Công ty Đức BioNTech - do hai nhà khoa học nhập cư sáng lập - hợp tác với đại gia dược phẩm Pfizer để sản xuất loại vaccine có khả năng chống Covid-19 với hiệu quả lên đến 90%.

Theo New York Times, hai năm trước, tại một hội thảo y tế ở Berlin (Đức), bác sĩ Ugur Sahin lên sân khấu và đưa ra tuyên bố gây chấn động. Trước hàng loạt chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới, ông khẳng định công ty của ông có thể sử dụng công nghệ RNA để phát triển vaccine nhanh chóng khi một đại dịch bùng nổ trên thế giới.

Khi đó, bác sĩ Sahin và BioNTech - công ty của ông - chưa được nhiều người bên ngoài thế giới startup công nghệ sinh họ châu Âu biết đến. BioNTech - công ty do bác sĩ Sahin và vợ ông, bác sĩ Özlem Türeci, sáng lập - chủ yếu tập trung vào các liệu pháp chống ung thư. Startup này chưa đưa sản phẩm nào ra thị trường.

Nhưng tuyên bố của bác sĩ Sahin đã trở thành hiện thực. Hôm 9/11, BioNTech và Pfizer thông báo vaccine do bác sĩ Sahin và đội ngũ của ông phát triển có khả năng chống virus corona chủng mới hiệu quả tới 90%.

Với thành tựu này, BioNTech và Pfizer vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine chống lại đại dịch đang hoành hành khắp thế giới và đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,2 triệu người.

Bác sĩ Ugur Sahin. Ảnh: PA.

Có thể đặt dấu chấm hết kỷ nguyên Covid-19

"Vaccine này có thể sẽ đặt dấu chấm hết kỷ nguyên Covid-19", bác sĩ Sahin khẳng định. BioNTech bắt đầu nghiên cứu vaccine này hồi tháng 1. Trước đó, bác sĩ Sahin đọc một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet và tin rằng virus corona chủng mới - đang lây lan tại Trung Quốc - sẽ bùng phát thành đại dịch toàn diện.

Các nhà khoa học tại BioNTech - đặt trụ sở tại Mainz, Đức - lập tức hủy bỏ kế hoạch nghỉ lễ và bắt tay thực hiện dự án Lightspeed (Tốc độ ánh sáng). “Không có nhiều công ty trên thế giới đủ năng lực phát triển nhanh chóng vaccine như chúng tôi. Đây không phải là cơ hội mà là nghĩa vụ”, bác sĩ Sahin nhấn mạnh.

Sau khi xác định một số ứng viên vaccine hứa hẹn, bác sĩ Sahin xác định công ty của ông cần sự hỗ trợ để nhanh chóng thử nghiệm chúng và xin giấy phép sản xuất hàng loạt. BioNTech và Pfizer hợp tác để sản xuất vaccine chống cúm từ năm 2018 và đến tháng 3, hai công ty đạt thỏa thuận hợp tác phát triển vaccine chống Covid-19.

Kể từ đó, bác sĩ Sahin - một người gốc Thổ Nĩ Kỳ - trở thành bạn bè thân thiết với CEO Pfizer Albert Bourla. Họ có hai điểm chung: đều là nhà khoa học và người nhập cư. “Ông ấy đến từ Hy Lạp, còn tôi là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi thân thiết ngay từ đầu,” bác sĩ Sahin kể.

Bác sĩ Sahin, 55 tuổi, sinh tại Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ông 4 tuổi, gia đình ông chuyển đến Cologne, Đức. Tại đây, cha mẹ ông làm việc trong một nhà máy của Ford. Từ nhỏ, ông Sahin đã muốn trở thành bác sĩ và học tại Đại học Cologne. Năm 1993, ông lấy bằng tiến sĩ nhờ nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch chống ung thư.

CEO Pfizer Albert Bourla trở thành bạn thân của bác sĩ Sahin. Ảnh: AP.

Khi khởi đầu sự nghiệp, bác sĩ Sahin gặp bác sĩ Türeci. Bà từng muốn đi tu, nhưng cuối cùng theo học ngành y. Bác sĩ Türeci, 53 tuổi, hiện là giám đốc y tế của BioNTech. Bà sinh ra ở Đức, là con gái một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vợ chồng đam mê công việc đến mức ngay sau lễ kết hôn, họ trở lại phòng thí nghiệm.

Ban đầu, họ hai tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Zurich. Tại đây, bác sĩ Sahin làm việc trong phòng thí nghiệm của nhà khoa học Rolf Zinkernagel, người đoạt giải Nobel y học năm 1996. Năm 2001, hai vợ chồng thành lập Ganymed Pharmaceuticals, công ty chuyên phát triển các loại thuốc điều trị ung thư.

Vài năm sau, họ thành lập BioNTech. Startup này phát triển nhiều công nghệ chống ung thư, bao gồm RNA. “Chúng tôi muốn xây dựng một công ty dược phẩm quy mô lớn tại châu Âu", bác sĩ Sahin khẳng định khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Đức.

Hai nhà khoa học tỷ phú

Trước dịch Covid-19, BioNTech đã phát triển rất nhanh. Công ty huy động được hàng trăm triệu USD tiền đầu tư và hiện có hơn 1.800 nhân viên với các văn phòng ở Berlin, một số thành phố khác tại Đức và Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Năm ngoái, quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ 55 triệu USD cho BioNTech để nghiên cứu liệu pháp chống HIV và bệnh lao.

Năm 2019, bác sĩ Sahin được trao giải thưởng Mustafa, một giải thưởng của Iran, dành cho người Hồi giáo đạt thành tựu lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Năm 2016, hai vợ chồng bán Ganymed với giá 1,4 tỷ USD. Năm ngoái, BioNTech phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Trong những tháng gần đây, định giá của startup này tăng vọt lên 21 tỷ USD. Cặp vợ chồng nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "câu lạc bộ" những người giàu nhất nước Đức. Tuy nhiên, họ vẫn sống với cô con gái trong một căn hộ nhỏ. Họ đi xe đạp đến văn phòng và không mua xe hơi.

“Ugur là một người rất kì lạ. Ông ấy chỉ quan tâm đến khoa học. Bàn luận về kinh doanh không phải sở thích của ông ấy. Ông ấy là nhà khoa học và là người cực kỳ nguyên tắc. Tôi tin tưởng ông ấy 100%”,CEO Pfizer Bourla mô tả.

Ở Đức, nhập cư vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Do đó, thành công phi thường của hai nhà khoa học gốc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm sáng. “Với vợ chồng tiến sĩ Sahin, nước Đức trở thành một tấm gương sáng về sự hội nhập thành công”, tờ báo mạng bảo thủ Focus nhận định.

Bác sĩ Özlem Türeci. Ảnh: BioNTech.

Nghị sĩ Johannes Vogel viết trên Twitter rằng nếu cựu hữu cầm quyền tại Đức, chắc chắn những người nhập cư như vợ chồng bác sĩ Sahin không thể thành công và BioNTech không thể ghi dấu ấn trong thế giới công nghệ y học toàn cầu.

Có lẽ bác sĩ Sahin không quá quan tâm đến chính trị trong thời điểm này. BioNTech đang rất bận rộn với dự án phát triển vaccine chống Covid-19. Thậm chí, công ty chưa hoàn thiện các chi tiết tài chính trong thỏa thuận hợp tác với Pfizer. “Niềm tin và mối quan hệ cá nhân rất quan trọng trong công việc vì mọi thứ diễn ra quá nhanh", bác sĩ Sahin nói.

Bác sĩ Sahin kể ông và vợ biết kết quả thử nghiệm vaccine chống Covid-19 đêm 8/11. Họ ăn mừng bằng cách thưởng thức trà Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà. “Tất nhiên chúng tôi phải ăn mừng rồi. Tôi thở phào khi biết tin”, ông kể.

Thanh Hoa (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.