CafeLand - Khi Trung Quốc sắp trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong năm nay, lệnh cấm WeChat của chính phủ Mỹ có thể khiến các công ty Mỹ dần rút khỏi Trung Quốc, một cựu thứ trưởng thương mại của Trung Quốc cho biết.

Ông Ngụy Kiến Quốc (Wei Jianguo), cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại, hiện là Phó chủ tịch Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết: "Đối với một quốc gia luôn tự hào về nền kinh tế tự do, mở cửa thì động thái gần đây của chính quyền Trump là không thể tưởng tượng được và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc".

Ông Ngụy nói: “Mỹ đã có một nước đi đặc biệt không khôn ngoan vì Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới trong năm nay, do nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, hơn nữa, nền kinh tế phục hồi và dần ổn định đã khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu dùng quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước và quốc tế”.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đạt 41,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,92 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái và doanh số bán lẻ trong tháng 7 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đã có khởi sắc so với mức giảm 1,8% trong tháng 6 năm nay. Công ty nghiên cứu thị trường eMarketers cho biết báo cáo tháng 6 của Công ty dự đoán doanh số bán lẻ ở Mỹ sẽ giảm 10,5% xuống còn 4,89 nghìn tỷ USD trong năm nay, mức chưa từng thấy kể từ năm 2016.

Ông Ngụy cho biết: “Trên thực tế, khá nhiều công ty Mỹ đang đặt cược vào thị trường Trung Quốc để cứu vãn lợi nhuận họ thu được trên toàn cầu”.

Ví dụ, hãng giày Skechers của Mỹ đã có doanh số bán hàng theo quý giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng riêng ở thị trường Trung Quốc lại ghi nhận mức tăng trưởng 11,5%.

Nhiều công ty đa quốc gia lớn của Mỹ, bao gồm Apple Inc, Walmart và Walt Disney Co, đã bày tỏ quan ngại trong một cuộc điện đàm với các quan chức Nhà Trắng vào ngày 11/8/2020 về mức ảnh hưởng của lệnh cấm mà Tổng thống Donald Trump nhắm vào WeChat, các công ty đều cho rằng lệnh cấm này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

WeChat là ứng dụng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt phổ biến với người dùng Trung Quốc, việc cấm ứng dụng này có thể cắt đứt cách liên lạc quen thuộc giữa các cá nhân sống tại Trung Quốc và Mỹ.

Tạp chí The Wall Street đã dẫn lời của Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, như sau: "Đối với những người không sống ở Trung Quốc, họ không hiểu được nếu các công ty Mỹ không được phép sử dụng WeChat thì tác động của lệnh cấm lớn đến mức mức nào. Họ sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng trước mọi đối thủ."

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây được thực hiện bởi xueqiu.com, 807.000 người được hỏi cho biết họ sẽ không lựa chọn sử dụng iPhone nếu phải xóa WeChat khỏi thiết bị của mình, chỉ có 48.000 người nói rằng họ sẽ xóa ứng dụng này mà vẫn dùng điện thoại của Apple. Theo báo cáo tài chính quý 1 năm 2020 của Tencent, số người dùng WeChat hoạt động hàng tháng đã vượt quá con số 1,2 tỷ.

Ông Ngụy cho rằng động thái mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm chống lại các công ty internet Trung Quốc là một phần trong chiến dịch "gây áp lực tối đa", buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp trong các vấn đề lợi ích cốt lõi.

“Mặt khác, những động thái đó phản ánh hình ảnh Hoa Kỳ là một nền kinh tế đóng cửa và biệt lập, một bước đi lùi của nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Bất chấp áp lực của chính phủ Mỹ, 18.800 công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập trên khắp Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, trong đó có 860 công ty của Mỹ, chứng minh niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường Trung Quốc. Và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ tiếp tục đổ vào Trung Quốc với mức tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

Hoàng Dinh (Chinadaily)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.