Cách đây vài năm, Elizabeth Holmes là CEO một công ty công nghệ tỷ USD và được gọi là "Steve Jobs mới". Hôm nay, cô ngồi nhà, chờ đợi bị xét xử và có thể đang xem bộ phim về mình.

Kênh truyền hình HBO của Mỹ đang bắt đầu phát sóng bộ phim tài liệu Nhà phát minh về Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Theranos, từ ngày 18/3.

Có tên giống với với Nữ hoàng Anh, Holmes một thời cũng được xem là "nữ hoàng khởi nghiệp" tại thung lũng Silicon. Cô đứng đầu một công ty công nghệ y tế tỷ USD, là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, nắm giữ bí quyết có thể cứu mạng hàng triệu người và thay đổi thế giới. Mọi hào quang vây lấy Holmes cho đến khi sự thật phơi bày.

Từ "Steve Jobs" mới

19 tuổi, bỏ ngang đại học Stanford để theo đuổi giấc mơ thay đổi ngành y tế thế giới và giúp mọi người kéo dài sự sống. 20 tuổi, huy động được gần 6 triệu USD cho startup của mình. 31 tuổi, trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất trong lịch sử của Forbes với 4,5 tỷ USD tài sản còn công ty được định giá 9 tỷ USD.

Từng xuất hiện trên bìa của Forbes, Fortune, Inc và được Time liệt kê trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, Elizabeth Holmes xứng đáng là thần tượng tại thung lũng Silicon.

Chân dung Elizabeth Holmes vào năm 2014. Ảnh: Forbes.

Theranos, công ty của Holmes, sở hữu một sản phẩm "tất cả trong một" có tên Edison, giống với tên của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, người có gần 2.000 bằng sáng chế.

Phát minh bóng đèn điện của Thomas Edison đã soi sáng nhân loại vào thế kỷ 19, còn thiết bị Edison của Holmes cũng từng "thắp sáng" hy vọng của hàng triệu bệnh nhân và bác sĩ.

Sản phẩm của Holmes là một thiết bị nhỏ gọn có chức năng "tất cả trong một". Chỉ cần lấy 1-2 giọt máu trên đầu ngón tay, cho vào ống siêu nhỏ, thiết bị của Theranos được quảng cáo có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm và phát hiện được cả bệnh ung thư hay tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các xét nghiệm truyền thống. Một cuộc cách mạng trong điều trị y tế sắp diễn ra.

Holmes trên bìa tạp chí Inc và được gọi là "Steve Jobs tiếp theo". Ảnh: Inc.

Elizabeth Holmes đã gọi vốn hơn 900 triệu USD cho Theranos, theo PitchBook. Danh sách các nhà đầu tư góp tiền cho Holmes là niềm mơ ước với mọi startup tại Mỹ: một trong 10 người giàu nhất thế giới Larry Ellison, anh em nhà Waltons của đế chế Walmart, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch.

Còn hội đồng quản trị của Theranos thì có sự góp mặt của những chính trị gia tầm cỡ như hai cựu Ngoại trưởng Mỹ: Henry Kissinger, George Shultz và hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, James Mattis.

Tuy nhiên, Holmes không tiết lộ về công nghệ "thử máu không cần kim" của mình với bất kỳ ai, dù là cổ đông, với lý do bảo mật. Là CEO của một công ty công nghệ hàng đầu, luôn giữ kín mọi thứ, thường xuyên mặc áo đen cổ cao, Elizabeth Holmes được gọi là "Steve Jobs mới". Còn Theranos được ca ngợi là "Apple của ngành y tế".

Đến "kẻ nói dối vĩ đại"

Nhưng tất cả chỉ là trò lừa.

Elizabeth Holmes đã nói dối. Cô đã đạo diễn và đóng vai chính trong "bộ phim Theranos" kéo dài hơn 10 năm. Và chưa phim điện ảnh nào có thể khiến những tỷ phú hay chính trị gia lừng danh của nước Mỹ tự nguyện trở thành "diễn viên bất đắc dĩ" như Theranos của Holmes.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 10/2015, khi tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng loạt bài nghi ngờ về độ chính xác của các xét nghiệm thực hiện bởi máy Edison.

WSJ khẳng định công ty của Holmes đã dùng máy móc của các phòng xét nghiệm truyền thống thay vì sản phẩm của công ty để thực hiện xét nghiệm. Đáp lại, Holmes gọi đây là hành động chống lại mình khi cô đang làm việc để thay đổi thế giới.

Đúng là cô đã bị mọi thứ chống lại từ giây phút đó. Nhưng sự thật đã chống lại Holmes, chứ không phải thế lực nào cả.

Elizabeth Holmes xuất hiện trên kênh CNBC phản bác bài báo trên WSJ năm 2015. Ảnh: CNBC.

10 ngày sau bài báo của WSJ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Mỹ (FDA) gọi máy thử máu của Theranos là "một thiết bị y tế không rõ ràng".

Tháng 7/2016, nhà chức trách Mỹ cấm Theranos vận hành phòng thí nghiệm trong 2 năm và thu hồi chứng nhận của công ty. Một số đối tác và cả cổ đông của Theranos lần lượt rời bỏ và kiện công ty của Holmes.

Trước đó 1 tháng, từ nữ tỷ phú với hơn 4 tỷ USD, Elizabeth Holmes trở thành "trắng tay" khi Forbes đánh giá tài sản của cô là 0 USD. Định giá Theranos từ 9 tỷ USD giảm hơn 10 lần, còn 800 triệu USD.

Tháng 4/2017, Theranos phải trả cho các khách hàng ở bang Arizona, Mỹ số tiền 4,65 triệu USD và không được tham gia vào lĩnh vực xét nghiệm máu trong 2 năm. Nhưng Holmes không cần phải lo lắng về việc được hay không được tham gia vào lĩnh vực y tế nữa.

11 tháng sau, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt Elizabeth Holmes 500.000 USD, yêu cầu cô phải từ bỏ quyền điều hành công ty mình sáng lập, nộp lại 19 triệu cổ phiếu Theranos. Holmes bị cấm làm giám đốc của bất kỳ công ty đại chúng nào trong một thập kỷ.

SEC cáo buộc Holmes và cựu chủ tịch Theranos, Balwani, "gian lận kéo dài nhiều năm, trong đó đã phóng đại và nói sai về công nghệ, hoạt động kinh doanh và hiệu quả tài chính của công ty."

SEC nói rằng Theranos đã tuyên bố với các cổ đông dự kiến đạt doanh thu 100 triệu USD năm 2014, và rốt cục chỉ thu về khoảng 100.000 USD. Công ty của Holmes còn nói với các nhà đầu tư sẽ có doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2015.

Elizabeth Holmes cùng luật sư tới một phiên tòa ở San Jose vào tháng 1. Ảnh: Justin Sullivan/Getty.

Nhưng hậu quả của "vở diễn" hơn 10 năm với Holmes không dừng lại ở đó. Tháng 6/2018, Holmes và Balwani (WSJ cho rằng ông từng là bạn trai của Holmes) bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận vì lừa dối các nhà đầu tư, bác sĩ và bệnh nhân.

Holmes đang chờ xét xử hình sự và có thể đối diện án tù 20 năm nếu bị kết án, theo CNN. 3 tháng sau, Theranos cũng chính thức đóng cửa. Giấc mơ đẹp một thời của các tỷ phú, chính trị gia, giới y khoa, người bệnh và chính "Steve Jobs mới" kết thúc hoàn toàn.

Elizabeth Holmes giờ đang ở đâu? Vanity Fair cuối tháng 2 tiết lộ Holmes đang sống tại San Francisco, California, Mỹ và đã đính hôn. Cô không còn mặc những chiếc áo đen cổ cao như của Steve Jobs nữa. Theo Vanity Fair, Holmes kể rằng những người gặp mình trên đường hy vọng cô có thể sớm xây dựng lại mọi thứ.

Nhưng những nhân viên từng làm việc tại Theranos thì không lạc quan như thế. Họ nói với tờ tạp chí này rằng đang phải vật lộn để tìm việc mới. Tất cả nhờ vào sự "khét tiếng" của Theranos.

Hôm nay, có thể Elizabeth Holmes đang xem những thước phim về chính mình trên HBO.

Việt Đức (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.