Những người giàu có trên thế giới đang rời khỏi các quốc gia quen thuộc như Mỹ, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ để đến sống tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Úc và Singapore.

Báo cáo về công dân toàn cầu, do công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners và công ty quản lý tài sản New World Wealth cùng thực hiện, cho thấy Nga và Ukraine đang chứng kiến cuộc di cư lớn nhất từ trước đến nay của những cá nhân sở hữu tài sản ròng có giá trị ròng cao (HNWI). Đồng thời, các quốc gia thường thu hút giới triệu phú như Anh và Mỹ đang mất dần vị thế.

Tiến sĩ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, cho biết làn sóng di cư của HNWI là một xu hướng đã gia tăng trong suốt thập kỷ qua trước khi giảm xuống vào năm 2020 và 2021 do Covid-19. Còn trong năm 2022, làn sóng này sẽ “phản ánh môi trường cực kỳ biến động trên toàn thế giới”.

Steffen cho biết: “Vào cuối năm 2022, 88.000 triệu phú có thể ​​sẽ chuyển đến các quốc gia khác, ít hơn 22.000 người so với năm 2019. Năm 2023 được dự báo sẽ diễn ra làn sóng di cư lớn nhất với 125.000 triệu phú để chuẩn bị cho cuộc sống trong thế giới hậu Covid-19, sự sắp xếp lại trật tự thế giới và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu”.

Andrew Amoils, trưởng bộ phận nghiên cứu của New World Wealth, cho biết số liệu di cư của HNWI là một phong vũ biểu tuyệt vời cho sức khỏe của một nền kinh tế.

Ông nói: “Làn sóng di cư của họ có thể cung cấp tín hiệu cảnh báo sớm về xu hướng kinh tế trong tương lai. Các quốc gia thu hút giới giàu có thường có kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ lệ tội phạm thấp, thuế suất cạnh tranh và cơ hội kinh doanh hấp dẫn”.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có 18.700 HNWI sở hữu khối tài sản từ 1 triệu USD trở lên, trong đó có 790 người có từ 10 triệu USD trở lên và 27 người sở hữu từ 100 triệu USD trở lên.

Anh, Mỹ và Trung Quốc thụt lùi

Quốc gia bị thiệt hại lớn nhất trong làn sóng này là Anh, với khoảng 1.500 triệu phú được dự báo sẽ rời đi trong năm 2022.

“Xu hướng này bắt đầu cách đây 5 năm khi cuộc bỏ phiếu Brexit và thuế tăng đã khiến ​​nhiều HNWI rời khỏi Anh. Anh đã mất khoảng 12.000 triệu phú kể từ năm 2017”, Amoils nói.

Sự hấp dẫn của Hoa Kỳ cũng đang giảm đi nhanh chóng, một phần do nguy cơ tăng thuế. Dù Mỹ vẫn thu hút nhiều triệu phú đến hơn so với số lượng người rời đi, khoảng 1.500 người trong năm 2022, thì mức này vẫn giảm đến 86% so với năm 2019. Tính đến năm 2019, Mỹ thu hút khoảng 10.800 triệu phú đến sinh sống.

Tại Trung Quốc, Amoils cho biết khoảng 10.000 HNWI sẽ rời khỏi khu vực đại lục trong năm 2022.

Ông nói: “Tăng trưởng tài sản trong nước đã chậm lại trong vài năm qua. Do đó, việc HNWI di cư gần đây có thể khiến quốc gia này thiệt hại nhiều hơn so với giai đoạn trước”.

Trong khi đó, làn sóng di cư tại Hồng Kông đã chậm lại, chỉ mất khoảng 3.000 người vào năm 2022, giảm 29% so với năm 2019. Trong khi đó, Brazil và Ấn Độ có thể chứng kiến lần lượt 2.500 và 8.000 HNWI rời đi.

Điểm đến mới của giới triệu phú toàn cầu

Báo cáo cho thấy UAE dẫn đầu danh sách các quốc gia mà HNWI chuyển đến sinh sống, với khoảng 4.000 người trong năm 2022, tăng 208% so với năm 2019.

Dominic Volek, người đứng đầu nhóm khách hàng tư nhân tại Henley & Partners, cho biết: “Điều này là do UAE đã tập trung thu hút các hoạt động du lịch và thương mại trong suốt 10 năm qua bằng cách thực hiện liên tiếp các đợt miễn thị thực song phương và đa phương. Quốc gia này cũng rất nhanh chóng điều chỉnh các quy định nhập cư để thu hút người giàu và người tài từ khắp nơi trên thế giới”.

Úc được mô tả trong báo cáo là điểm đến “có thành tích cao trong dài hạn” về việc thu hút HNWI. New World Wealth ước tính rằng hơn 80.000 triệu phú đã chuyển đến Úc trong 20 năm qua. Vào năm 2022, số lượng triệu phú mới sẽ di cư đến đây là khoảng 3.500 người, cao thứ hai thế giới.

Singapore là quốc gia châu Á hấp dẫn nhất với giới thượng lưu. Dự kiến khoảng 2.800 triệu phú sẽ đến đảo quốc này ​​trong năm nay, tăng 87% so với 1.500 người vào năm 2019.

Xếp ở vị trí thứ ba là Israel với khoảng 2.500 người giàu sẽ định cư tại đây vào năm 2022, tăng 79% so với năm 2019.

Xu hướng trong tương lai

Người sáng lập của công ty tư vấn FutureMap, Parag Khanna cho rằng toàn cầu hóa “chưa chết” - và chắc chắn không chỉ diễn ra ở châu Á, nơi dòng vốn chảy vào đang tăng lên nhờ sự mở cửa trở lại sau Covid-19 và các khoản đầu tư vào sản xuất trên toàn khu vực”.

Ông nói: “Với các nhà máy sản xuất lớn, nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ đô la, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tầng lớp trung lưu phát triển và sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, sự tăng trưởng của châu Á là câu chuyện kinh tế quan trọng trong thời đại này”.

Theo Volek, trong giai đoạn chuyển tiếp này, khi nhiều nền kinh tế chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch đang bị ảnh hưởng bởi các rủi ro về an ninh, chính trị và kinh tế, thì các gia đình giàu có đang xem xét lại các ưu tiên của mình để đảm bảo tài sản của họ được bảo vệ và phong cách sống của họ được duy trì.

Volek lưu ý rằng “mối quan tâm về việc di cư tiếp tục tăng lên vì nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu về nơi cư trú và cách xin quốc tịch thông qua các chương trình đầu tư để mang lại cho họ sự an tâm, giảm thiểu rủi ro, sự linh hoạt và tự do đi lại mà họ mong muốn”.

Steffen đồng ý rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy người giàu có chuyển đến một quốc gia khác.

“Trong giai đoạn 2013 đến 2019, các động lực chính của họ bao gồm mong muốn có những lựa chọn giáo dục tốt hơn, mức sống cao hơn trong môi trường an toàn hơn, khí hậu ôn hòa hơn hoặc môi trường ít ô nhiễm hơn, cơ hội đa dạng hóa kinh doanh và các vấn đề tài chính như bảo tồn tài sản”, Steffen nói.

“Kể từ khi đại dịch Covid ‑ 19 bùng nổ, kéo theo những biến động kinh tế - xã hội mới nhất và các cuộc đấu tranh do vấn đề địa chính trị trên toàn thế giới, tầm quan trọng của việc có thêm những ngôi nhà thuộc nhiều điểm đến trên thế giới được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, việc sở hữu quyền công dân thông qua đầu tư là cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả nhất với các triệu phú”.

Lam Vy (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: