Khi tròn 50 tuổi, ông Nguyễn Thành Nam rời vị trí CEO FPT để toàn tâm toàn ý khởi xướng dự án đại học trực tuyến 3 không: không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa.

Trước khi "bén duyên" với giáo dục, ông Nguyễn Thành Nam được mọi người biết đến là một trong 13 công thần sáng lập Tập đoàn FPT và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp này.

Năm 2011, khi tròn 50 tuổi, ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Sau đó, ông khởi xướng dự án FUNiX, đại học trực tuyến 3 không: không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa vào năm 2013.

Người đeo đuổi những cái mới

Đặt chân đến nhiều quốc gia, chứng kiến nền giáo dục đại học đại trà khủng hoảng trên toàn thế giới vì không thể bắt kịp với thực tế đang thay đổi nhanh chóng, ông Nguyễn Thành Nam nhận ra giáo dục luôn đòi hỏi sự sáng tạo. "Việt Nam cần tìm được con đường của mình, có thể học hỏi Ấn Độ, Philippines hay Mexico..., những quốc gia đa dạng về phương thức giáo dục", ông chia sẻ.

Khi tròn 50 tuổi, ông Nguyễn Thành Nam rời vị trí CEO FPT để toàn tâm toàn ý khởi xướng dự án đại học trực tuyến

Ông Nam cho rằng, giáo dục trực tuyến là xu thế của giáo dục nói chung và đặc biệt với giáo dục đại học. Mọi ngành học đều có thể áp dụng mô hình này kể với ngành âm nhạc. Chính nhờ môi trường Internet, mọi thông tin đều rất sẵn mà điển hình như Bách khoa thư Wikipedia được hình thành do sự đóng góp công sức của chính cộng đồng người sử dụng Internet. Qua đó, mọi người đều có thể vào đọc để tự học cho mình và thậm chí bổ sung tri thức vào đó.

"Chính vì thế, bên cạnh giáo dục truyền thống, các đại học của Việt Nam nên từng bước cập nhật mô hình mới về giáo dục trực tuyến và chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Triển khai giáo dục trực tuyến, chúng ta có thể có được chất lượng đào tạo đại học ở đẳng cấp quốc tế với mức học phí của các nước đang phát triển và phù hợp với khả năng chi trả của người học", ông Nam cho hay.

Theo cựu CEO FPT, sinh viên Việt Nam cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách kết nối,... để vươn lên ngang tầm thế giới. Đây là thế hệ sẽ làm nên sự phát triển và thay đổi của đất nước, một cách học chủ động và nguồn tư liệu rộng mở sẽ giúp họ sải những bước dài đến thành công.

Từ suy nghĩ bản lĩnh đó, dự án FUNiX ra đời với mô hình không thầy giáo, không sách giáo khoa và không lớp học. Ở ngôi trường trực tuyến này, thay vì tới giảng đường, người học có thể học ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào.

Trong quá trình theo học, học viên sẽ tự học tài liệu, làm bài tập, tự đặt hỏi đáp với người hướng dẫn, tham gia các dự án, thi và làm đồ án tốt nghiệp,... Cách học này sẽ thay đổi cách suy nghĩ của thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ dần hình thành bản lĩnh khác biệt để thành công trong tương lai.

Giải thích lý do chọn hướng đi "chẳng giống ai", ông Nam khẳng định, hiện tại là thời điểm thích hợp phát triển đại học online, bởi Internet ngày nay đã phổ cập. Những công cụ giao tiếp qua mạng hiện rất tốt về mặt hình ảnh, âm thanh dù đường truyền tốc độ thấp. Nó hỗ trợ việc học trực tuyến hiệu quả, với chi phí rẻ.

Hành trình không trải hoa hồng

Với sự hậu thuẫn là công ty mẹ - Tập đoàn FPT, startup giáo dục này vẫn gặp vô vàn khó khăn. Lý do vì quá mới và lạ. Từ ý tưởng đến hiện thực hóa FUNiX là hành trình dài hơn 2 năm, trong đó, phần nhiều thời gian giậm chân tại chỗ vì những người đứng đầu chưa tìm được phương thức phù hợp.

Khi bảo vệ dự án trước tập đoàn FPT, mọi người vẫn chưa thực sự tin vào mô hình mới này. Đầu tháng 9/2015, ông tuyên bố: "FUNiX không có cố gắng làm tốt hơn mà hoàn toàn đi một con đường khác". Ngày 14/9/2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đồng ý thành lập dự án trường đại học trực tuyến này.

Khi biết cựu CEO FPT làm FUNiX, một người bạn của ông đã viết trên Facebook: "Nhà nước tốn tiền cho ông Nam đi học để về nói những điều nhảm nhí. Làm sao mấy cái video trên mạng cộng với sự dỗ dành của mấy ông thầy vừa học vừa làm, lại có thể thay thế các giảng đường và những vị giáo sư bạc đầu".

Một chuyên gia công nghệ thông tin từ Mỹ đã mail cho ban đào tạo, rằng FUNiX chẳng qua là một trò lừa đảo, và thách thức ông Nam trả lời trên diễn đàn.

Lấy được lòng tin từ cộng sự nhưng với người học, người dạy lại là bài toán khó tiếp theo. Những ngày đầu tiên xây dựng, nhiều chuyên gia uy tín không tin tưởng vào mô hình các khóa học mở và người hướng dẫn trực tiếp. Phụ huynh chưa tin tưởng vì không thầy làm sao học được? Học sinh cũng chưa hiểu, chưa quen với các học mới phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và phải hỏi.

"Tôi chấp nhận đương đầu với khó khăn, những hoài nghi, thậm chí chỉ trích vì tôi tin những gì mình theo đuổi. Làm thầy rất khó. Làm thầy khởi nghiệp sẽ khó hơn 1.000 lần vì cái bạn mất không chỉ là tiền bạc mà là cả thế hệ", người sáng lập đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam quả quyết.

Không lâu sau đó, Chủ tịch Đại học FPT Lê Trường Tùng gửi FUNiX bài báo của giáo sư Richard Muller (Đại họcU C Berkeley). Trong đó, giáo sư trình bày 15 nguyên tắc của một trường đại học tương lai - đại học Internet, một trường đại học có chất lượng Mỹ và học phí của các nước thứ ba. “Thật may mắn, 15 điểm của giáo sư Muller gần như hoàn toàn trùng với triết lý đào tạo của FUNiX. Chúng tôi tự tin là đã đi đúng đường”, ông Nam tự hào nói.

CNTT là yếu tố sống còn

Theo ông Nam, công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi to lớn trên thế giới, thay đổi cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc. Càng ngày, chúng ta càng lên mạng nhiều hơn, càng ngày chúng ta càng có nhiều bạn bè thân thiết trên mạng hơn, và càng ngày chúng ta càng học được nhiều điều trên mạng.

Công nghệ thông tin cũng đã tạo ra những trường hợp thành công kinh ngạc trong lịch sử nhân loại. Facebook đã có hơn 1 tỷ người dùng. Alibaba đã trở thành đại siêu thị của toàn thế giới. Còn Uber đang trở thành hãng vận chuyển lớn nhất thế giới mà không cần sở hữu một chiếc xe nào.

Tại Việt nam, ông Nam cho rằng công nghệ thông tin cũng mang lại cơ hội cho rất rất nhiều bạn trẻ mở mang trí thức và làm giàu cho bản thân. Hàng chục ngàn bạn trẻ đang miệt mài làm việc trong những tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Tinh Vân, BKAV, TMA,... tạo ra những ứng dụng nền tảng cho một xã hội thông minh toàn cầu như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông tối ưu, hệ thống kiểm soát điện năng,...

CNTT còn tạo cơ hội cho hàng chục ngàn bạn khác noi gương Nguyễn Hà Đông (Flappy Bird), Ngô Xuân Huy (Money Lover), Đinh Hùng (JoomlArt.com), Nguyễn Hòa Bình (chodientu.com),... khởi nghiệp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp cho nền kinh tế.

CNTT còn là công cụ giúp hàng triệu bà con nông dân, công nhân, tiểu thương và nhân dân lao động tìm kiếm thông tin, nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập.

CNTT mà cụ thể là Internet là kho tri thức của toàn nhân loại, là phương tiện để giúp chúng ta đạt được ý nguyện: học đi đôi với hành, học liên tục, học mọi nơi mọi chỗ.

“Đường học chính là đường đời, không bằng phẳng và đầy trắc trở. Chỉ có các bạn mới quyết định là đi đến đích được hay không, bằng cách nào, nhanh hay chậm”, ông nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.