Trong khi lượng đường trong nước đang dư thừa và phải xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thì Công ty cổ phẩn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại đang muốn nhập khẩu đường từ Lào sang Việt Nam, tinh luyện sau đó lại xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Lý do Hiệp hội mía đường không đồng ý với việc Hoàng Anh Gia Lai bán đường vào Việt Nam vì sợ doanh nghiệp trong nước bị 'bóp chết'

Điều này, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) sẽ “bóp chết” hơn 40 doanh nghiệp mía đường trong nước.

Trong công văn số 64/2013/CV/HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, VSSA kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc – mà cụ thể ở đây là cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát – Lào Cai.

“Chặn” lối thoát duy nhất cho ngành đường Việt Nam

Theo VSSA, đường từ mía do nông dân Việt Nam trồng thừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Niên vụ 2012-2013 lượng đường dư thừa là 400.000 tấn, niên vụ 2013-2014 sẽ lên đến 600.000 tấn, cộng với đường nhập lậu có giá rẻ từ Thái Lan sang Campuchia, Lào rồi vào Việt Nam với số lượng lớn do không ngăn chặn được đã buộc ngành đường Việt Nam phải mất 30% thị phần nội địa.

“Năm 2013 ngành đường Việt Nam phải chật vật xuất khẩu, bán tháo đường sang Trung Quốc qua con đường duy nhất là cửa khẩu phụ Bản Vược. Hiện tại đây là lối thoát duy nhất cho lượng đường thừa của Việt Nam. Nếu chấp nhận hỗ trợ HAGL là đã vô tình để đường nước ngoài có cơ hội lấn chiếm xuất khẩu tiểu ngạch đường sang Trung Quốc của hơn 40 doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam” – ông Hà Huy Phái, trưởng đại diện VSSA tại Hà Nội cho BizLIVE biết.
Hơn nữa, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, nhờ đó giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn mía; từ đó giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường.
Trong khi để nông dân trồng mía tại Việt Nam đảm bảo cuộc sống, những năm qua các nhà máy đường trong nước đã thanh toán tiền mua mía cho nông dân từ 950.000 – 1.150.000 đồng/tấn mía, chiếm 9.000.000 – 11.000.000 đồng vào giá thành của 1 tấn đường.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA đồng thời là TGĐ Công ty CP mía đường Cần Thơ cho hay: nếu tạo điều kiện cho HAGL bán đường sang Việt Nam để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược – Lào Cai là vô tình giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đang có nhiều lợi thế đánh vào nông dân trồng mía và các doanh nghiệp Việt Nam đang có sức cạnh tranh kém đẩy ngành đường Việt Nam tới bờ vực phá sản.

Ngoài ra, cũng theo ông Long, điều này sẽ khuyến khích các nhà máy đường bỏ bảo hiểm giá mua mía tối thiểu hiện đang có lợi cho nông dân trồng mía, buông lỏng tiêu thụ mía và chuyển sang nhập khẩu đường thô nguyên liệu nước ngoài về gia công chế biến sau đó tái xuất.

Nông dân trồng mía Việt Nam sẽ phải lao đao với việc chuyển đổi cây trồng khác, một bộ phận lớn nông dân sẽ mất ổn định trong sản xuất và đời sống. Chính phủ sẽ phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu đường do diện tích mía giảm, thiếu hụt đường.

Nếu xuất thì xuất chính ngạch
Trên cơ sở đó, VSSA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận đề xuất của Bộ Công thương theo đề nghị của HAGL và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa về việc nhập khẩu đường HAGL sản xuất tại Lào để chế biến rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ, lối mở.
Đồng thời, VSSA cũng có ý kiến, nếu cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất thì nên thực hiện tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan.
Theo giải thích của ông Hà Hữu Phái, nếu đường mà HAGL sản xuất có giá thấp như vậy thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với giá đường của các nước có nền sản xuất mía đường lớn như Thái Lan, Brazil hay Ấn Độ và hoàn toàn có thể xuất chính ngạch mà không phải “chặn” đường sống duy nhất của các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Hơn nữa, ông Nguyễn Thành Long cũng kiến nghị, nếu lượng đường của HAGL nhập về được tiêu thụ trong nước thì phải nằm trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm mà Việt Nam đã cam kết với WTO bằng hình thức đấu thầu nhập khẩu, qua đó thu chênh lệch giá về cho ngân sách.

Công ty Cổ phẩn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang có ý định chào bán khoảng từ 30.000 đến 40.000 tấn đường được sản xuất tại Lào cho doanh nghiệp trong nước là Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, phát biểu trước đó tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên chiều 23/4/2013 tại TP.HCM Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, cho biết, hiện toàn bộ lượng đường của nhà máy đường của HAGL ở Lào chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc chứ không đưa về Việt Nam như một số thông tin đã đưa trước đây và hiện công ty đang tìm đối tác để xuất qua châu Âu.
Tuấn Cường
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.