Với khối tài sản hiện tại, Vua Charles III được cho là giàu hơn cả cố Nữ vương Elizabeth II và cựu cầu thủ bóng đá David Beckham.

Khám phá khối tài sản khổng lồ của Vua Charles III trước và sau khi đăng quang

Với khối tài sản hiện tại, Vua Charles III được cho là giàu hơn cả cố Nữ vương Elizabeth II và cựu cầu thủ bóng đá David Beckham.

Với tài sản ròng lên tới 600 triệu bảng (hơn 17,4 nghìn tỷ đồng), Vua Charles đã vượt xa cố Nữ hoàng Elizabeth II. Trước khi Nữ vương qua đời, ước tính bà sở hữu khối tài sản 370 triệu bảng (hơn 10 nghìn tỷ đồng).

Hai điền trang 330 triệu bảng Anh (hơn 9.700 tỉ đồng)

Nữ hoàng Victoria mua điền sản Sandringham năm 1862, biến nơi đây thành tài sản riêng của hoàng gia Anh - Ảnh: 4news.

Theo Forbes, trong nhiều năm, Vua Charles đã kiếm được lợi nhuận từ điền trang tư nhân của Vương thất được gọi là các Công quốc, cùng với điền trang Sandringham và lâu đài Balmoral. Cả Điền trang và Lâu đài đều thuộc quyền sở hữu của Nữ vương Elizabeth, nhưng khi bà qua đời, cả hai thuộc về Vua Charles.

Điền trang Balmoral ở cao nguyên Scotland, được chồng của Nữ hoàng Victoria là Hoàng thân Albert mua vào năm 1852. Khu đất này gồm khuôn viên lâu đài Balmoral rộng 21.725ha và vùng đất rộng lớn xung quanh với giá 80 triệu bảng Anh.

Còn Điền trang Sandringham ở Norfolk được Nữ hoàng Victoria mua cho con trai bà vào năm 1862 với giá 250 triệu bảng. Hoàng gia Anh đã cải tạo khu đất này, biến nó thành điểm đón khách du lịch với hàng trăm bất động sản cho thuê, 6.400ha đất nông nghiệp và các khu thương mại.

Đặc biệt, Vua Charles III sẽ không phải trả thuế thừa kế đối với hai điền trang này nhờ một thỏa thuận mà Nữ hoàng Elizabeth II đạt được với chính phủ Anh năm 1993.

Bộ sưu tập ô tô 6,3 triệu bảng (gần 180 tỉ đồng)

Một trong những chiếc xe trong bộ sưu tập ô tô của Vua Charles III. Hoàng tử William đã lái chiếc Aston Martin DB6 Volante này trong lễ cưới diễn ra ngày 29/4/2011.

Theo trang Guardian, bộ sưu tập xe cá nhân của Vua Charles III có giá trị lên tới 6,3 triệu bảng, bao gồm 23 chiếc được sử dụng tại Royal Mews thuộc Cung điện Buckingham và Sandringham, khu đất riêng của Vua Charles III ở Norfolk.

Một số xe thuộc sở hữu của nhà Vua hoặc được các nhà sản xuất cho gia đình Windsor mượn. Những chiếc khác được nắm giữ bởi quỹ Crown thuộc sở hữu của chính phủ, trong đó có chiếc Rolls-Royce Phantom VI 1977 trị giá 1,3 triệu bảng Anh.

Đội ngựa đua 27 triệu bảng (gần 800 tỉ đồng)

Elizabeth cưỡi ngựa ở Windsor, Anh, vào năm 1940. Bà là người rất yêu ngựa. Ảnh: Getty

Theo tờ Daily Mail, Vua Charles III đã bán hơn một phần ba số ngựa đua mà ông được thừa kế từ Nữ hoàng Anh tại buổi bán hàng nổi tiếng Tattersalls October ở Newmarket, hạt Suffolk vào tháng 10/2022.

Những con ngựa này được bán giá trung bình hơn 76.800 bảng một con. Tổng cộng, nhà vua thu về hơn một triệu bảng (hơn 31 tỉ đồng), trong đó con ngựa đua đầu tiên giành chiến thắng của ông tên Just Fine được bán 300.000 bảng Anh (347.000 USD).

Được biết, cố Nữ hoàng Elizabeth II đã để lại cho Vua Charles III khoảng 70 con ngựa đua. Một trong số chúng là quà tặng Nữ hoàng nhận được từ Tiểu vương Dubai. Tổng giá trị ước tính của đội ngựa đua này ít nhất là 27 triệu bảng.

Bộ sưu tập tem 100 triệu bảng (gần 3.000 tỉ đồng)

Nữ hoàng Elizabeth II thưởng lãm tem trong chuyến tham quan bưu điện Royal Mail Windsor vào năm 2016 - Ảnh Getty.

Theo tờ Mirror, Nữ hoàng Elizabeth II là người trị vì thứ 5 của hoàng tộc Anh thừa kế Bộ sưu tập Hoàng gia Philatelic với hàng trăm album tem quý giá được lưu trữ tại Cung điện St. James. Trong vài thập niên qua, Nữ hoàng Elizabeth II đã sưu tập được nhiều con tem quý hiếm. Mirror cho biết tại Cung điện St. James ở thủ đô London có khoảng 300 album và 200 hộp tem được Nữ hoàng Anh sưu tập.

Bộ sưu tập tem của Hoàng gia Anh được nhận xét là đắt giá và quý nhất trên thế giới. Bộ sưu tập này gồm hàng trăm nghìn con tem, một trong số đó được ông cố của Charles là Vua George V sưu tầm từ Bưu điện Anh và vùng các thuộc địa. Theo 4 chuyên gia trong ngành, bộ sưu tập này trị giá ít nhất 100 triệu bảng và hiện thuộc sở hữu của Vua Charles III.

Bộ sưu tập tranh 24 triệu bảng (khoảng 705 tỉ đồng)

Trước khi qua đời Nữ hoàng Elizabeth II được thừa kế gần 70 triệu USD từ Thái hậu Elizabeth khi bà qua đời năm 2002, gồm các khoản đầu tư vào tranh, bộ sưu tập tem, đồ sành sứ, đồ trang sức, ngựa và bộ sưu tập trứng Faberge quý hiếm. Trong đó có bộ sưu tập tranh bao gồm các tác phẩm của Monet, Nash và Carl Fabergé.

Đặc biệt, bức tranh của danh họa Monet được Thái hậu mua với giá 2.000 bảng Anh ngay sau thế chiến thứ nhất đã được một nhà định giá nghệ thuật ước tính ước tính có giá hiện tại là 20 triệu bảng Anh.

Bộ sưu tập trang sức 533 triệu bảng (hơn 15,6 nghìn tỉ đồng)

Những chiếc vương miện đắt giá được coi là bảo vật của hoàng gia Anh luôn khiến mọi người phải ngưỡng mộ.

Nữ hoàng Elizabeth II sở hữu một trong những bộ sưu tập đá quý cá nhân lớn nhất và đắt đỏ nhất với tâm điểm là khoảng 50 chiếc vương miện lộng lẫy.

Một số vương miện, trâm cài áo, vòng đeo tay, quyền trượng, nhẫn của bà tạo thành một phần của Crown Jewels (tạm dịch: Báu vật) được trưng bày tại Tháp London và thu hút khoảng 2,5 triệu khách du lịch thưởng lãm mỗi năm.

Đây là bộ sưu tập vô giá, chủ yếu dùng trong các nghi lễ trịnh trọng của Hoàng gia Anh. Một số được truyền từ 800 năm trước và thuộc về người đứng đầu ngai vàng của Anh.

Bộ sưu tập đá quý và đồ trang sức riêng của gia đình Windsor trị giá tới 533 triệu bảng. Chúng được sưu tầm qua nhiều thế hệ, nhưng chủ yếu dưới thời Hoàng hậu Mary - bà của Nữ hoàng Elizabeth II.

Các khoản đầu tư trị giá 142 triệu bảng (khoảng 4.100 tỉ đồng)

Guardian ước tính các khoản Hoàng gia đầu tư vào cổ phiếu của những công ty ở Anh hiện có giá trị 142 triệu bảng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này từng được báo chí thế giới đề cập trong Hồ sơ Panama.

Theo BBC, các tài liệu trong Hồ sơ Panama đã tiết lộ khoản tiền đầu tư khoảng 10 triệu bảng của Hoàng gia Anh ra nước ngoài. Số tiền này được đưa vào các quỹ đầu tư tại một số lãnh thổ hải ngoại thuộc quyền quản lý của Anh bởi Duchy of Lancaster. Đây là đơn vị xử lý việc kinh doanh trên các bất động sản của Hoàng gia.

Một khoản tiền trong 10 triệu bảng này được dùng để mua lại chuỗi cửa hàng Threshers và nhà bán lẻ Brighthouse.

Bảo Minh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.