Sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp luôn được quyết định bởi chất lượng nguồn nhân lực.

Bởi vậy, việc thu hút nhân tài luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình (DNGĐ).Theo nhiều nghiên cứu chuyên sâu của các tổ chức quốc tế, 90% thành công của một doanh nghiệp đều đến từ yếu tố con người.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn luôn đang loay hoay trong việc tuyển và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân sự, đặc biệt với những vị trí chủ chốt và cấp cao. Tại các DNGĐ, vấn đề thu hút và đào tạo nhân tài, đặc biệt là với người từ bên ngoài vào và giao cho họ các vị trí chủ chốt tại Cty lại càng là bài toán nan giải hơn.

Để góp phần giải bài toán trên, chương trình CEO - Chìa khóa thành công trên VTV1 đã đưa lên sóng chủ đề “DNGĐ– Chiến lược nhân sự”. Cùng với đó là câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình có 20 năm sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sau một thời gian du học và làm việc ở nước ngoài, con trai của Chủ tịch HĐQT đã về nước và được chuyển giao vị trí CEO.

Sau nhiều đề xuất cải tổ (về quy trình sản xuất, marketing, hành chính và nhân sự…) mang tính thuyết phục cao và được các cổ đông phê chuẩn, CEO tiếp tục mạnh dạn đề nghị cải tổ hệ thống nhân sự, thông qua việc lên kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho toàn thể nhân viên, chủ yếu là các vị trí quản lý và điều hành khác nhau để đảm bảo năng lực chuyên môn và đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp của họ. Ngoài ra, theo phương án quy hoạch cán bộ do CEO đề xuất, với những nhân sự (không kể là người trong nhà hay người ngoài) có khả năng đảm nhận các vị trí then chốt, Cty sẵn sàng đầu tư để tham gia các khóa đào tạo đặc biệt và có quy mô, kể cả ở nước ngoài; đồng thời cho họ tham gia vào những vấn đề chuyên sâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi CEO đưa đề án này ra bàn bạc với HĐQT, thì ngay lập tức bị phản đối. Bởi họ cho rằng chỉ cần đầu tư vào các vị trí quản lý đang do con cháu trong nhà nắm giữ là đủ; như thế mới là đầu tư lâu dài, hiệu quả; vừa không tốn kém, lại vừa tránh được rủi ro. Bởi vì người ngoài sau khi được đào tạo có thể sẽ bỏ doanh nghiệp sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, thậm chí mở doanh nghiệp để cạnh tranh trực tiếp...

Trong khi đó, ý kiến của CEO đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả theo dõi trên Fanpage CEO - Chìa khóa thành công. Bạn Quốc Anh cho rằng: “Thu hút người tài bên ngoài rồi đào tạo cho giữ các vị trí chủ chốt… là việc nên làm. Chỉ khi doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, không phân biệt người nhà hay người ngoài thì mới có thể thu hút và giữ được người tài”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “Đã là DNGĐ thì yếu tố người nhà phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Có như vậy mới thúc đẩy mỗi thành viên trong gia đình thêm gắn bó, và sẵn sàng cống hiến hết mình cho doanh nghiệp”.

Bình Nguyên (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.