Với những lo ngại ngày càng lớn về lạm phát gia tăng và thị trường biến động, những người giàu có ở châu Á đang chuyển sang tâm lý đầu tư vô cùng thận trọng.

Theo nghiên cứu năm 2022 của tập đoàn ngân hàng Lombard Odier có trụ sở tại Thụy Sỹ về những cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC), thì những người có hơn 1 triệu USD đang chuyển hướng sang thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản trước những biến động thị trường.

Họ ngày càng tránh xa cổ phiếu và trái phiếu để tập trung vào các công ty mà họ sở hữu hoặc các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng và tiền mặt. Đồng thời, họ ngày càng hiểu rõ về tiền điện tử, một loại tài sản được chứng minh là đặc biệt bất ổn.

“Các nhà đầu tư APAC đang trở nên thận trọng hơn trong việc xây dựng danh mục đầu tư và đang chuyển hướng sang các loại tài sản chưa niêm yết và tài sản thay thế an toàn hơn. Họ cũng ngày càng đa dạng hóa danh mục ra bên ngoài các thị trường khu vực. Lượng vốn họ phân bổ vào các tài sản kỹ thuật số là cực kỳ thấp”, Vincent Magnenat, người đứng đầu khu vực hâu Á của Lombard Odier, cho biết.

Theo Bloomberg, sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ và lạm phát tăng vọt trong bối cảnh lãi suất cao đã khiến khối tài sản tích lũy của 500 người giàu nhất thế giới bị tiêu hao 1,4 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Đó là sự đảo ngược so với hai năm qua, khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách để chống lại ảnh hưởng của Covid-19, giúp tăng khối tài sản cho các tỷ phú này.

Lombard Odier cho biết sự gia tăng lạm phát và những tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất đối với 77% người giàu có được hỏi. Một nửa lo lắng về sự biến động của thị trường, điều này đã thúc đẩy 56% trong số này tăng cường đa dạng hóa danh mục đầu tư. Họ cũng cho biết đang tránh xa tiền điện tử, với 83% không đầu tư hoặc đầu tư ít hơn 5% danh mục.

Lombard Odier cho biết mối lo ngại về tính thanh khoản thấp, đặc biệt là ở các thế hệ lớn tuổi hơn, giải thích tại sao người giàu đang ưu tiên rót vốn vào các tài sản tư nhân. Giới đầu tư APAC dường như tin rằng loại tài sản này cho phép họ nắm bắt những thay đổi về cơ cấu theo một cách quy củ và ít rủi ro hơn. Những người giàu có ở Singapore và Australia đang dẫn đầu xu hướng này, với khoảng 60% có kế hoạch tăng vốn phân bổ vào các thị trường tư nhân.

Lombard Odier đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 363 tỷ USD của khách hàng trên toàn cầu. Các kết luận nêu trên được đưa ra sau khi khảo sát hơn 450 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao sống ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Úc vào tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Jean-Francois Aboulker, người đứng đầu khu vực châu Á của Lombard Odier, cho biết sự lo ngại về triển vọng chưa rõ ràng, thị trường biến động và tâm lý sẵn sàng đối mặt với những biến động này được thể hiện ở những người giàu có thuộc mọi thị trường và độ tuổi.

Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: