Các biện pháp kiềm chế dịch của Trung Quốc đã đem lại hiệu quả, nhưng việc giao thông ngắt quãng và các cơ sở kinh doanh đóng cửa gây sức ép lớn lên người nghèo nước này.

Theo South China Morning Post, mỗi sáng, khi đi qua trạm kiểm soát tại khu dân cư địa phương ở Bắc Kinh, bà Wang Yimeng, 64 tuổi, luôn hỏi những người ở đó một câu: "Khi nào thì các trạm kiểm soát sẽ được gỡ bỏ? Khi nào tôi có thể bán hàng trở lại?"

Giống như hàng nghìn người khác ở thủ đô Trung Quốc, người phụ nữ 64 tuổi này kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Bà có một quầy bán bánh trứng, bán với giá khoảng 10 NDT (1,40 USD) một chiếc.

Từ đầu tháng 2, tất cả các cổng ra vào khu dân cư nơi bà thường dựng gian hàng đã bị đóng cửa. Nơi này được quản lý bởi các nhân viên cộng đồng. Các tình nguyện viên liên tục kiểm tra nhiệt độ của người ra vào khu dân cư. Quầy hàng của bà Wang phải tháo dỡ.

"Họ nói với tôi rằng tôi cần hợp tác, đừng cản trở công việc kiểm soát dịch bệnh của chính phủ", bà nói.

Bắc Kinh đang dần trở lại bình thường nhưng các lệnh hạn chế vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Ảnh: Bloomberg.

Những người chịu ảnh hưởng nhất

Trước khi dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) rồi lan khắp Trung Quốc và cả thế giới, bà Wang kiếm được khoảng 2.000 NDT (khoảng 281 USD) mỗi tháng, đủ để nuôi sống gia đình và chi trả tiền thuốc men cho chồng mình.

Bà nói: "Tôi không phàn nàn gì cả. Vì tôi vẫn còn may mắn sống sót qua đại dịch này". "Nhưng tôi chỉ cầu mong cuộc sống sớm trở lại như bình thường", bà Wang buồn bã.

Giống như nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh, và hạn chế đi lại. Tác động kinh tế là rất lớn, nhưng thành phố đang dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, dù liên tục không có ca lây nhiễm trong nước trong tuần này. Chính phủ Trung Quốc vẫn lo ngại khi người nước ngoài và người Trung Quốc từ các nước khác trở về nước. Nhiều người đã mang mầm bệnh Covid-19 về.

Lao động tự do và lao động thu nhập thấp là những người chịu tác động nhiều nhất của các biện pháp này.

Lao động Trung Quốc bắt đầu trở lại làm việc ở các thành phố. Ảnh: Getty.

Đầu tuần này, Li Zi, một thợ làm tóc tại Bắc Kinh, được thông báo cửa hiệu nơi anh làm việc sắp mở cửa trở lại sau 2 tháng im lìm. Tuy nhiên, ông chủ của Li cho biết nhà chức trách yêu cầu trong cửa hiệu không có quá 5 người, tất cả khách hàng đều phải được kiểm tra nhiệt độ.

"Tình hình kinh doanh khá ế ẩm. Tôi đoán, khách hàng vẫn ngại đi cắt tóc vì phải tiếp xúc gần", Li Zi nói. Mặc dù ít khách hàng, Li vẫn cảm thấy thoải mái vì được ra khỏi nhà và gặp gỡ đồng nghiệp.

Vợ chồng anh đã mắc kẹt trong căn hộ nhỏ của mình hai tháng qua và thường xuyên phải ăn mì ăn liền. Li nói: "Tôi không có tiền tiết kiệm. Vì vậy, hiện tại tôi cảm thấy an toàn hơn rất nhiều vì được đi làm lại. Hy vọng cuối tháng này tôi có thể nhận tiền lương".

Tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có

Dịch Covid-19 là một cú đòn cực mạnh giáng vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, do các lệnh hạn chế kinh doanh, doanh số bán lẻ của đất nước tỷ dân này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đầu tư tài sản cố định giảm 24,5% và sản lượng công nghiệp giảm 13,5%.

Một thống kê của chính quyền Bắc Kinh cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng lên 6,2% trong tháng 2 tháng đầu năm 2020, từ mức 5,2% trong tháng 12/2019. Con số này cũng là mức cao nhất cho đến nay tại Trung Quốc.

Li nói: "Tôi vẫn may mắn vì còn một công việc. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã về quê và mắc kẹt ở đó vì những hạn chế đi lại. Nhiều người không còn tiền và phải vay mượn bạn bè để có thể mua vé tàu về Bắc Kinh".

South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế Hu Xingdou nhận định người nghèo là nhóm chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất trong dịch virus corona chủng mới.

Ông nói: "Tác động của suy giảm kinh tế với những lao động thời vụ, lao động thu nhập thấp nghiêm trọng hơn so với người giàu. Khả năng chịu đựng của họ rất yếu. Nếu các biện pháp hạn chế không được thu hồi sớm, họ sẽ bị dồn tới đường cùng".

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cao nhất từ trước đến giờ. Ảnh: Getty.

Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, các hạn chế đi lại được đưa ra sau Tết Nguyên đán ngăn cản hàng chục triệu người lao động nhập cư Trung Quốc trở lại nơi làm việc. Số lao động này đã mất khoảng 800 tỷ NDT (khoảng 112 tỷ USD) tiền thu nhập chỉ trong tháng 2 và tháng 3.

Nếu tính thêm những hộ kinh doanh nhỏ hoặc lao động tự do, con số có thể tăng lên 1.500 tỷ NDT (211,3 tỷ USD), bằng gần 4% tổng thu nhập của các hộ gia đình Trung Quốc.

Li Zi ăn chiếc bánh hấp, bữa tối của anh và nói: "Hy vọng tôi sẽ nhận được 1.000 NDT (141 USD) tiền lương cơ bản cho tháng này". "Lúc đấy, tôi có thể mua một ít thịt lợn cho gia đình mình", anh lạc quan.

Thanh Hoa (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.