Chế tài chống chuyển giá của Việt Nam được đánh giá "chưa đủ mạnh", việc truy thu chủ yếu bằng thỏa thuận với doanh nghiệp.

Nhìn nhận những biểu hiện của chuyển giá đang ngày một phức tạp, TS Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước đã nêu hàng loạt tồn tại về hành lang pháp lý trong lĩnh vực này tại một hội thảo tổ chức ngày 19/7.

Ông Hải cho rằng, hiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện, văn bản pháp luật quy định cũng chưa đầy đủ và rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh. Việc truy thu chủ yếu dựa vào hiệp thương với doanh nghiệp, chưa áp dụng dữ liệu và phương pháp xác định lại giá vì thế nên chưa có tính răn đe.

Ông dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới đã có luật về chống chuyển giá và có hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá để ngăn chặn các hành vi này. Tại Đông Nam Á, một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…đã xây dựng và thực hiện Luật Chống chuyển giá từ nhiều năm nay, áp dụng cho cả công ty trong và ngoài nước với các chế tài mạnh.

Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả; Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48% một tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia quy định mức phat dao động từ 100-300% số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời, công khai danh tính những doanh nghiệp này...

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Phan Duy Minh, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cũng lấy thêm ví dụ Australia phạt tiền bằng 50% số thuế vi phạm. Ở Ấn Độ, mức phạt lên đến 300%. Các công ty còn được yêu cầu tính trước thu nhập chịu thuế trong một năm và có nghĩa vụ phải nộp thuế trước. Trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ này, khoản chậm nộp phải chịu lãi suất 18% một năm. Tại Hàn Quốc, Philippines, số tiền phạt được ấn định từ 10% đến 50% đối với số chênh lệch...

"Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước, ban hành ngay các mức xử phạt nặng đối với các hành vi chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI và cần quy định thành những điều khoản cụ thể trong Luật Chống chuyển giá đang được xây dựng và ban hành trong thời gian tới", ông Minh nói.

Các doanh nghiệp FDI về đồ uống đứng đầu trong danh sách nghi vấn chuyển giá của cơ quan quản lý. Ảnh: Anh Tú

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, tại Việt Nam, hành vi chuyển giá xuất hiện cùng với sự gia tăng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông cho rằng các đơn vị kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức như: công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con giá cao hơn thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con ở Việt Nam.... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp FDI thường lợi dụng việc khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các nước.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI nêu thẳng nghi vấn chuyển giá với một số doanh nghiệp như: CocaCola, Metro Việt Nam, Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam... Một trong những lý do là các đơn vị này có "lịch sử" lỗ kéo dài tại Việt Nam nhưng vẫn mở rộng đầu tư.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright cũng dẫn chứng một số liệu của VCCI cho thấy, mỗi năm có từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều đơn vị lỗ liên tục trong nhiều năm. Thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TP HCM, Bình Dương, tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, kéo dài trong nhiều năm. Năm 2010, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ ở Bình Dương chiếm 50,6%, trong đó có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu.

Ở Lâm Đồng, 104 trong tổng số 111 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước đó.

Theo báo cáo gần đây nhất vào đầu năm 2018 của VCCI, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Ngoài ra, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết đơn vị trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ tại hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện không chỉ các doanh nghiệp FDI mà cả nhiều doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Ông dẫn chứng, việc cơ quan kiểm toán truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, cần hoàn thiện quy định của pháp luật về phòng chống chuyển giá vốn đang còn nhiều bất cập và hạn chế.

Nguyễn Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.