Trong năm nay, hầu hết các thành phần của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, và có nhiều doanh nghiệp không đạt được chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, đối với ngành viễn thông, tiềm năng phát triển vẫn không giảm, đó là nhận xét của bà Đặng Thị Hoàng Phượng – TGĐ CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn. Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn của bà với StockNews.

Bà Đặng Thị Hoàng Phượng – TGĐ CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn trả lời StockNews:
Đặng Thị Hoàng Phượng – TGĐ CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn
PV: Vừa qua, chính phủ đã công bố gói giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Những giải pháp này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp ngành viễn thông?

Theo tôi, những giải pháp mà chính phủ đưa ra đã hỗ trợ rất tốt cho nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng. Từ năm 2000 đến 2007, ngành viễn thông đã có những bước phát triển lớn, duy trì tăng trưởng 26%. Với lượng dân số trẻ sử dụng internet rất đông là một nhân tố thúc đẩy ngành viễn thông phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn.


Trong năm nay, các ngành khác đều gặp nhiều khó khăn nhưng ngành viễn thông vẫn tăng trưởng. Và tôi tin rằng trong những năm tới, với việc nhập thêm các công nghệ mới, bổ sung công nghệ cũ là GSM và CDMA, ngành viễn thông Việt Nam sẽ mở rộng thêm lĩnh vực và thị trường của mình.


PV:Năm 2008 đã sắp kết thúc, bà có thể cho biết sơ lược về tình hình kinh doanh của công ty trong năm qua, và kế hoạch trả cổ tức năm 2008 của SGT?


Năm 2008 thực sự là một năm khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu vàkinh tế Việt Nam. Saigon Tel cũng vậy. Trong 9 tháng đầu năm, SGT đã cơ bản hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận, chúng tôi đang nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm nay.


Về việc chia cổ tức năm 2008, SGT vẫn đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 30%.


PV: Bà có dự đoán gì cho sự phát triển của ngành viễn thông trong năm 2009 sắp đến?


Như tôi đã đề cập, Saigon Tel hiện đang bắt đầu áp dụng công nghệ mới, đó là công nghệ wimax. Vì thế, triển vọng phát triển của ngành viễn thông trong năm 2009, tôi cho rằng vẫn khả quan. Hiện tại, có 3 lĩnh vực chính của viễn thông Việt Nam là: viễn thông cố định, viễn thông di động, internet và băng thông rộng, sẽ tiếp tục phát triển.


Các thuê bao di động tiếp tục gia tăng, các trạm phát sóng vẫn đang được lắp đặt thêm ở các vùng xa để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng. Hiện nay, phí sử dụng các dịch vụ viễn thông đã giảm rất nhiều so với trước đây, trang thiết bị cũng hiện đại hơn rất nhiều. Internet đã mở rộng ra với nhiều công nghệ mới như wifi, wimax. Vì vậy, tôi tin rằng, ngành viễn thông sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2009.


PV: Giá cổ phiếu của SGT trên TTCK những tháng gần đây biến động mạnh, bà nhận xét như thế nào về TTCK và thị giá của SGT ? SGT có kế hoạch gì trong năm 2009 để vẫn duy trì mức phát triển trong năm 2008?


Đây là câu hỏi khó trả lời. Ngay cả đối với Mỹ là nền kinh tế rất lớn, cũng như các nước châu Âu, khi chứng khoán suy giảm, họ cũng chỉ đưa ra được các giải pháp chung chung. Vì vậy, rất khó dự đoán diễn biến của thị trường chứng khoán. Tôi cho rằng, tâm lý vẫn là vấn đề lớn nhất hiện nay. Riêng SGT, so với các đơn vị cùng ngành, chúng tôi khẳng định rằng mình có nhiều ưu thế để có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này. Tuy nhiên, khó khăn của kinh tế vĩ mô là khó khăn chung, không dễ dàng lường trước nên dù sao vẫn phải thận trọng với những diễn biến trong từng thời kỳ.


Đối với kế hoạch năm 2009, về ngắn hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hiện tại. Với các dự án dài hạn, chúng tôi sẽ triển khai nhưng sẽ nương theo sự phục hồi của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Trong dự án dài hạn, chúng tôi tập trung vào 4 mảng. Thứ 1 là mảng viễn thông với các công nghệ mới (công nghệ wimax, GSM – 95% và CDMA – 5%). Mảng truyền hình, chúng tôi đã có giấy phép mở các kênh truyền hình, đang đàm phán với đối tác nước ngoài, và năm sau chúng tôi sẽ cho ra mắt các kênh này. Hướng tiếp theo là phát triển thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán. Tại Việt Nam, có khoảng 7 triệu người có tài khoản tại các ngân hàng và xấp xỉ 20 triệu người sử dụng internet. Hiện tại, xu thế thương mại điện tử đã toàn cầu hóa và xu thế này trong tương lai sẽ phổ biến tại Việt Nam. Đây là xu thế tất yếu và rât tiềm năng để chúng tôi khai thác mảng dịch vụ này trong thời gian tới.


Như vậy, tuy kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng cơ hội vẫn không mất đi cho những doanh nghiệp luôn biết tìm kiếm và nắm bắt cơ hội .


Xin cám ơn bà.

Theo StockNews
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.