Tin mấy ngày qua trên mạng đồn rằng ông Trương Đình Anh - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT - bị HĐQT “trảm” đang khiến dư luận tò mò. Câu chuyện này thực hư thế nào?

Ông Trương Đình Anh được đánh giá là một nhà lãnh đạo cứng rắn.

Sự thật thì ông Trương Đình Anh (TĐA), từ khi còn ở FPT Telecom hay lúc đã trở thành CEO FPT đã “trảm tướng” nhiều lần. Những “tướng” bị ông “trảm” ấy, giờ nghe đồn thế chắc không khỏi hả dạ.

Mà cũng không chừng, chính họ là người tung tin nhân lúc Trương Đình Anh mệt mỏi với kết quả kinh doanh tại FPT phải xin nghỉ phép hai tháng (8 và 9.2012) giao việc điều hành lại cho “phó tướng” Chu Thanh Hà.

Nốt giáng
Tuy nhiên trong công văn gửi thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ngày 14.8, FPT cho biết ông TĐA nghỉ phép để “giải quyết công việc gia đình và các vấn đề sức khỏe cá nhân”. Dù với lí do gì, thì khoảng nghỉ phép kéo dài đến hai tháng cũng là nốt giáng trong cuộc đời đã có quá nhiều nốt thăng của TĐA.

Năm 2011, vào lúc chiều tối ngày 23.2, khi bộ phận truyền thông của FPT gửi TCBC về việc HĐQT bổ nhiệm ông Trương Đình Anh làm CEO, sau khi CEO trước đó là ông Nguyễn Thành Nam xin rút khỏi vị trí này, mọi sự chú ý của truyền thông khi ấy không đọng lại ở vấn đề ông Nam thôi chức, mà là chuyện ông TĐA lên chức.

Sự thật thì người ta cũng đoán được ông Nam làm CEO hai năm là khoảng thời gian quá độ chờ ông TĐA cứng cáp hơn để thay thế. Hai năm ấy, ông Trương Đình Anh từ chức Chủ tịch FPT telecom thăng lên làm Giám đốc FPT TPHCM, Ủy viên HĐQT, rồi tiến thẳng lên chức CEO ở tuổi 41, đúng khung tuổi 35-45 mà HĐQT đã “qui hoạch” cho các nhân sự mới.

Tất nhiên ông TĐA đã được đánh giá cao qua những gì ông đã làm và thành công ở FPT Telecom. Điều mà người ta khen ngợi nhất ở ông là giỏi kiếm tiền và nhìn vào chỗ nào là thấy cơ hội kiếm tiền ở chỗ ấy.

Nhưng có lẽ TĐA cũng là một CEO của một Cty lớn gặt hái được nhiều thành công và cũng “gặt hái” nhiều sự thù ghét nhất. Người ta đồn đại về việc nghỉ phép của ông là một chuyện, song những con số cũng nói lên được nhiều điều. Ông làm CEO FPT trong ba quí cuối năm 2011.

Kết quả năm này, tổng doanh thu của FPT đạt 25.978 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2010; và lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỉ đồng, tăng 24%. Giữa năm 2011 FPT có điều chỉnh kế hoạch doanh thu, nếu so với con số điều chỉnh, thì doanh thu 2011 của FPT chỉ đạt 97%.

Tuy nhiên dù sao, mức hụt về tăng trưởng so với cam kết 30% trong năm 2011 của ông TĐA cũng không quá lớn. Và người ta cho rằng cần thời gian cho ông quen với vị trí CEO tập đoàn FPT lớn thuyền lớn sóng.

Thế nhưng sang năm 2012, 6 tháng đầu năm những con số đưa lại càng bất lợi cho ông TĐA. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT đạt lần lượt là 11.465 tỉ đồng và 1.205 tỉ đồng, chỉ đạt 37% và 40% kế hoạch năm, và chưa bằng 50% của cả năm 2011.

Trong khi đó, những dòng trong TCBC khi được bổ nhiệm ông TĐA đã cam kết năm 2012 sẽ đẩy tăng trưởng của FPT lên trên 40%. Tất nhiên cổ đông của FPT không phải là những người kém lôgíc mà không gắn kết con số cam kết với con số thực hiện lại để so sánh và đánh giá.

Chấm dứt một tham vọng?
Dư luận cho rằng, có thể sau hai tháng nghỉ phép ông TĐA sẽ có quyết định mới. Nếu ông tiếp tục, thì sẽ là một thái độ mạnh mẽ hơn cho dư luận thấy rằng ông không đầu hàng dù kết quả đã không được như cam kết hay mong đợi, và sức khỏe của ông hoàn toàn đủ để theo đuổi vị trí công việc nhiều mệt mỏi.

Còn nếu ông rút khỏi vị trí, thì lí do khi ấy cũng sẽ rõ ràng hơn, và FPT cũng đã có hai tháng thử lửa với bà Chu Thanh Hà, vốn được ví là một nữ tướng giỏi “tề gia” tại FPT, vốn lại là điểm yếu cố hữu của ông TĐA.

Một người như TĐA không dễ gì chịu khuất phục hoàn cảnh và từ biệt những tham vọng của mình vì thể khoảng nghỉ hai tháng được đặt đầy dấu hỏi. Có những người từng bị ông “trảm” tại FPT rất muốn ông dừng lại và thất bại thảm hại trên chiếc “ngai” CEO để chứng minh rằng, triết lí quản trị “bá đạo” mà TĐA áp dụng và được sự hẫu thuẫn của ông chú “thái thượng hoàng” tại FPT là Trương Gia Bình đang sai lầm.

Thế nhưng biết đâu, sau hai tháng nghỉ ngơi có thể lại là một lập trình mới quyết liệt hơn? Một trong những động thái quyết liệt theo hướng này, là ông Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đã kí một quyết định vào cuối tháng 7/2012 sẽ xem xét “trảm” những lãnh đạo đơn vị do nguyên nhân chủ quan không hoàn thành trên 80% kế hoạch.

Nếu vậy, không ai khác mà ông TĐA sẽ phải bị xem xét đầu tiên. Còn nếu “trảm” lãnh đạo đơn vị mà không xem xét CEO, thì các đơn vị không phục và lòng nhân viên không yên.

Lúc này ông TĐA đang ở nước ngoài. Mọi nghi vấn về kì nghỉ phép dài ngày của ông TĐA đang đổ dồn về lí do vì tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra tại FPT. Tuy nhiên cũng có khả năng, kì nghỉ xuất phát từ vấn đề sức khỏe và chữa bệnh. Và đây sẽ tiếp tục là một đề tài sẽ được tiếp tục bàn tán sôi nổi trên mạng.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.