CafeLand - Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức từ bỏ bất động sản, chật vật với nông nghiệp và là người nâng đỡ nền bóng đá Việt Nam.

Ông Đoàn Nguyên Đức, tên gọi khác là “Bầu Đức”. Ông sinh ngày 06/12/1962. Tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Chức vụ hiện tại: Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)

Lĩnh vực kinh doanh: Bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, thủy điện.

Cổ phiếu: 329.730.533 cổ phiếu HAG (trị giá 1,365.1 tỷ đồng)

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai

Tiểu sử

Năm 1965, gia đình ông chuyển lên xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai sinh sống. Năm 1982, ông tốt nghiệp cấp 3, sau đó lên Thành phố Hồ Chí Minh thi Đại học. Ông Đức vừa làm vừa học, quyết tâm thi đỗ, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu.

Gia đình

Vợ ông là bà Hoàng Thị Ngọc Bích, có ba người con là: Đoàn Hoàng Anh, Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh.

Vợ ông không nắm giữ cổ phần nào trong Tập đoàn của gia đình. Ba người con của ông đều đang học tập và làm việc tại Singapore. Trong đó, con gái Đoàn Hoàng Anh làm việc trong một ngân hàng nước ngoài. Vợ ông cũng sống tại Singapore.

Sự nghiệp

Năm 1990, Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku.

Năm 2006, ông Đức đổi tên thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như: khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.

Năm 2008, Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

Năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức được xem là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam

Ông Đoàn Nguyên Đức không chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản, nông nghiệp mà ông còn nổi tiếng là người đam mê bóng đá, và được giới truyền thông thể thao gọi là "bầu" Đức. Thậm chí ông được xem là “người hùng thầm lặng của đội tuyển bóng đá Việt Nam”.

Chủ tịch HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức (áo xanh) cùng HLV Park Hang-seo.

Từ năm 2001, cái tên Bầu Đức nổi lên từ việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak. Ông Đức hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện HAGL Arsenal JMG vào năm 2007. Đây được xem là lò đào tạo bóng đá đầu tiên của Việt Nam với mong muốn đưa đội tuyển bóng đá Việt Nam vang danh thế giới.

Rời khỏi lĩnh vực bất động sản

Tại thời điểm năm 2006, các dự án kinh doanh địa ốc do ông Đức đầu tư liên tục chiếm hữu thị phần trên thị trường. Nổi bật là những dự án bất động sản lớn như: New Sai Gon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh Golden House…

Ngoài ra, Ông Đoàn Nguyên Đức còn khai trương dự án phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar (HAGL Myanmar).

Xem thêm: Tập đoàn Hoàng Anh

Năm 2011, thị trường bất động sản đóng băng, ông Đức Chủ tịch HAG bắt đầu lâm vào tình hình khó khăn. Năm 2013 – 2014 doanh thu lập tức sụt giảm mạnh. Cùng thời điểm, giá cao su lao dốc, hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su khi giá mặt hàng này ở đỉnh cao 6.000 USD nhưng đến khi thu hoạch thì giá sụt 80% về còn 1.000 USD.

Cuối tháng 9/2018, sau hơn 10 năm niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp của bầu Đức ngập chìm trong cảnh nợ nần. Cụ thể, HAG đang có hơn 21.000 tỷ đồng nợ vay, bao gồm 5.790 tỷ đồng vay ngắn hạn và gần 15.270 tỷ đồng vay dài hạn. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp ông “bầu” liên tục rớt giá trên sàn chứng khoán.

Ông Trần Bá Dương (bên phải) cùng ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi kỷ niệm một năm Thaco đầu tư vào HAGL.

Trong lúc HAG ngập sâu trong nợ, nhằm cứu vãn trước tình thế, ông Đoàn Nguyên Đức đã bắt tay cùng ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải – Thaco). Bằng việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược vào 2 công ty HNG và HAGL Myanmar. Với khoản chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại HNG và 51% tại HAG.

Đồng thời, Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – ông Trần Bá Dương làm Tổng giám đốc.

Ngoài ra, Dự án với quy mô lớn cuối cùng của HAGL Land cũng đã chuyển giao toàn bộ số vốn còn lại tại dự án Khu phức hợp Myanmar cho Đại Quang Minh.

Ông Đoàn Nguyên Đức chính thức rút khỏi thị trường bất động sản và chú tâm phát triển “hệ sinh thái nông nghiệp”.

Đầu tư nông nghiệp và đang nếm nhiều trái đắng

Không thành công trong việc đầu tư vào cao su, cây cọ, mía đường HAGL chuyển hướng đầu tư vào chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Bên cạnh đó, HAGL còn đầu tư 5 loại cây ăn quả cũng nằm trong chiến lược phát triển là: chuối, xoài, bưởi, mít, sầu riêng.

Tuy nhiên, mảng nông nghiệp một lần nữa không mang đến cho HAGL thành công. Các dự án chăn nuôi bò của HAGL không mang lại kết quả như mong đợi khiến công ty thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Công nhân HAGL Agrico sơ chế chuối. Ảnh: HNG

Những loại cây ngắn ngày như chuối, ớt hiện được xem là nguồn thu chủ lực của Công ty nhưng cũng đầy rủi ro.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) năm 2019, chỉ đạt 1.810 tỷ đồng và thua lỗ đến 2.425 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 trong 4 năm gần đây HNG thua lỗ nặng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của HNG tiếp tục ở mức thấp nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng. Đối với HAG cũng liên tục có kết quả kinh doanh rất tệ trong những năm gần đây.

Tính đến cuối tháng 8 năm 2020, giá cổ phiếu HAG đang giao dịch quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu, còn HNG giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu.

Dù cả 2 Công ty HNG và HAG đang chìm ngập trong rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng Đoàn Nguyên Đức vẫn được xem là một doanh nhân lớn ở Việt Nam.

Xem thêm bài viết về: Ông Đoàn Nguyên Đức
Tường Vy (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.