Sáng 13/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 33 dự kiến diễn ra trong 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 14 nhóm nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 5 nhóm nội dung.

Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng và dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Các nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Phiên họp thứ 32 (tháng 4/2024); đối với dự thảo 2 Nghị quyết, Bộ Chính trị đã có nghị quyết, kết luận.

Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hồ sơ nội dung từng dự án, dự thảo, trong đó, tập trung xem xét dự án, dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng hay chưa, hồ sơ, tài liệu, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật...

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đưa ra 5 nhóm chính sách về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý đầu tư; phát triển kinh tế biển; tổ chức bộ máy và biên chế.

Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chủ trì soạn thảo), Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ tư với hơn 3,4 triệu người; TP Vinh là đô thị loại 1 với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên đến nay Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu, tốc độ đô thị hóa chậm, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn,…

Nếu tỉnh Nghệ An không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh không thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và rất khó để triển khai, hoàn thành được các mục tiêu nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.