Đầu tuần này, Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ chính thức chấp thuận nộp phạt gần 2,6 tỷ USD do trong nhiều năm đã cho phép hàng ngàn công dân Mỹ trốn thuế (thông qua việc bí mật gửi tiền tại ngân hàng này).

Brady DouganĐầu tuần này, Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ chính thức chấp thuận nộp phạt gần 2,6 tỷ USD do trong nhiều năm đã cho phép hàng ngàn công dân Mỹ trốn thuế (thông qua việc bí mật gửi tiền tại ngân hàng này).

Được biết, trong tổng số gần 2,6 tỷ USD mà Credit Suisse phải nộp phạt, có 1,8 tỷ USD tiền phạt, tiền bồi thường nộp Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Thuế Mỹ (IRS); 715 triệu USD nộp phạt cho Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính của TP. New York - nơi ngân hàng được cấp phép đầu tiên và 100 triệu USD nộp cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Thông cáo ngày 19/5 của Bộ Tư pháp Mỹ cũng nêu rõ, trong nhiều năm qua, hàng trăm nhân viên, trong đó có cả nhân viên cấp quản lý của Credit Suisse đã cố tình tham gia hành vi gian lận này. Hiện có 8 nhân viên của Credit Suisse đã bị kết tội, trong đó hai người là Andreas Bachmann và Josef Dorig (đều mang quốc tịch Thụy Sỹ) đã thừa nhận hành vi phạm pháp trên và sẽ ra toà tại Mỹ trong tháng 8 tới. 6 nhân viên còn lại đang lẩn trốn ở Thụy Sỹ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Eric H. Holder Jr. khẳng định: “Không tổ chức tài chính - tín dụng nào có thể đứng trên pháp luật, cho dù quy mô hay ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu có lớn đến đâu đi chăng nữa. Chúng tôi không bao giờ ngần ngại phạt thẳng cánh bất cứ công ty hay cá nhân nào vi phạm pháp luật”.

Bộ Tư pháp Mỹ coi đây là một thắng lợi lớn trong nỗ lực chống các hành vi trốn thuế, song còn muốn đi xa hơn nữa, khi yêu cầu Credit Suisse cung cấp đầy đủ danh tính những công dân Mỹ trốn thuế. Song đến đây, thì Chính phủ Mỹ và Chính phủ Thụy Sỹ vấp phải rào cản lớn, đó là luật pháp của Thụy Sỹ đã cấm ngân hàng nước này không được tiết lộ danh tính khách hàng (mang quốc tịch Thụy Sỹ hoặc nước ngoài).

Theo nhiều nguồn tin, vị lãnh đạo chóp bu của Credit Suisse là ông Brady Dougan, Giám đốc điều hành (CEO) đang đứng trước nguy cơ mất chức.

Ông Brady Dougan, 54 tuổi, quốc tịch Mỹ thừa nhận đã để xảy ra những sự cố đáng tiếc trên, nhưng khẳng định sẽ không từ chức.

Đối tượng muốn ông Brady Dougan ra đi ngay lập tức là một số cổ đông của Credit Suisse. Đã từ lâu họ không muốn CEO Mỹ lãnh đạo một ngân hàng Thụy Sỹ, hơn nữa, ông Brady Dougan lại không nói được tiếng Đức hay Pháp, vốn là 2 trong số 3 ngôn ngữ chính ở Thụy Sỹ. Vì thế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Credit Suisse, Brady Dougan chỉ phát biểu bằng tiếng Anh, nên không ít cổ đông của ngân hàng (chỉ biết tiếng Đức hoặc Pháp) chưa hài lòng, thậm chí là khó chịu. Nhân dịp này, họ muốn Credit Suisse thay quách CEO ngoại này cho xong.

Tiếp đến, một số chính khách, nhà lập pháp Thụy Sỹ cũng không ưa ông Brady Dougan. Ban lãnh đạo Credit Suisse đang yêu cầu các nhà lập pháp Thụy Sỹ bổ sung điều khoản cho phép tiết lộ danh tính các khách hàng gửi tiền tại ngân hàng (hiện luật pháp Thụy Sỹ cấm làm điều này). Theo một số nguồn tin, các nhà lập pháp Thụy Sỹ đang xem xét đến phương án trên, song với điều kiện CEO Brady Dougan phải ra đi. Hơn nữa, ngay trong Ban lãnh đạo Credit Suisse cũng có ý kiến đề nghị phế truất ông. Họ vin vào thực tế rằng, trong 3 năm qua, đã có 2 trường hợp CEO bị mất chức vì “phốt” tương tự.

Cụ thể, tháng 9/2011, ông Oswald Grübel, CEO UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ đã mất chức sau khi để nhân viên dưới quyền (có tên là Kweku Adoboli làm việc tại Chi nhánh UBS tại London, Anh) thực hiện nhiều giao dịch bất hợp pháp trong một thời gian dài khiến UBS thua lỗ tới 2,3 tỷ USD. Tiếp đó, tháng 7/2012, ông Bob Diamond, CEO Ngân hàng Barclays (Anh) cũng bị mất ghế, sau vụ bê bối liên quan đến việc thao túng trái luật tỷ giá lãi suất liên ngân hàng London (LIBOR). Thế thì nay có thể đến lượt ông Brady Dougan. Tuy nhiên, cũng có không ít người, kể cả trong Ban lãnh đạo Credit Suisse ủng hộ ông với những lý do sau.

Thứ nhất, do ông đã có gần 25 năm gắn bó với Credit Suisse (từ năm 1990), trong đó có gần 7 năm trên cương vị CEO. Ngân hàng luôn làm ăn tốt, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008 - 2009), phần lớn nhờ vào tài chèo chống của ông.

Thứ hai, cổ phiếu của Credit Suisse hầu như chẳng suy chuyển gì bởi vụ bê bối này.

Thứ ba, hiện cũng không dễ tìm được một CEO vừa giỏi, vừa sống biết điều như ông. Dù có thu nhập hàng triệu USD mỗi năm, song ông vẫn chỉ đi chiếc xe Toyota Prius rất đỗi bình thường, chứ không phải các thương hiệu xe sang như Mercedes Benz; BMW, Porsche… cho tương xứng với đẳng cấp CEO ngân hàng.

Thêm vào đó, Credit Suisse cũng không phải ngân hàng duy nhất bị cơ quan chức năng Mỹ “sờ gáy”. Hiện còn hơn 10 ngân hàng Thụy Sỹ khác cũng bị điều tra vì nghi giúp những người giàu Mỹ trốn thuế.

Trung Hiếu (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.