Sau một thời gian bùng nổ mạnh mẽ, thương vụ Nguyễn Kim và hàng loạt chuỗi bán lẻ khác của Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại đã hé lộ tương lai của ngành bán lẻ điện máy sắp tới với sự thống trị của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư Thái Lan, Central Group đã gây xôn xao thị trường điện máy Việt Nam khi mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu 100% cổ phần Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim. Động thái này cho thấy bước thoái trào của nhà bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam, Nguyễn Kim.

Sự thoái trào của Nguyễn Kim

Trong năm 2010, Nguyễn Kim chiếm 27% thị phần bán lẻ điện máy trong nước, đứng đầu thị trường và liên tục phình to. Suốt ba năm, từ năm 2010 - 2012, công ty này mở liên tục 18 trung tâm điện máy mới. Doanh thu năm 2011 của Nguyễn Kim cũng rất khả quan, đạt 400 triệu USD, tăng trưởng 30% so với năm 2010. Từ đây, Nguyễn Kim hướng đến tham vọng doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2015, đồng nghĩa với việc duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 30 - 50%/năm. Tuy nhiên, thị trường diễn biến ngược với kỳ vọng, buộc Nguyễn Kim phải tính đến bài toán khác.

Trong năm 2012, nhiều “ông lớn” trong ngành siêu thị điện máy lao đao và phải đóng cửa. Cái tên đáng chú ý nhất của thị trường Hà Nội là Best Carings lặng lẽ rút khỏi thị trường sau vài năm tiến ra miền Bắc. Trước đó, sự thất bại của cách kinh doanh bài bản “bán hàng kiểu Mỹ” đã khiến hệ thống siêu thị WonderBuy phá sản vào năm 2011. Đứng trong bối cảnh này, dù vẫn may mắn có lãi nhưng Nguyễn Kim hầu như không tăng được lợi nhuận. So với năm 2011, doanh thu năm 2014 của Nguyễn Kim đạt trên 8.400 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30%. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ nhỉnh hơn mức cũ không nhiều. Từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Kim cũng không mở được cửa hàng mới nào phục vụ cho tham vọng bành trướng như dự tính. Dường như dự báo được sự khó khăn của thị trường sau khi WonderBuy phá sản năm 2011, Nguyễn Kim tìm con đường tăng trưởng khác trong năm 2012. Tổng cộng, nhà bán lẻ điện máy này đã rầm rộ khai trương năm siêu thị Thế giới số 24G. Vài tháng sau, do tình hình không có tiến triển, Nguyễn Kim đã đóng cửa cả năm siêu thị và quay về mảng điện tử gia dụng quen thuộc.

Để xoay xở trong khó khăn, nhà kinh doanh này cũng tính toán chiến lược đầu tư vào ngành nông nghiệp và dược phẩm. Nguyễn Kim đã rót khoảng 500 tỷ đồng vào các công ty Docimexco, Angimex, Dược Lâm Đồng… Các khoản đầu tư mới cũng không giúp Nguyễn Kim tăng trưởng như mong muốn. Đơn cử như công ty Docimexco, lên sàn ba năm thì lỗ ròng cả ba năm và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Như vậy, sau một thời gian dài vùng vẫy trong bối cảnh ảm đạm của thị trường điện máy, Nguyễn Kim đứng trước lựa chọn sinh tử. Họ quyết định bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cần lưu ý rằng, tỷ lệ 49% mà nhà đầu tư Thái Lan mua từ Nguyễn Kim chưa hẳn là con số cuối cùng. Nếu vẫn nắm quyền chi phối thì việc bán cổ phần lúc này không giúp Nguyễn Kim thoát khỏi cơn bão khó khăn đang chờ ập đến. Bởi vậy, nghi vấn nhà đầu tư Central Group sẽ nắm cổ phần chi phối tại Nguyễn Kim không phải là không có cơ sở.

Tương lai nào cho Nguyễn Kim?

Bước lùi của Nguyễn Kim có nguyên nhân chính là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Nhưng mô hình kinh doanh nặng nề với tỷ suất lợi nhuận thấp, đã khiến Nguyễn Kim không thể trụ vững trước làn sóng cạnh tranh ồ ạt từ các nhà đầu tư nước ngoài. Những đối thủ này có tiềm lực tài chính rất mạnh, có thể chấp nhận lỗ trong một thời gian, lại có mô hình kinh doanh và quản trị tiên tiến nên có nhiều lợi thế cạnh tranh lớn.

Do là ngành dịch vụ, nên tỷ suất lợi nhuận của bán lẻ điện máy chỉ ở mức 5%. Muốn tăng lợi nhuận, các nhà kinh doanh phải mở rộng hệ thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn, sức mua của người dân suy giảm nhiều, mô hình siêu thị điện máy có vốn đầu tư lớn, khoảng 1-2 triệu USD mỗi siêu thị, Nguyễn Kim phải tạm dừng kế hoạch mở rộng. Chưa mở rộng tiếp cũng không sao, vì với vị thế “anh cả” thị trường, Nguyễn Kim vẫn có lãi đều đặn. Nhưng hai năm gần đây, các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam, đẩy áp lực cạnh tranh mang tính sống còn lên cao. Các mô hình đại siêu thị của Aeon (Nhật Bản) hay thương mại điện tử mang đến sự tiện lợi hơn so với Nguyễn Kim. Ngoài sự tiện lợi, các mô hình mới còn giành được lợi thế về chi phí. Nỗi lo đến từ hai phía - đối tác ngoại và đối thủ nội. Trước tình cảnh này, Nguyễn Kim không còn đường khác ngoài lựa chọn bán cổ phần.

Sau khi mua cổ phần, Central Group đã cử người vào nắm giữ chức vụ tổng giám đốc tại Nguyễn Kim. Bước đi này cho thấy vị thế có sức nặng của nhà đầu tư Thái Lan. Cơ cấu sở hữu sẽ thay đổi, nhưng cơ cấu kinh doanh chắc chắn không thay đổi nhiều dù mục tiêu đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam qua Nguyễn Kim có thể thấy rõ.

Với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, một doanh nghiệp Thái Lan đã mua Family Mart và đổi tên thành B’Mart với kế hoạch đưa hàng Thái vào chiếm 70% hàng hóa trong hệ thống siêu thị này. Tuy nhiên, hàng điện máy của Thái, vị thế của Central Group và các doanh nghiệp Thái nói chung chưa có chỗ đứng nhất định tại thị trường Việt Nam. Và nếu có cạnh tranh, hàng điện máy Thái cũng rất khó giành thị phần với những “ông lớn” đã có vị thế vững chắc đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hàng gia dụng Thái đã thâm nhập thành công vào thị trường Việt Nam vài năm nay thông qua các hội chợ hàng Thái, hay chợ truyền thống. Đây là những mặt hàng có giá trị không cao so với thu nhập người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với hàng điện máy có giá trị cao, vốn được người Việt xác định là tài sản, mua hàng Thái hay hàng của Nhật hoặc Hàn Quốc… lại là lựa chọn khó. “Bởi vậy, Central Group chỉ có thể kỳ vọng chắc chắn vào hiệu quả kinh doanh sau khi mua Nguyễn Kim, hơn là cạnh tranh ở sản phẩm điện máy Thái”, ông Robert Trần, Tổng giám đốc Khu vực châu Á, Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada), nhận xét.

Lép vế trước nhà đầu tư ngoại

Hàng loạt siêu thị điện máy Việt Nam đã chết yểu trong mấy năm qua. Hãy điểm lại một vài sự sụp đổ. Năm 2011, WonderBuy phá sản. Năm 2012 đến lượt Best Carings. HomeOne và Việt Long cũng đóng cửa trong hai năm sau đó. Mới đây, sau khi Nguyễn Kim bán cổ phần, TopCare cũng lâm vào tình cảnh bi đát và phải dừng hoạt động với nhiều nghi vấn. Dễ thấy rằng, ngoài yếu tố khó lường là sức cầu giảm đột ngột do suy thoái kinh tế, sự cạnh tranh liều lĩnh của các siêu thị điện máy cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình cảnh hôm nay. Tất cả đều đua nhau mở thêm điểm bán để giành thị phần. Trong khi đó, phần lớn đều thuộc dạng “tay không bắt giặc”. Một chuyên gia phân tích trong ngành chia sẻ, phần lớn họ không có nhiều vốn. “Họ lấy hạ tầng và hàng hóa trong siêu thị, thứ không phải của mình, để thế chấp vay vốn ngân hàng. Khi khó khăn ập đến thì không thể cứu vãn được nữa”, vị này nói. Khi thâm nhập thị trường Việt Nam, các “ông lớn” đều xác định chấp nhận chịu lỗ từ 3-5 năm vì họ có vốn rất lớn. Đây cũng là yếu tố lý giải cho việc bán cổ phần của Nguyễn Kim là khá khôn ngoan trong thời điểm này.

Theo ông Đỗ Hòa - Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị, lợi thế của doanh nghiệp quốc tế là có nguồn hàng chính hãng với chi phí cạnh tranh hơn doanh nghiệp Việt. “Do họ lấy số lượng lớn. Ngoài ra, họ có thể gây ảnh hưởng lên nhà cung cấp nếu muốn cạnh tranh với các đối thủ nhỏ hơn, dựa trên lượng hàng rất lớn mà họ mua thường xuyên”, ông Hòa nói. Trong bối cảnh này, các siêu thị điện máy sắp tới sẽ phải bán cho nhà đầu tư ngoại hoặc phải đóng cửa. Riêng các chuỗi siêu thị khác cũng phải co hẹp hoạt động, tập trung vào sản phẩm lợi thế như hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng nông nghiệp.

Tương lai ngành siêu thị điện máy Việt Nam có lẽ đã được quyết định từ bây giờ, nhìn từ thương vụ Nguyễn Kim – Central Group.

Giản Phúc (Doanh nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.