Cá nhân, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghiệp hỗ trợ sẽ được quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ cung cấp vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Nghe qua thì rất vui, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết họ cần chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn cần tiền, đó là chưa kể nếu quản lý quỹ không khéo sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, cơ chế xin - cho.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ cần chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn cần tiền.

Khi đọc dự thảo về nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp công nghiệp (Imeco) tại TPHCM, không khỏi băn khoăn: “Trước giờ chính sách ban đầu đề ra thì tốt nhưng khi triển khai thực hiện thường bị trục trặc, lần này nghe nói lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ nghe rất vui nhưng không biết mai này triển khai ra sao”.

Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, ông Hải cho biết TPHCM vẫn còn nhiều doanh nghiệp cơ khí có quy mô nhỏ và vừa sản xuất theo kiểu để “mưu sinh” chứ khó phát triển mạnh, mở rộng nhà xưởng cũng bởi họ khó có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Vì vậy, ông Hải cho rằng việc thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và đúng thời điểm.

Có tiền xài sao cho khéo

Theo dự thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công Thương soạn thảo và dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2014 này, quỹ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ được thành lập và được ngân sách nhà nước cấp 2.000 tỉ đồng trong ba năm đầu (kể từ khi nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành), hai năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỉ đồng, năm thứ ba cấp 1.000 tỉ đồng.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc Bộ Công Thương, hiện nay trên cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su.

Bình luận về động thái của các chủ doanh nghiệp trước thông tin thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sắp tới, bà Bình cho rằng đối với nhóm doanh nghiệp nội địa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ sẽ “hồ hởi” vì hy vọng sẽ được tiếp cận nguồn vốn quỹ này.

Còn nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất linh kiện phụ tùng tại Việt Nam lại rất quan tâm tới việc sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, những ưu đãi liên quan đến thuế được nêu tại dự thảo nghị định này chứ không mấy mặn mà với chuyện có quỹ hay không có quỹ.

Theo phân tích của đại diện một doanh nghiệp dệt may tại TPHCM, nguồn tiền từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp lần này có thể được dùng cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chi phí vé máy bay đi xúc tiến thương mại tại hội chợ ở nước ngoài, mở các chương trình đào tạo và kết nối nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật,... chứ không hỗ trợ trực tiếp vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Vị đại diện doanh nghiệp này làm một phép tính đơn giản, nếu chia bình quân số tiền 2.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ thì khoản tiền này là quá bé so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Chưa kể nếu hỗ trợ tiền trực tiếp cho hoạt động sản xuất, chẳng hạn hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, da giày thì sẽ “dính” ngay đến các vụ kiện chống trợ cấp trong tương lai.

Thành lập quỹ hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ là một chuyện, nhưng sử dụng nguồn quỹ này ra sao, rót vốn trực tiếp cho nhóm ngành nào, gián tiếp cho nhóm ngành nào để vừa tránh việc bị kiện chống trợ cấp, vừa giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn, yếu kém đòi hỏi các nhà làm chính sách phải cân nhắc, tính toán các bước đi phù hợp.

Thực tế hơn, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), chia sẻ tâm trạng của hầu hết doanh nghiệp dệt may lúc này là cần một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nguyên phụ liệu hơn là cần tiền từ một nguồn quỹ nào đó.

Ông Hùng cũng bày tỏ băn khoăn về cơ chế quản lý quỹ, phải có người quản lý và bộ phận xét cho doanh nghiệp vay. Nếu quản lý không khéo việc lập quỹ có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi, nảy sinh cơ chế xin - cho, nảy sinh tiêu cực khi doanh nghiệp nộp đơn tiếp cận vốn từ quỹ.

Những chính sách được mong đợi

Theo Bộ Công Thương, lâu nay việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thời gian thu hồi vốn dài, có độ rủi ro khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn rất kém một phần cũng vì không có đủ tiềm lực tài chính.

Sự yếu kém trong năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng buộc các doanh nghiệp sản xuất chính tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài và đây chính là nguyên nhân gây nhập siêu trong sản xuất công nghiệp nhiều năm qua. Đơn cử như năm 2013, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm điện tử, linh kiện, kim loại, dệt may và da giày của Việt Nam là 53,1 tỉ đô la Mỹ, sang năm 2014 con số này lên đến 67,6 tỉ đô la Mỹ và có thể lên 70 tỉ đô la Mỹ trong vài năm tới.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài việc sẽ thành lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ, dự thảo nghị định còn nêu ra hàng loạt giải pháp như: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được, tài liệu, sách báo khoa học.

Ngoài ra, doanh nghiệp/dự án công nghiệp hỗ trợ còn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa chín năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp hỗ trợ, các dự án đầu tư mới sản xuất cụm chi tiết theo danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển, sẽ được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi như mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại cụm này.

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.