"Trong hai năm qua, nhiều anh em tại ACB có rất nhiều lời khai bất lợi cho tôi, tôi biết do rất nhiều áp lực nên các anh em nghĩ tốt nhất là đổ lên đầu ông Kiên…"

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng 10-12

Sáng 10-12, khi tự bào chữa về hành vi cố làm trái, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) phủ nhận lời khai của các bị cáo khác về việc bị cáo có ảnh hưởng, áp đặt ý kiến tại ngân hàng ACB.

Sau đó, bị cáo lại nói: “Nếu nói tôi không ảnh hưởng, không có vị trí tại ACB là tôi đớn hèn. Tôi thừa nhận tôi có vị trí, có ảnh hưởng tại ACB nhưng ảnh hưởng đó là khi nào các anh cần xin ý kiến thì hỏi tôi. Trong hai năm qua, nhiều anh em tại ACB có rất nhiều lời khai bất lợi cho tôi, tôi biết do rất nhiều áp lực nên anh em nghĩ tốt nhất là đổ lên đầu ông Kiên…”.

Về việc ủy thác gửi tiền, bị cáo Kiên xin tòa cho đối chất với các bị cáo khác tại tòa. Bị cáo khẳng định ACB không lách luật để ủy thác gửi tiền như lời bị cáo Trịnh Kim Quang khai mà đã thực hiện ủy thác đúng pháp luật.

Theo bị cáo Kiên, thời điểm năm 2011, khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, hội đồng quản trị ACB đã họp ra nghị quyết dừng việc ủy thác vì xác định hành vi này là sai trái nhưng sau đó ACB vẫn tiếp tục thực hiện.

“Tôi nói sẽ đưa 718 tỷ đồng của cá nhân tôi để nộp, sửa sai về hành vi ủy thác để không vi phạm pháp luật nhưng anh Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) không đồng ý. Lỗi của tôi và anh em ở ACB là biết rõ sai nhưng cái sai đó không phải là cố ý làm trái. Cái sai là do không nắm bắt kịp thời thay đổi của pháp luật để có những điều chỉnh phù hợp” - ông Kiên nói.

Ngày thứ 9 phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, sau khi các bị cáo và luật sư trình bày bài bào chữa, đại diện VKSND tối cao đã có quan điểm tranh luận lại.

Đại diện VKS cho rằng ý kiến của một số luật sư về việc VKS không cập nhật diễn biến phiên tòa phúc thẩm vào bản luận tội, nhận xét này là không chính xác.

Đại diện VKS tranh luận lại với các bị cáo theo từng nhóm tội.

Về tội kinh doanh trái phép

Theo đại diện VKS, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Kiên trích dẫn công văn của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trích dẫn các quy định để khẳng định việc góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp không phải là hoạt động kinh doanh, pháp luật không cấm nên bị cáo không phạm tội.

Đại diện VKS cho rằng 5 công ty của bị cáo thực hiện góp vốn mua cổ phần, đây là hoạt động liên tục nhằm mục đích sinh lợi như phát hành trái phiếu, bán cho các ngân hàng, lấy tiền mua cổ phiếu, góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp khác…Vì vậy, VKS có căn cứ để khẳng định hoạt động góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu của công ty là kinh doanh.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có công văn kèm theo các quyết định. Theo đó, hoạt động mua cổ phần cổ phiếu của các doanh nghiệp được xếp mã ngành 64990. 5 công ty của Nguyễn Đức Kiên kinh doanh ngành có mã ngành 64990 nhưng không đăng ký kinh doanh là vi phạm điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Đối với hoạt động kinh doanh vàng của công ty Thiên Nam, tại tòa, bị cáo Kiên và các luật sư cho rằng việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của công ty này là mua bán hàng hóa đã có trong giấy phép kinh doanh, không vi phạm pháp luật.

Đại diện VKS nhận định: “Phải lấy nội dung hợp đồng 017 ngày 10-12-2009 giữa công ty Thiên Nam với ngân hàng ACB để xem hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Thiên Nam có phải đăng ký kinh doanh mã ngành khác hay đã có trong giấy phép kinh doanh.

VKS khẳng định hợp đồng giao dịch trạng thái vàng giữa Thiên Nam và ACB là hợp đồng mua bán. Nội dung hợp đồng thỏa thuận hai bên đồng ý mua bán trạng thái vàng cho nhau. Việc này khẳng định công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Tại hợp đồng có nội dung mua bán trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng nguyên liệu hoặc vàng vật chất, do đó không thể là sản phẩm phái sinh. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của công ty Thiên Nam chịu sự điều chỉnh của quyết định 03/2006.

Tại công văn gửi tòa, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng hoạt động kinh doanh vàng được xếp vào mã 46624. VKS khẳng định công ty Thiên Nam đã kinh doanh trạng thái vàng trên tài khoản nước ngoài không có giấy phép. Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, nếu không có sự tham gia của bị cáo, giao dịch đã không thực hiện được. Vì vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi kinh doanh trái phép là có cơ sở”.

Theo đại diện VKS, tại kháng cáo, bị cáo Kiên nói thực tiễn có một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, mua cổ phần cổ phiếu nhưng không bị xem xét xử lý, vấn đề bị cáo đưa ra không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm nên VKS không xem xét.

Về tội trốn thuế

Tại tòa, bị cáo Kiên khẳng định không có ý định trốn thuế, người phải nộp thuế là bà Nguyễn Thúy Hương và bà Hương được hưởng chính sách miễn thuế theo Nghị quyết 32 của Quốc hội và Thông tư 160 của Bộ Tài chính.

Về nội dung này, đại diện VKS cho rằng thông qua hợp đồng cho thấy có vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại phụ lục hơp đồng, bị cáo Kiên là người đại diện theo pháp luật của công ty B&B nhưng lại nhận ủy quyền của bà Hương để thực hiện hợp đồng ủy thác của Hương cho B&B.

Việc này vi phạm khoản 4, Điều 144 Bộ luật dân sự về phạm vi đại diện ủy quyền: Người đại diện không được xác lập thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ 3 mà mình cũng là đại diện. Đại diện VKS cho rằng việc ủy quyền của bà Hương cho Nguyễn Đức Kiên là vi phạm pháp luật.

“Tại hồ sơ và tại tòa, bà Nguyễn Thúy Hương đã khai tại công ty B&B, Nguyễn Đức Kiên là người hoạch định, quyết định thực hiện hoạt động kinh doanh. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Kiên cũng đã khai các giấy tờ tài liệu mà vợ và em gái bị cáo ký là theo yêu cầu của bị cáo.

Kiên đã chỉ đạo ký hợp đồng ủy quyền, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xác định số thuế phải nộp là vi phạm pháp luật. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội trốn thuế như án sơ thẩm quy kết, VKS thấy có căn cứ, đúng người đúng tội” - lời đại diện VKS.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

VKS cho rằng khi công ty ACBI ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỷ đồng) cho công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, ACBI đã cam kết số cổ phần này chưa chuyển nhượng, không có tranh chấp, không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.

Thực tế trước đó, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (đại diện Công ty ACBI) ký hợp đồng thế chấp hơn 24 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát cho ACB để bảo đảm cho khoản phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Số cổ phần này đã bị Công ty chứng khoán ACBS (công ty của ACB) phong tỏa. Bị cáo Kiên đã yêu cầu kế toán và giám đốc ACBI làm văn bản xin đề nghị giải tỏa nhưng không được ACB chấp nhận.

Sau khi Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát trả đủ số tiền 264 tỷ đồng vào tài khoản của ACBI theo hợp đồng, cổ phần vẫn chưa được giải chấp.

Theo đại diện VKS, ngày 7-9-2012, cơ quan cảnh sát điều tra có công văn yêu cầu ACBI nộp lại số tiền 264 tỷ đồng nhưng ACBI không thực hiện. Từ đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mới ra quyết định khởi tố Nguyễn Đức Kiên về hành vi lừa đảo.

Về việc các luật sư và bị cáo Kiên cho rằng việc khởi tố vụ án không xuất phát từ ý chí của Tập đoàn Hòa Phát mà là mong muốn của cơ quan điều tra, đại diện VKS cho biết theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, khi cơ quan điều tra phát hiện, thấy có căn cứ phạm tội thì có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Chiều nay 10-12, đại diện VKSND tối cao tiếp tục có quan điểm tranh luận về hành vi cố ý làm trái của các bị cáo.

Tâm Lụa (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.