Mười năm xây dựng chuỗi nhà hàng gói và cuốn mang thương hiệu Wrap & Roll, có thời điểm khó khăn đến mức phải thu hẹp hệ thống nhưng với nhà sáng lập Nguyễn Thị Kim Oanh, điều quan trọng là phải biết nhìn cuộc sống một cách tích cực mỗi ngày.
Tháng 7 vừa rồi, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) do Mekong Capital quản lý đã công bố khoản đầu tư 6,9 triệu USD vào Công ty CP Nhà hàng Wrap & Roll - đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng Wrap & Roll.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên của MEF III. Trong bối cảnh mà mô hình kinh doanh chuỗi ẩm thực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, với nhiều chuỗi mới được hình thành và không ít chuỗi đã rời thị trường, hoặc bị các quỹ tài chính "cắt viện trợ" thì việc Wrap & Roll kêu gọi được 6,9 triệu USD từ một trong những tổ chức uy tín như Mekong Capital được xem là thành công.
* Quá trình gọi vốn đầu tư từ Mekong Capital được chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
- Trước tiên, đội ngũ của chúng tôi phải tìm hiểu cách hoạt động, cách tổ chức của quỹ đầu tư cũng như cách nhìn nhận, chọn lựa của họ đối với doanh nghiệp. Song song đó, chúng tôi tìm hiểu và trao đổi với bạn bè trong giới đầu tư để lập phương thức kinh doanh một cách bài bản ngay từ đầu để không phải đặt mình vào thế bị động, chờ họ tới mới tiến hành thay đổi quy trình hoạt động.
Do ngay từ đầu chiến lược kinh doanh của Công ty là xây dựng chuỗi ẩm thực nên mọi việc không dừng lại ở Wrap & Roll. Nền tảng cốt lõi mà Công ty hướng đến vẫn là cơ cấu tổ chức bài bản, có những hoạch định về tài chính lẫn chiến lược về mặt thương hiệu.
* Năm 2012, Wrap & Roll phải thu hẹp chuỗi do những khó khăn về thị trường. Hiệu quả từ việc tái cấu trúc chuỗi đến nay ra sao?
- Khó khăn thời điểm đó cũng là cơ hội. Từ lúc Wrap & Roll khai trương, chúng tôi đi theo hai xu hướng nên lựa chọn mặt bằng cũng dựa trên quyết định này.
Thứ nhất là mặt bằng tọa lạc tại những vị trí đắc địa trong khu vực trung tâm các thành phố lớn hoặc quầy hàng thuộc khu vực Food-court (khu ẩm thực) của các trung tâm thương mại (TTTM). Trong quá trình hoạt động, tôi nhận thấy có những mặt bằng, những vị trí mình chọn chưa phù hợp và nếu cùng lúc đi song song hai mô hình sẽ làm yếu đi thế cạnh tranh của chuỗi, đồng thời khiến đội ngũ nhân sự bị phân tán.
Tuy thế, lựa chọn đầu tiên này phù hợp với giai đoạn 2007 - 2008, thời điểm nhiều TTTM có mô hình Food-court ra đời. Cho nên việc có mặt Wrap & Roll tại những khu vực này tạo điều kiện cho thương hiệu được biết đến nhanh hơn, rộng hơn.
Thứ hai, đến giai đoạn xu hướng Food-court dần bão hòa cũng là lúc chúng tôi đánh giá lại hiệu quả về mặt nhận biết thương hiệu và khách hàng chưa đạt như mong muốn, nên năm 2012 quyết định đóng những quầy hàng không hiệu quả tại Food-court , thậm chí những cửa hàng có hiệu quả cũng đóng đề dồn lực cho nhà hàng đơn lẻ và chuẩn bị kêu gọi vốn đầu tư. Hiện nay, ở TTTM, Wrap & Roll vẫn có mặt nhưng dưới mô hình nhà hàng, không nằm trong Food-court nhỏ lẻ, sử dụng dịch vụ chung.
* Thời điểm 2012 cũng là lúc nhiều thương hiệu ẩm thực nước ngoài phát triển theo dạng chuỗi thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Điều này gây áp lực thế nào cho việc kinh doanh của Công ty?
- Cạnh tranh buộc doanh nghiệp bình tĩnh nhìn lại để chọn hướng đi phù hợp. Về phía Wrap & Roll, chúng tôi không đầu tư theo kiểu trải rộng nữa mà nhìn lại giá trị cốt lõi, đánh giá lại thương hiệu, đội ngũ để có sự thay đổi đúng lúc.
Với suy nghĩ mang tính trực quan của người làm kinh doanh cùng những nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, buộc người đứng đầu phải đưa ra quyết định: hoặc đi chậm lại để thương hiệu tồn tại hoặc là chia tay với thị trường. Vào thời điểm 2012, từ 12 nhà hàng, quầy hàng, Wrap & Roll đã giảm còn 6. Đến cuối năm 2015, Mekong Capital tham gia thương lượng thì 6 nhà hàng của chúng tôi hoạt động tốt và có lợi nhuận.
Gần 7 tháng Mekong Capital đầu tư vào, chúng tôi tiếp tục rà soát tính hiệu quả của chuỗi, song song với việc đóng tiếp hai cửa hàng cũ, chúng tôi cũng mở thêm bốn nhà hàng mới, nâng tổng số cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM lên con số 10, đồng thời thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu và triển khai xây dựng xưởng sản xuất với vốn đầu tư hơn nửa triệu đô la Mỹ (dự kiến hoàn thành vào 2017) để đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cửa hàng trong nước lẫn nhượng quyền.
Trước mắt, trong năm nay, chúng tôi không đặt trọng tâm nhân rộng chuỗi mà hướng đến đầu tư cơ sở vật chất, tạo sự đồng nhất về thương hiệu, chất lượng dịch vụ và món ăn, tức chú trọng theo chiều sâu hơn. Việc thay đổi nhận diện thương hiệu lúc này vừa nhắm đến mục tiêu mở rộng khách hàng lẫn tạo ý nghĩ mới mẻ trong nhóm khách hàng cũ về thương hiệu, vốn đã tồn tại hơn 10 năm.
* Theo bà, trong 10 năm qua tỷ suất lợi nhuận của kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực nói chung và Wrap & Roll nói riêng có những biến động như thế nào?
- Lợi nhuận kinh doanh nhà hàng có tăng nhưng sự cạnh tranh ngày càng lớn nên sự lựa chọn của khách hàng cũng không mang tính tập trung cao. Những công ty phát triển chuỗi nhà hàng thì cơ hội nhiều hơn vì dễ dàng đàm phán nguyên vật liệu đầu vào với đối tác và việc sử dụng nhân sự cũng linh hoạt hơn. Thậm chí là chọn lựa về mặt bằng cũng được ưu đãi hơn.
Nhưng để phát triển một chuỗi ẩm thực thành công thì phải có nhân sự giỏi để điều hành. Ngay như Wrap & Roll, ở thời điểm 2012, có nhà hàng lợi nhuận cao, có nơi lỗ do trong quá trình vận hành, bản thân tôi có những quyết định chưa sát với thực tế. Tôi xem đây là bài học kinh nghiệm để điều chỉnh kinh doanh. Còn riêng thời điểm này, lợi nhuận của Wrap & Roll không cao vì đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư cho kế hoạch mới, dài hơi đến 2020.
* Được biết, Wrap & Roll đã nhượng quyền thương hiệu ở Singapore. Có phải có sự thay đổi về chiến lược trong giai đoạn mới?
- Có hai việc liên quan đến nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài. Trước hết là nhân viên phải làm việc chuyên nghiệp và có khả năng đàm phán tốt vì đối tác chọn mình không chỉ để mở một nhà hàng mà là một chuỗi. Hai là cơ sở vật chất, quy trình vận hành phải có quy chuẩn và hàng hóa xuất khẩu phải luôn đảm bảo chuẩn mực.
Từ năm 2013, thời điểm chính thức nhượng quyền, chúng tôi vẫn rất thận trọng để tránh trường hợp mở ra rồi đóng nên sự thành công ở thị trưởng Singapore là nền tảng tốt để mình chuẩn bị vững vàng cho năm 2017, thời điểm nở rộ về nhượng quyền Wrap & Roll.
Việc đi chậm mà chắc là cần thiết vì thị trường Singapore rất cạnh tranh, thói quen ăn ngoài của họ đến 90%. Đấy là mảnh đất màu mỡ mà thương hiệu nào cũng muốn nhảy vào nên không thể hời hợt. Theo dự định, cuối năm nay và đầu năm sau, chúng tôi sẽ phát triển thêm ba mô hình ẩm thực mới nhắm đến người trẻ.
* Mô hình kinh doanh nhượng quyền trong lĩnh vực F&B được đánh giá đã bão hòa. Tại Việt Nam, nhiều chuỗi thu hẹp cửa hàng và một số thì đi chậm lại so với dự kiến ban đầu. Việc mang ba mô hình mới vào thị trường thời điểm này liệu có quá mạo hiểm?
- Việc thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào việc chọn khu vực, mô hình ẩm thực và đối tượng khách hàng. Có thể fastfood (thức ăn nhanh) đang bão hòa nhưng trong lĩnh vực F&B và với một thị trường mới nổi, có dân số trẻ như Việt Nam thì doanh nghiệp vẫn còn nhiều lựa chọn khác, không nhất thiết phải là fastfood.
Hơn nữa, việc mua nhượng quyền thương hiệu từ các tên tuổi ngoại không đơn thuần là tăng doanh thu, lợi nhuận, quy mô mà còn có thể tạo ra những trải nghiệm quý giá cho đội ngũ học hỏi. Con đường kinh doanh rất dài, muốn doanh nghiệp trường tồn, phải không ngừng học hỏi.
Về phía mình, chúng tôi vẫn ưu tiên ẩm thực Việt Nam. Muốn đi xa phải nhìn thấy những gì đang diễn ra xung quanh. Để ẩm thực Việt Nam phát triển thành chuỗi thành công trong nước lẫn thị trường nước ngoài thì ít nhất phải có phương thức chuẩn mực. Những thương hiệu ngoại với bề dày hàng trăm năm là kho kinh nghiệm để doanh nghiệp trẻ như chúng tôi học hỏi.
* Trước đây Wrap & Roll có đề cập nhượng quyền thương hiệu sang Úc nhưng có vẻ sau đó thương vụ này không được nhắc đến nữa?
- Chúng tôi đã tiến hành với đối tác ở Úc theo phương thức single unit franchise (nhượng quyền thương hiệu riêng lẻ) vào năm 2011, trước thời điểm nhượng quyền sang Singapore. Thị trường Úc vô cùng khó, khó về chuẩn nhập khẩu nguyên vật liệu, thêm nữa, việc lựa chọn franchisee (bên nhận nhượng quyền) cũng rất quan trọng.
Thành công hay thất bại của một chuỗi nhà hàng nhượng quyền phụ thuộc vào cách quản trị, khả năng điều hành và cả thái độ cởi mở, chịu học hỏi của người nhận nhượng quyền để có những thay đổi phù hợp với thực tế. Thương vụ "xuất ngoại" đầu tiên này không thành công như mong muốn nhưng với tôi, mọi thành công và thất bại trong chặng đường kinh doanh đều là những trải nghiệm quý giá.
* Trong quá khứ, bà có quyết định sai nào ảnh hưởng đến Wrap & Roll?
- Đã là lãnh đạo doanh nghiệp thì phải ra quyết định, sẽ có những quyết định đúng nhưng cũng có quyết định sai, nhưng với tôi, cái sai phải nhanh chóng được khắc phục và quan trọng là tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến thương hiệu vì thương hiệu là "con đẻ” của người chủ. Quyết định sai tác động đến thương hiệu là khủng hoảng trầm trọng nhất, để lấy lại hình ảnh là cả một hành trình lội ngược dòng vô cùng khó khăn.
* Bà từng đăng quang tại cuộc thi Hoa khôi thể thao (năm 1993), tại sao lại chọn kinh doanh?
- Không ít người trong giới chuyên môn thắc mắc tại sao tôi chưa sử dụng facebook cá nhân hoặc tham gia vào showbiz để "đánh bóng" cho Wrap & Roll. Mỗi người đều có sự lựa chọn và đã là lựa chọn thì đều có được và mất. Tôi chọn cách làm việc tập trung. Điều đấy cho tôi những món quà thú vị và đến thời điểm này, tôi thấy mình lựa chọn đúng.
* Món quà thú vị bà đề cập đến là gì?
- Đó là sự nhìn nhận của anh chị em đồng nghiệp trong giới kinh doanh, gia đình, bạn bè. Bởi một phụ nữ đi ra từ những cuộc thi sắc đẹp như tôi phần nào cũng gặp phải thành kiến, đại loại như nhờ danh hiệu mà thành công. Nổi tiếng đôi khi tạo cho con người rất nhiều áp lực mà ngay cả bản thân họ cũng không ngờ đến.
Hơn mười năm qua, món quà tinh thần mà tôi có được là nhiều người nhìn nhận tôi làm kinh doanh thật sự. Để xây dựng một công ty từ 30 lên 400 con người, với sự thay đổi lớn về nguồn vốn, có sự tham gia của quỹ đầu tư tài chính ngoại, thì kinh doanh phải thật rành mạch.
* Những lúc khó khăn như năm 2012, bà có nghĩ sẽ từ bỏ kinh doanh nhà hàng và quay về điều hành công việc kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, giải trí cùng gia đình?
- Chưa! Chưa bao giờ! Làm kinh doanh có đôi lúc khó khăn, nhưng tôi lại thích "sự can trường". Chính điều này sẽ giúp người điều hành đủ kiên nhẫn và tự tin để bước qua những khó khăn.
* Để một chuỗi ẩm thực sống lâu, theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
- Trước hết ý tưởng kinh doanh phải độc đáo, đúng xu hướng tiêu dùng và phải có giá trị cốt lõi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người đầu tàu, người đầu tàu còn vững thì mọi thứ vững. Người đầu tàu tỉnh táo thì sẽ có đội ngũ nhân sự nòng cốt. Vốn, ý tưởng, phương thức điều hành, cạnh tranh bắt nguồn từ mỗi người trong đội ngũ hoặc cao hơn là quyết định của lãnh đạo công ty. Cái thú vị nhất của lãnh đạo là tạo ra quyết định, nó có thể đúng hoặc sai nhưng nó không bao giờ là sự phí phạm về mặt tư duy.
* Trong cuộc sống, điều gì quan trọng nhất với bà?
- Đó là làm thế nào để mỗi ngày cuộc sống diễn ra tích cực. Khi có nhìn nhận tích cực thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, giúp làm chủ những cung bậc cảm xúc, những quyết định và tạo ra năng lượng bước tiếp mỗi ngày.
* Cám ơn bà về những chia sẻ thú vị.
Nguyên Bảo - Hải Âu (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bà chủ Wrap & Roll: Nhìn cuộc sống tích cực mỗi ngày

    Bà chủ Wrap & Roll: Nhìn cuộc sống tích cực mỗi ngày

    17/11/2016 11:17 AM

    Mười năm xây dựng chuỗi nhà hàng gói và cuốn mang thương hiệu Wrap & Roll, có thời điểm khó khăn đến mức phải thu hẹp hệ thống nhưng với nhà sáng lập Nguyễn Thị Kim Oanh, điều quan trọng là phải biết nhìn cuộc sống một cách tích cực mỗi ngày.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.