các khoản đầu tư, khoản vay của MSC vẫn ở thì tương lai, nhưng khả dụng trước mắt vẫn là uy tín của thương hiệu Việt trong mắt các định chế tài chính quốc tế đã có sự “tăng trọng” đáng kể.

Bảo Giang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Nhân sự cao cấp ngoại và văn hóa DN Việt Nam

    Nhân sự cao cấp ngoại và văn hóa DN Việt Nam

    22/08/2013 3:27 PM

    Hiện tượng chung ở các ngân hàng Việt Nam có các nhân sự cao cấp nước ngoài là quản trị công ty không được thực hiện đúng.

  • Nhà đầu tư ngoại "săn" Masan

    Nhà đầu tư ngoại "săn" Masan

    12/07/2013 3:53 PM

    Mã cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại đã là “chuyện thường ngày”, nhưng cho đến nay, chưa có nhiều mã cổ phiếu nhận được sự quan tâm đặc biệt như mã MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan.

  • Văn hóa DN song hành văn hóa doanh nhân

    Văn hóa DN song hành văn hóa doanh nhân

    12/07/2013 3:27 PM

    Để hiện thực hóa vấn đề phát triển Văn hóa DN và phát triển bền vững, Ban vận động thành lập Hiệp hội phát triển văn hóa DN VN đã được Bộ Công thương công nhận. Đây là cầu nối quan trọng đưa vấn đề văn hóa DN và phát triển bền vững đi vào cộng đồng DN VN một cách rộng rãi.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.