Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa tống đạt Cáo trạng vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để xét xử theo pháp luật. Đây là một trong 10 đại án tham nhũng, được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng giám sát chặt chẽ.
Nguyễn Đức Kiên
Theo Cáo trạng, bị can Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu Kiên”), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB, bị truy tố với 4 tội danh gồm: kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và trốn thuế. Cụ thể, trong thời gian là Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB (từ năm 2003 đến tháng 8-2012), và Phó Chủ tịch HĐQT ACB (từ năm 1994 đến 2008), dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, nhưng với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB, đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, "bầu Kiên” đã chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của Ngân hàng này.
Cũng trong thời gian đó, "bầu Kiên” liên tiếp thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của 6 công ty gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN). Ngoài việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của 6 công ty, "bầu Kiên” đã thực hiện việc kinh doanh trái phép.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tổng số tiền thiệt hại do bị can này gây ra là 1.696 tỷ đồng. Cụ thể, bằng các mánh khóe, dù không có chức năng kinh doanh tài chính, nhưng "bầu Kiên” đã sử dụng 5 Công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty B&B bán cho ACB, Kiên còn ủy thác cho vợ là Đặng Ngọc Lan 39 tỷ đồng, cùng hai cá nhân khác 285,6 tỷ đồng mua cổ phiếu của Ngân hàng Cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank). Tổng cộng, Công ty B&B mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khác gần 2.349 tỷ đồng.
Trong khi đó, sau khi sử dụng pháp nhân Công ty ACBI, "bầu Kiên” phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu bán cho ACB. Số tiền thu được từ ACB, Công ty này chi gần 700 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu Ngân hàng Cổ phần Kỹ Thương (Techcombank) từ 12 cá nhân. Số còn lại, ACBI chuyển cho Công ty ACI vay để mua cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank). Tiếp đến, Kiên còn chỉ đạo ACBI đầu tư nhiều tỷ đồng để nắm cổ phần ở các công ty như Công ty CP ximăng Hòa Phát; Công ty CP thương mại dịch vụ Bắc Qua; Công ty CP thương mại Lãng Yên; Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh siêu thị Á Châu. Riêng tại ACBI, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định Kiên kinh doanh trái phép hơn 1.433 tỷ đồng. Tương tự, tại Công ty AFG, "bầu Kiên” bị cáo buộc kinh doanh tài chính trái quy định với số tiền 4.068 tỷ đồng. Đặc biệt, dù Công ty Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng, nhưng "bầu Kiên” còn chỉ đạo kinh doanh vàng trái phép khiến Công ty này bị thua lỗ hơn 433 tỷ đồng. Không những vậy, bị can này còn trốn thuế hơn 25 tỷ đồng khi lợi dụng chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2009 bằng cách chuyển lợi nhuận từ Công ty sang cho cá nhân.
Ngoài "bầu Kiên”, hai bị can là Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội cùng bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng các bị can: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB, cùng bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
T.Dương (Đại Đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.