Nhiều người đang đặt câu hỏi: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras là một nhà lãnh đạo điên rồ, đang đẩy Hy Lạp xuống vực vỡ nợ, hay một thiên tài chính trị, đang khéo léo ‘ép’ EU làm những gì ông muốn?

Theo tờ The Toronto Star (Canada), đáp án của câu hỏi này sẽ được hé lộ trong vài ngày tới khi Hy Lạp ở giai đoạn “nước rút” trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước này phải đối mặt kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1949.

Vào ngày 5/7 tới, Hy Lạp sẽ trưng cầu dân ý về việc liệu có nên chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ hay không.

Hồi tuần trước, ông Tsipras cũng nói không với các đề nghị của các chủ nợ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Động thái này khiến châu Âu từ chối tăng quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp, đẩy Hy Lạp gần hơn tới vỡ nợ. Hôm 2/7, IMF báo cáo rằng do bất ổn gần đây, Hy Lạp sẽ cần thêm tới 50 tỷ euro trong vòng ba năm tới để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, ông Tsipras và đảng chống “thắt lưng buộc bụng” của ông Syriza cho biết, lý do các nhà đàm phán Hy Lạp rời bàn đàm phán chỉ vài ngày trước khi gói cứu trợ 340 tỷ USD hết hạn bởi họ không được cho quyền quyết định chấp nhận hay từ chối những đề nghị từ phía các chủ nợ.

Các nhà lãnh đạo EU đề xuất gia hạn thêm 5 tháng cho gói cứu trợ để đổi lấy các cải cách kinh tế ở nước này nhưng ông Tsipras đã bác bỏ điều đó và đưa ra “quân bài” trưng cầu dân ý.

Hành động của ông đã khiến Hy Lạp không thể thanh toán cho IMF vào hạn chót hôm 30/6. Nó cũng khiến các ngân hàng của nước này phải đóng cửa và buộc phải áp dụng mức trần số tiền rút của một người trong một ngày tại các máy ATM là 84 USD.

Không chỉ vậy, phát biểu trong một chương trình được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, vị Thủ tướng Hy Lạp này còn kêu gọi người dân nói "Không" với các yêu cầu từ các chủ nợ quốc tế. Ông cho rằng, nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý cũng chính là nói "Không" với sức ép của các chủ nợ quốc tế.

Ông cho rằng, đề xuất của các chủ nợ giống như là một yêu cầu mang tính phỉ báng và kêu gọi người dân cùng mạnh mẽ chống lại để tăng vị thế của Hy Lạp.

Ông lập luận, việc nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới không có nghĩa là Hy Lạp sẽ rời nhóm đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ông khẳng định, không có luật pháp nào cho phép “ném” Hy Lạp khỏi Eurozone nếu từ chối các điều kiện “tống tiền” từ các chủ nợ. Ông cho rằng, gọi các yêu cầu của chủ nợ như cắt giảm lương và tăng thuế là “tống tiền” bởi chúng sẽ tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế Hy Lạp.

Tại thời điểm này, theo các nhà quan sát khủng hoảng Hy Lạp và các cuộc thăm dò dư luận, vẫn chưa thể dự đoán được kết quả trưng cầu dân ý bởi tỷ lệ người nói “Có” hoặc “Không” vẫn chỉ đang cách nhau bằng “đường tơ, kẽ tóc”.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói, nếu Hy Lạp nói “Có”, ông sẽ từ chức.

Bloomberg dẫn lời ông Varoufakis cho hay: “Tôi thà cắt bỏ tay mình đi chứ không kí một thỏa thuận không thể tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp”.

Nếu bỏ phiếu “Có”, Hy Lạp sẽ chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ như cắt giảm việc làm, cắt giảm lương và tăng thuế, một điều mà đảng Syriza luôn kịch liệt phản đối khi vận động trước cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Ông Tsipras chưa cho biết sẽ làm gì tiếp theo nếu Hy Lạp bỏ phiếu “Có”. Tuy nhiên, sẽ rất khó cho ông tiếp tục đưa ra một thỏa thuận mới với các nhà lãnh đạo EU.

Trong khi đó, châu Âu cảnh báo, nếu Hy Lạp bỏ phiếu “Không” cũng có nghĩa là họ chấp nhận bị “đuổi” khỏi Eurozone.

Bất chấp những áp lực, ông Tsipras vẫn đang cho người Hy Lạp thấy rằng ông vẫn đang cố đàm phán và đưa ra các đề xuất.

Theo nhiều nhà quan sát chính trị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang theo dõi xem liệu ông Tsipras có từ chức nếu người dân bỏ phiếu “Có” vào ngày 5/7 tới hay không.

Bà Merkel đã từng tuyên bố sẽ chỉ nói chuyện với chính quyền Athens sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7.

Tuy nhiên, ông Tsipras dường như không hề tỏ ra dao động. Ông khẳng định trên tài khoản Twitter hôm 2/7: "Nếu không tái cơ cấu nợ thì sẽ không có chương trình nào khả thi".

Ông khẳng định sẽ không chấp nhận các biện pháp khiến nền kinh tế Hy Lạp suy thoái thêm. Bất chấp tình hình khó khăn hiện tại, ông vẫn tự tin cam kết với người dân rằng sẽ không để tình hình hiện nay tiếp tục kéo dài và người gửi tiền, người hưởng lương hay người nhận lương hưu vẫn sẽ nhận được tiền của họ.

Phạm Khánh (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.