Lãnh đạo EU cũng đang hối thúc Hy Lạp hãy nắm bắt cơ hội cuối cùng khi mà thời hạn chót cho vấn đề nợ của nước này sắp hết.
Liên minh châu Âu (EU) vừa kêu gọi các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) họp Thượng đỉnh khẩn cấp dự kiến vào ngày 22/6 tới sau khi cuộc đàm phán về nợ của Hy Lạp đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào.
Trước viễn cảnh Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Eurozone, lãnh đạo EU cũng đang hối thúc Hy Lạp hãy nắm bắt cơ hội cuối cùng khi mà thời hạn chót cho vấn đề nợ của nước này sắp hết.
Sau hơn 1 tiếng rưỡi diễn ra đàm phán, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Luxembourg ngày 18/6 đã không thể phá băng cho khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro mà Hy Lạp đang cần hơn bao giờ hết, để tránh nguy cơ phá sản đang cận kề.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis chỉ trích Hy Lạp đã có thái độ “không nghiêm túc" trong thảo luận. Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng Tài chính đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem hối thúc, thời gian dành cho Hy Lạp còn rất ít và bước tiếp theo tiến gần thỏa thuận phải đến từ phía Athens.
Ông Dijsselbloem đồng thời cảnh báo, nếu Hy Lạp vẫn không chịu bổ sung thêm những cải cách mới theo yêu cầu của các chủ nợ thì chính phủ Hy Lạp sẽ phải đối mặt với một kết cục vô cùng tồi tệ.
“Chúng tôi đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà chức trách Hy Lạp rằng, việc đạt được thỏa thuận hay không là phụ thuộc vào họ khi trình những đề xuất cải cách mới, bổ sung trong những ngày tới. Tuy nhiên đến nay, tôi tin rằng vẫn còn cơ hội cho một thỏa thuận mới để mở rộng chương trình cứu trợ hiện thời, trước cuối tháng này. Giờ quả bóng đang nằm bên sân của Hy Lạp để nắm bắt cơ hội cuối cùng đó”, ông Dijsselbloem cho hay.
Phát biểu vừa nêu cũng nhận được sự nhất trí từ phía một trong những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đó là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chỉ trích thái độ thiếu hợp tác của Hy Lạp, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố sẽ không nhượng bộ, IMF nhất quyết không cho Athens một sự ân hạn nào đối với khoản nợ 1,6 tỷ euro sắp tới hạn.
“Ngày 30/6 là ngày mà Hy Lạp phải thanh toán một lần cho IMF. Sẽ không có thời gian ân hạn hay trì hoãn thêm nữa. Như tôi biết, thì Athens đang mất dần khả năng thanh toán các khoản nợ tới hạn”, bà Lagarde tuyên bố.
Để gia tăng áp lực lên chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras, cả Ủy ban châu Âu, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng tuyên bố sẽ không cho phép Hy Lạp sử dụng nguồn quỹ bảo lãnh trong trường hợp bị phá sản, nếu Hy Lạp không thực hiện các cải cách kinh tế trong các lĩnh vực hưu trí, thuế VAT và thặng dư ngân sách.
Về phần mình, phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis một lần nữa khẳng định, Hy Lạp vẫn sẽ không thực hiện yêu cầu cải cách lương hưu và thuế. Ông Varoufakis phàn nàn rằng, thiện chí thành lập một Hội đồng độc lập để giám sát ngân sách nước này đã bị lãnh đạo Eurozone “bỏ ngoài tai”. Người đứng đầu Bộ tài chính Hi lạp thừa nhận chính phủ nước này gần như đang ở trong tình trạng bất lực trước những bế tắc hiện nay.
“Chúng tôi đang ở trong một trạng thái gần như sẽ chấp nhận một tai nạn. Chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp của Eurozone không rơi vào tình trạng tương tự. Tuy vậy, chính phủ Hy Lạp dù còn chút hi vọng cam kết sẽ điều chỉnh chương trình cải cách của mình. Nhưng trên hết, tôi kêu gọi các đồng nghiệp trong nhóm Eurogroup nghiêm túc xem xét kỹ lại những gì mà chúng tôi đã đề xuất”, Bộ trưởng Yanis Varoufakis lên tiếng.
Hiện Hy Lạp chỉ còn chưa đến 2 tuần để đạt được một thoả thuận với các chủ nợ, nếu không nước này sẽ mất khả năng chi trả khoản nợ của IMF trị giá 1,6 tỷ euro cũng như khoản tiền 6,7 tỷ euro cho ECB. Và nếu Hy Lạp vỡ nợ, nước này có thể phải rời Eurozone và cả EU.
Giới phân tích cảnh báo rằng, nếu kịch bản này xảy ra thì tác động đối với Hy Lạp và thị trường tài chính toàn cầu sẽ là rất khó lường. Trong bối cảnh đất nước cận kề bờ vực phá sản, từ nhiều ngày qua người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng khiến hệ thống tài chính của nước này càng trở nên điêu đứng./.
Mai Liên (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.