Hai hộp đen máy bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia Indonesia đã được trục vớt thành công trong hai ngày 12-13/1, với hy vọng làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc trên biển Java khiến 162 người thiệt mạng. Thế nhưng chuyện tình cảm khiến việc "mổ" hai hộp đen này có thể làm điều tra viên Indonesia mất ăn, mất ngủ.

Ông Nurcahyo Utomo, điều tra viên dữ liệu hộp đen máy bay QZ8501 cũng là học trò của cơ trưởng chuyến bay này

Cơ trưởng là thầy điều tra viên

Hiện nay, hai hộp đen đã được đưa về Thủ đô Jakarta, để chuẩn bị cho công tác trích xuất với sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ, Pháp. Ông Nurcahyo Utomo, điều tra viên Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia (cơ quan chịu trách nhiệm điều tra) cho biết, nhiệm vụ nghe ghi âm hộp đen đòi hỏi các nhà điều tra phải có “thần kinh thép”. Bởi, nghe đi nghe lại các đoạn ghi âm có thể khiến chúng tôi loạn óc. Công việc nghe ghi âm liên quan tới tai nạn không phải như nghe nhạc hay nghe ghi âm thảo luận. Chúng tôi phải nghe những gì đã diễn ra vào giờ khắc cuối cùng trước khi máy bay rơi - ông Utomo nói. “Nhiều khi, các nhà điều tra mất tinh thần, cảm thấy sợ hãi khi nghe ghi âm hộp đen”, nhất là cảm giác lạnh sống lưng khi nghe thấy giọng cầu nguyện Allahuakhbar (Thượng đế vĩ đại!)... bởi đó là những câu các phi công thường nói trước khi qua đời”, theo Daily Mail.

Riêng với ông Utomo, công việc trích xuất hộp đen lần này còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, không phải vì vấn đề chuyên môn mà do ông có mối quan hệ thân thiết với cơ trưởng Iriyanto. Được biết, cơ trưởng Iriyanto chính là người thầy dạy lái máy bay cho ông Utomo. “Không thể tưởng tượng được tôi sẽ phải nghe những lời cuối cùng của ông ấy (phi công Iriyanto) và biết được nội dung sẽ như thế nào” - ông Utomo cho biết.

Mặc dù vậy, với trách nhiệm là người điều tra, ông Utomo và các đồng nghiệp buộc phải đối mặt với nhiệm vụ nghe bản ghi âm hộp đen; trong đó chắc chắn sẽ có những lời cuối cùng của cơ trưởng Iriyanto, đây là “chìa khóa tiết lộ nguyên nhân vụ tai nạn QZ8501”. Các nhà điều tra cho biết, sẽ phải mất tới hai tuần để tải dữ liệu từ hộp đen nhưng có thể tiếp cận một số thông tin ban đầu trong hai ngày nếu thiết bị không bị hư hại quá nhiều.
Sẽ có hộp đen nổi

Sau vụ hộp đen máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501 rơi xuống đáy biển khiến công tác tìm kiếm vô cùng khó khăn, cùng với thực tế vài năm gần đây, số vụ tai nạn máy bay trên biển ngày càng gia tăng, nhu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là chế tạo hộp đen có thể nổi khi rơi xuống biển. Hãng sản xuất máy bay Airbus dự tính sẽ đưa thêm tính năng có thể nổi lên mặt nước cho hộp đen lắp đặt trong dòng máy bay chở khách đường dài A350 và A380, tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm. Nếu một hộp đen được trang bị thêm hệ thống túi khí, nó có thể nổi trên mặt nước nếu máy bay rơi xuống biển. Sở dĩ Airbus dự định lắp đặt hộp đen nổi đầu tiên cho dòng máy bay A350 và A380 vì những loại máy bay này sẽ phục vụ cho các chuyến bay đường dài, thường bay qua biển.

Cung cấp thông tin cho AFP, một nguồn tin từ Airbus cho biết: “Đến cuối năm nay, Airbus sẽ được Cơ quan An ninh Hàng không Châu Âu (EASA) "bật đèn xanh" cho đề xuất lắp đặt loại hộp đen mới đối với dòng máy bay A350 và A380”. Về phía EASA, phát ngôn viên cơ quan này xác nhận, EASA đang làm việc để bổ sung giấy phép, tạo điều kiện cho Airbus trang bị loại hộp đen có tính năng nổi.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự kiến sẽ bỏ phiếu vào tháng tới về đề nghị trang bị thiết bị nổi cho hộp đen máy bay. Phát ngôn viên ICAO, ông Anthony Philbin cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ mọi sáng kiến nhằm tăng cường khả năng phát hiện vị trí máy bay trong trường hợp khẩn cấp miễn là hệ thống đó đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn chúng tôi đề ra”.

Trang Trần (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.