Khác với mấy năm trước, giờ đây, những thông tin về chuyện doanh nghiệp này “bị” doanh nghiệp khác mua đã... bớt “nóng”!

Chấp nhận xu thế

Năm 2014 có nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập đình đám, trong đó phải kể đến vụ HDBank mua lại 100% Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF); Pilmico International (thuộc Aboitiz Equity Ventures, Inc.) mua 70% Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1; Pan Pacific mua Công ty Giống cây trồng trung ương (NSC); Kinh Đô bán cổ phần lĩnh vực bánh kẹo cho đối tác Mỹ...

Theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán chuyên về tư vấn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), những năm trước đó, nhiều thương vụ thất bại vì nhiều lý do. Có thể là bên được hỏi mua không muốn bán mà muốn giữ công ty cho thế hệ con cái, có thể do bên bán đưa giá quá cao... Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi.

Những doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi như trước sau nhiều lần được hỏi mua đã đồng ý bán, toàn bộ hoặc một phần, nhằm khắc phục khó khăn, phát triển mở rộng. “Chúng tôi đã tư vấn thành công khoảng 20 thương vụ như vậy. Năm 2013 và 2014 có số thương vụ thành công nhiều nhất”, ông này cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nam Hòa, chủ sở hữu của chuỗi hệ thống Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa, nhận định chuyện M&A là xu hướng tất yếu.

Vấn đề là doanh nghiệp cần chọn thời điểm thích hợp, có lợi nhất cho cổ đông cũng như nhân viên trong công ty. Ông cho biết ở thời điểm hiện tại, Thiên Hòa đang nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư.

M&A là việc phải làm, cần làm và nên làm. M&A sẽ giúp doanh nghiệp phát huy được lợi thế của mình và hạn chế sở đoản.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng M&A là việc phải làm, cần làm và nên làm. Theo ông Viên, cái gì đã là xu thế thì không thể chối bỏ hay đứng ngoài cuộc. Thêm vào đó, M&A sẽ giúp doanh nghiệp phát huy được lợi thế của mình và hạn chế sở đoản. Với suy nghĩ đó, thời gian qua, Vinamit đã chuẩn bị cho việc bán cổ phần. Hiện Vinamit đã “nhắm” được một số nhà đầu tư có triển vọng và mọi thứ sẽ được chính thức hóa trong năm 2016.

Suy nghĩ chấp nhận M&A của những ông chủ doanh nghiệp như Thiên Hòa và Vinamit không có nghĩa họ không tiếc công gầy dựng doanh nghiệp, chỉ là họ chấp nhận thực tế. Nói như ông Nguyễn Lâm Viên, doanh nghiệp Việt Nam chủ động hợp tác còn hơn để bị thâu tóm.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán thực hiện tư vấn cho các thương vụ của Masan Group, nhận xét: “Tâm trạng của doanh nghiệp đã ít nhiều có sự thay đổi”. Masan là một trong những doanh nghiệp thực hiện rất nhiều thương vụ M&A, cụ thể như mua lại Công ty Vĩnh Hảo, sở hữu cổ phần chi phối tại Vinacafe, Proconco. Vị này cho rằng chuyện Masan thoái vốn khỏi Proconco để đầu tư vào một doanh nghiệp khác cho thấy họ xem chuyện M&A như một hoạt động mua đi, bán lại bình thường, không còn tư duy đã mua rồi thì phải nắm giữ và phát triển nó.

Vị này cho biết thêm về thương vụ Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim bán cổ phần cho Central Group.

Vụ này được bắt đầu đàm phán từ cách nay ba năm. Việc chuyển nhượng 49% cổ phần là do Nguyễn Kim muốn mở rộng thị phần và nhanh chóng nâng cao năng lực tài chính chứ không phải vì doanh nghiệp gặp khó về tài chính. Trước khi bán cổ phần cho Central Group, Nguyễn Kim từng được một số doanh nghiệp đề nghị mua cổ phần với giá cao hơn, nhưng vì chiến lược và ngành nghề không phù hợp, họ đã quyết định không chuyển nhượng.

Theo vị này, việc nhìn nhận đúng bản chất của M&A sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tìm được đối tác phù hợp với giá chuyển nhượng tốt. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư mở rộng, tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hơn.

Vẫn có những người đi “ngược sóng”

Trong khi nhiều doanh nghiệp theo xu thế mở lối cho đối tác cùng tham gia vào hoạt động công ty hoặc bán lại công ty thì vẫn có những người đi “ngược sóng”.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, tâm sự: “Lựa chọn thế nào: bán hay không bán tất cả phụ thuộc vào người chủ”. Theo ông Vinh, có những doanh nghiệp muốn bán mà bán không được, cũng như nhiều người không muốn bán doanh nghiệp nhưng người mua cứ tìm đến. Vì thế, chuyện thời điểm này tốt, thời điểm kia xấu cũng rất tương đối.

Về phần mình, ông Vinh cho biết từ trước đến giờ, ông vẫn cương quyết không bán Mỹ Hảo dù không ít người đánh tiếng mua, trong đó có đối thủ trực tiếp là một tập đoàn đa quốc gia đã trả giá 38 triệu đô la Mỹ để mua thương hiệu Mỹ Hảo.

Theo ông Vinh, doanh nghiệp là đứa con tinh thần mà ông đã gầy dựng bao nhiêu năm, nếu bán đi, ông sẽ “xót xa chịu không nổi”. Ông không bị áp lực về tài chính để phải “bán con trả nợ”. Quan trọng hơn, ông không sợ các công ty lớn vì “doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều có vấn đề của mình”. Ông chia sẻ: “Mình nhỏ nhưng mình có thể quyết định ngay, còn doanh nghiệp lớn thì không dễ. Tôi làm nghề này mấy chục năm rồi, ngóc ngách thị trường tôi hiểu và tôi biết cách làm nên tôi không sợ. Thị trường có lúc này lúc kia. Khó khăn thì ở đâu cũng có”.

Vì quyết tâm giữ lại công ty mà ông Vinh từng gặp không ít khó khăn từ đối thủ đã đánh tiếng mua công ty, như bị kiện vi phạm nguyên tắc quảng cáo, bị “soi” từ những chuyện rất nhỏ. Nhưng ông chấp nhận là doanh nghiệp nhỏ nên không đối đầu trực tiếp, ông chọn cách làm riêng. Là tổng giám đốc, cũng đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn cần mẫn đi thăm đại lý, chăm sóc hệ thống phân phối và cũng để nắm các vấn đề thị trường. Ông luôn tự động viên “cứ nỗ lực thì mọi chuyện sẽ ổn”.

Một trường hợp “ngược sóng” khác là Công ty Minh Long I, nhà sản xuất các sản phẩm gốm sứ thương hiệu Minh Long. Ông chủ của Minh Long - ông Lý Ngọc Minh, quyết tâm bằng mọi giá giữ công ty gia đình để các thế hệ tiếp theo phát triển, như cách ông đã làm mấy chục năm qua với xưởng gốm có từ “thời ông nội”. Công ty Minh Long I được thành lập vào năm 1970 nhưng kỳ thực đã được thừa kế xưởng gốm có lịch sử hơn 100 năm. Các con trai, con gái của ông hiện nay là thế hệ thứ tư trong gia đình gắn bó với gốm.

Để hiện thực hóa quyết tâm của mình, ông Lý Ngọc Minh không ngừng truyền lửa nghề nghiệp cho con cái, cho con ra nước ngoài học về quản trị để chuẩn bị thay ông quản lý công ty. Theo nhận xét của nhiều người, những đầu tư của ông đã thu được những “trái ngọt” đầu tiên. Các con ông, mỗi người một vị trí, đều đang giúp ông lèo lái con thuyền gia đình vượt sóng và ghi dấu ấn trên thị trường bằng những dòng sản phẩm có sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Thanh Thương - Minh Tâm (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.