CafeLand - Đó là nhận định của ông Jan Willem Winkelhuijzen, Tổng Giám đốc DHL Supply Chain (công ty hàng đầu thế giới trong ngành giao nhận vận tải) và ông Julien Brun, Tổng Giám đốc, CEL Consulting (công ty tư vấn đầu tiên tại Việt Nam chuyên về điều hành sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng) và Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Pháp về tương lai kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Ông Jan Willem Winkelhuijzen, Tổng Giám đốc DHL Supply Chain

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong những năm vừa qua?

Ông Jan Willem Winkelhuijzen: Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua nhìn chung khá khả quan. Thị trường Việt Nam vẫn là thị trường ưu tiên hàng đầu (first-buy economy) chứ không phải là thị trường thay thế (replacement economy). Đối với thị trường thay thế, người tiêu dùng sẽ trì hoãn việc mua hàng, chờ đợi lâu hơn trước khi quyết định mua một món hàng mới. Trong khi đó, tại các thị trường ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng ra sẽ quyết định mua hàng nhanh hơn, hàng hóa mới được lưu thông nhanh hơn.

Ông Julien Brun: Những thách thức kinh tế vĩ mô Việt Nam phải đối diện từ năm 2011 cùng với sự sút giảm nhu cầu từ thị trường phương Tây đã thực sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hơn 70.000 doanh nghiệp phá sản. Nhiều nhà máy cỡ trung phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự để tiếp tục hoạt động. Nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư kinh doanh hay duy trì hoạt động cũng rất hạn chế. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt cũng thấp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu này đang dần phục hồi với mức độ tăng trưởng hợp lý.

Nhìn chung, các công ty với tài chính yếu kém, không chú trọng vào dịch vụ khách hàng, các nhà cung cấp chất lượng kém, không đáng tin cậy đã biến mất dần khỏi thị trường. Các công ty tồn tại được đến hiện nay là những công ty đã tập trung vào các hoạt động cốt lõi; cắt giảm chi phí, hàng tồn kho; giữ lại các nguồn lực có hiệu quả và chất lượng tốt.

Đợt “đóng băng” này là một thời kỳ khó khăn để vượt qua đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn này, các doanh nghiệp địa phương đã đạt được sự trưởng thành cao, nâng cao vấn đề quản lý rủi ro cũng như việc đưa quản lý rủi ro vào trong chiến lược của họ.

Tình hình kinh tế vĩ mô như vậy ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp của ông?

Jan Willem Winkelhuijzen: Công ty chúng tôi vẫn phát triển theo chiều hướng tốt, tích cực. Chúng tôi vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Julien Brun: Thị trường trong năm 2013 phát triển tương đối chậm. Công ty chúng tôi đã linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thị trường, cung cấp các dịch vụ giúp cắt giảm chi phí – dịch vụ cần thiết cho các công ty trong giai đoạn này. Do đó, chúng tôi đã có một năm tương đối tốt với mức tăng trưởng 40%. Tuy nhiên, các dịch vụ hỗ trợ đầu tư của chúng tôi (như hỗ trợ các công ty trong việc đầu tư nhà máy, kho bãi mới,...) đã có sự sụt giảm trong năm qua.

Ông Julien Brun, Tổng Giám đốc, CEL Consulting và Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Pháp

Theo ông doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhất điều gì trong nền kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như môi trường kinh doanh, luật pháp, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, hay thị trường tiêu dùng rộng lớn?

Jan Willem Winkelhuijzen: Theo tôi, những yếu tố được quan tâm nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp nước ngoài là luật lao động, các quy tắc kinh doanh và sự nhất quán của các yếu tố này.

Julien Brun: Một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay vẫn là những thay đổi trong môi trường pháp lý cũng như các thủ tục hành chính nặng nề trong quá trình đăng ký giấy phép.

Về mặt vận hành, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn nhận định rằng nguồn lực được đào tạo bài bản về các chức năng cụ thể như chuỗi cung ứng hay kinh doanh bán hàng vẫn còn rất hạn chế tại Việt Nam.

Việt Nam nên làm gì để thu hút các nhà đầu tư quốc tế? Và làm thế nào để khai thác tối đa từ nguồn lực này để phát triển kinh tế?

Jan Willem Winkelhuijzen: Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chú trọng xây dựng, đảm bảo một môi trường pháp lý nhất quán, rõ ràng.

Julien Brun: Quá trình cấp phép kéo dài, tốn kém và không rõ ràng vẫn là yếu tố gây ra sự hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, việc thiếu thông tin đáng tin cậy về các đối tác kinh doanh như nhà cung cấp, nhà phân phối,… cũng là một yếu tố hạn chế. Các công ty nước ngoài mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm các thông tin này. Nếu giai đoạn bước đầu này có thể được rút ngắn bằng các tài liệu hướng dẫn với thông tin đầy đủ, cập nhật, cụ thể thì các doanh nghiệp, tổ chức sẽ tham gia thị trường nhanh chóng hơn.

Ông dự đoán như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong năm 2014 và một số năm tới?

Ông Jan Willem Winkelhuijzen: Theo tôi, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ đi theo chiều hướng khả quan hơn trong năm 2014 cũng như các năm sắp tới. Trong những năm sắp tới, đầu tư nước ngoài vẫn phát triển mạnh mẽ nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất. Điều quan trọng đối với Việt Nam là tập trung khai thác các đầu tư chất lượng, không gây tổn hại lâu dài đến đất nước. Ví dụ, Việt Nam cần tập trung vào các mặt hàng may mặc cao cấp chứ không chỉ dừng lại ở gia công giá rẻ, không nên tập trung vào các ngành công nghiệp nặng gây hại tới môi trường.

Julien Brun: Năm 2014 bắt đầu theo chiều hướng tích cực. Giới kinh doanh cảm thấy tự tin hơn. Thị trường Mỹ đang chỉ ra những cơ hội mới. Các hiệp định thương mại như TPP, AEC, EU sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn vào Việt Nam, nhu cầu nội địa sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh trở lại. Trong năm 2014 và các năm sắp tới, Việt Nam sẽ đạt mức GDP cao tương ứng với khả năng và tiềm năng hiện nay.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Kinh tế 2014 sẽ khả quan hơn

    Kinh tế 2014 sẽ khả quan hơn

    31/01/2014 6:32 PM

    CafeLand - Đó là nhận định của ông Jan Willem Winkelhuijzen, Tổng Giám đốc DHL Supply Chain (công ty hàng đầu thế giới trong ngành giao nhận vận tải) và ông Julien Brun, Tổng Giám đốc, CEL Consulting (công ty tư vấn đầu tiên tại Việt Nam chuyên về điều hành sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng) và Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Pháp về tương lai kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.