Pháp và Đức mới đây đã cùng nhau cam kết thúc đẩy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ, với hy vọng có thêm nhiều doanh nghiệp tỷ đô và thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Phát biểu tại một hội nghị ở Paris với sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã mạnh mẽ khẳng định "Trong một nền kinh tế đổi mới sáng tạo thì vốn chính là nhân tố quyết định. Luôn luôn phải có nhiều tiền hơn để đảm bảo tốc độ phát triển nhanh hơn".
Kỳ vọng có thêm startup "tỷ đô"
Theo kế hoạch, các ngân hàng đầu tư của chính phủ ở hai quốc gia sẽ cùng với Liên minh châu Âu (EU) đầu tư 75 triệu EUR vào quỹ mới huy động của công ty đầu tư mạo hiểm Partech Ventures (Pháp). Mục tiêu chính của quỹ này là rót vốn cho các startup muốn mở rộng kinh doanh và dự kiến quỹ sẽ đạt tới 400 triệu EUR vào đầu năm 2016.
Công ty viễn thông Orange SA và đại gia ngành quảng cáo Publicis SA (Pháp) cho biết cũng đang xây dựng một quỹ đầu tư, dự kiến 500 triệu EUR, dành cho startup ở Pháp và Đức.
Sáng kiến chung của Pháp và Đức là bước tiến mới trong việc giải quyết một vấn đề mà hai bên xem như thách thức lớn đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Âu: Sự manh mún, phân tán vốn đầu tư mạo hiểm vô hình trung kìm hãm quá trình đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô của các công ty công nghệ.
Bên cạnh đó, EU cũng đang xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn và chứng nhận thống nhất về bảo vệ dữ liệu và an toàn điện toán đám mây. Bộ tiêu chuẩn có thể giúp các công ty nhỏ phát triển nhanh hơn, trong khi chứng nhận được cấp là một công cụ quảng cáo rất tốt cho startup.
EU đang xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn và chứng nhận thống nhất về bảo vệ dữ liệu và an toàn điện toán đám mây
Theo số liệu tổng hợp của ngân hàng đầu tư GP Bullhound (Anh), kể từ năm 2000, cứ mỗi năm châu lục này có khoảng ba công ty công nghệ được bán, niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc được nhà đầu tư định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Mặc dù xu hướng đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ châu Âu đã sôi động hơn kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế, song nhiều startup than phiền rằng họ vẫn "đói" những khoản đầu tư lớn để có thể bật lên ngay tại châu Âu.
Chính điều này là động lực "đẩy" họ sang các thị trường khác, chủ yếu là Mỹ, để tự tìm kiếm những "Mạnh Thường Quân" cho mình.
Theo thống kê của Dow Jones VentureSource, các hãng công nghệ sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm ở châu Âu đã huy động được 7,43 tỷ USD trong 3 quý đầu tiên của năm 2015, tăng 17% so với một năm trước đó. Nhưng như vậy vẫn chưa thấm vào đâu so với 39,54 tỷ USD, tăng trưởng 39% tại Mỹ.
Phải nhìn Mỹ mà học tập
Dù đã rất cố gắng song châu Âu phải thừa nhận rằng mình vẫn tụt lại phía sau khá xa so với Mỹ trong việc ươm mầm những "gã khổng lồ" công nghệ. Một nghiên cứu cho thấy xét về giá trị, tổng giá trị của tất cả startup "tỷ đô" ở châu Âu từ năm 2000 đến nay là khoảng 120 tỷ USD, trong khi ở bên kia Đại Tây dương, riêng Facebook đã xấp xỉ 290 tỷ USD còn Uber được định giá 40 tỷ USD dù vẫn chưa niêm yết.
Có chuyên gia châu Âu từng thốt lên rằng "Châu Âu cần phải nghĩ xem làm thế nào tạo ra được một công ty 10 tỷ USD… Mỹ là một thị trường đặc biệt, không đâu có thể bắt chước được."
Trong nội bộ châu Âu, kể từ năm 2000, Anh là nước "xuất xưởng" được nhiều startup "tỷ đô" nhất với 17 doanh nghiệp. Các công ty công nghệ Anh gia nhập nhóm này trong hơn 1 năm qua bao gồm: Skrill, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng được Optimal Payments mua lại với giá 1,1 tỷ EUR, hay Farfetch, shop thời trang trực tuyến, được nhà đầu tư định giá 1 tỷ USD hồi tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, Thụy Điển có 6 startup công nghệ "tỷ đô", trong đó có dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify và công ty dịch vụ thanh toán Klarna. Đức và Nga, mỗi nước có 4 doanh nghiệp như vậy.
Dù cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy startup nhưng thách thức mà châu Âu phải vượt qua là không hề nhỏ, nhất là sự tồn tại mê cung pháp lý của các nước thành viên hay quá trình hồi phục thất thường sau khủng hoảng kinh tế của một số nước làm ảnh hưởng đến cả khu vực.
Trong khi đó, Mỹ lại có những cơ chế rất nhanh nhạy và linh hoạt để khuyến khích startup, ví dụ như Đạo luật JOBS giúp giảm bớt các rào cản đối với các công ty muốn niêm yết trên sàn chứng khoán. Các nhà làm luật châu Âu có tham vọng làm điều tương tự lại đang lạc trong mê cung của chính mình.
Hùng Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.