Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Đánh thuế lãi tiết kiệm để khuyến khích đầu tư?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, không đánh thuế là phi lý, bởi vì hệ quả của nó, là sẽ lái dòng tiền thay vì đầu tư vào sản xuất thì gửi tiết kiệm. Đọc đến đoạn này có lẽ những nhà kinh tế vĩ mô cũng phải giật mình vì đã không làm tròn bổn phận của mình là làm cho người dân hiểu hơn về kiến thức kinh tế. Điều đau xót hơn là ngay đến cả vị chủ tịch một hiệp hội lớn và quan trọng tại một thành phố lớn nhất cả nước chưa hiểu được một quy luật kinh tế đơn giản.
Thực tế, trên thế giới phần lớn các quốc gia không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để khuyến khích người dân tiết kiệm. Nguồn tiền tiết kiệm sẽ gửi vào ngân hàng là trung gian để chuyển dòng vốn tiết kiệm sang đầu tư.
Trong lý thuyết kinh tế học tại một nền kinh tế đóng thì S(saving – tiết kiệm) luôn bằng I (Investing) đầu tư. Không có bất kỳ một lý thuyết nào cho rằng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để khuyến khích đầu tư. Thực tế nếu đánh thuế lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì dẫn đến tiết kiệm giảm, đầu tư cũng giảm theo và tiêu dùng tăng lên.
Tỷ lệ tiết kiệm không chỉ phụ thuộc vào lãi suất hoặc thuế mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn tại Trung Quốc tỷ lệ tiết kiệm lên đến 45-50%, còn tại quốc gia phát triển tỷ lệ tiết kiệm chỉ từ 10-20% GDP.
Tất nhiên, ở đây không đồng nhất tỷ lệ tiết kiệm của một quốc gia trong kinh tế vĩ mô với số tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên, hai con số này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau vì ngân hàng chính là nơi luân chuyển vốn cho nền kinh tế.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện tiền gửi tiết kiệm không đưa vào sản xuất làm cho nền kinh tế càng khó khăn và cũng không có một quốc gia nào không khuyến khích người dân tiết kiệm và khuyến khích người dân lập doanh nghiệp bằng cách đánh thuế lãi suất như lời vị chủ tịch Horea nói.
Lãi suất thực phải âm
Ngoài đề xuất trên thì HoREA còn có một đề xuất gây sốc khác là “cần sửa chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương” tức là quy định lãi suất tiền gửi không cần cao hơn lạm phát.
Theo lý giải của ông Châu kiến nghị là để tiền này nếu rút ra sẽ chảy vô sản xuất, kinh doanh. Ông cho rằng chính sách lãi suất thực dương là sai lầm của Chính phủ vì dòng tiền lại đổ vào tiết kiệm mà không đổ vào sản xuất kinh doanh, không tại ra của cải, giải quyết công ăn việc làm.
Có lẽ đây là một trong những lập luận kỳ quặc nhất từ trước đến nay. Có lẽ người đưa ra lập luận này chưa thực sự hiểu định nghĩa lãi suất là gì, lãi suất thực là gì và đầu tư là gì hoặc các quy luật kinh tế thông thường nhất.
Đầu tiên không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm chính sách luôn khẳng định phải có lãi suất thực dương. Tuy nhiên, lãi suất thực dương chỉ như là một yếu tố mang tính chất tham khảo khi áp xác định về trần lãi suất. Trong một nền kinh tế thị trường thì lãi suất thực dương hay âm là tùy thuộc vào quy luật thị trường và do thị trường quyết định. Thực tế, ở Việt Nam nhiều giai đoạn lãi suất thực âm, nhiều giai đoạn lãi suất thực dương.
Về lý thuyết, nếu Chính phủ áp quy định lãi suất huy động thấp hơn lạm phát thì người dân sẽ ít tiết kiệm, tăng tiêu dùng hơn. Lúc đó NHTM sẽ không thể huy động vốn, gây nên căng thẳng thanh khoản. Ngoài ra, lãi suất giảm sẽ khiến tiết kiệm giảm và đầu tư cũng giảm theo. Như vậy, lãi suất thực âm sẽ làm giảm đầu tư chứ không phải tăng đầu tư tạo công ăn việc làm như vị chủ tịch Horea nhầm tưởng.
Không thể suy luận đơn giản “nếu cao hơn lạm phát thì chỉ giúp những người gửi tiết kiệm được lợi, trong khi một lượng tiền lớn không chảy vô sản xuất, kinh doanh, không tạo ra của cải vật chất, không giải quyết được công ăn việc làm cho xã hội”
Tóm lại: Trong bài viết này không đề cập đến vấn đề có nên đánh thuế lãi suất tiền gửi không vì thực tế phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố và cần phải có nghiên cứu công phu. Tuy nhiên, những lập luận của Horea khi đưa ra đề xuất này hoàn toàn sai lầm về nguyên tắc, quy luật kinh tế. Chắc chắn một điều là nếu đề xuất này được áp dụng thì cũng không thể là liều thuốc để “cứu” bất động sản.
Cộng đồng mạng phản ứng mạnh Trên diễn đàn Webtretho, nhiều ý kiến phản ứng về kiến nghị này và cho rằng người dân đã đóng thuế thu nhập cá nhân rồi và nay lại chịu thêm khoản thuế thu nhập từ tiền tiết kiệm nữa thì khác nào thuế chồng thuế? Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu kiến nghị trên được áp dụng thì lãi suất huy động cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên để bù đắp cho phần thuế. Làm như vậy, doanh nghiệp sản xuất càng khó tiếp cận nguồn vốn hơn. Chưa hết, có ý kiến khẳng định muốn cứu bất động sản thì giải pháp tốt nhất là hạ giá chứ không nên đưa ra giải pháp khó hiểu như trên. Cách làm “ích kỷ”! Nếu mục đích của Hiệp hội kiến nghị đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm này là để người dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hay bất động sản thì tôi cho rằng không hợp lý. Nói chung, chọn phương pháp tài khóa đánh thuế để hướng dẫn đồng tiền là một cách làm “ích kỷ”. Làm như vậy, có thể hiểu là dùng quyền lực nhà nước đánh thuế người dân để đẩy họ phải đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, trong đó có bất động sản. Điều này khó mà nhận được sự đồng thuận của người dân. Ngay cả trường hợp kiến nghị này không phải từ HoREA mà đơn giản mục đích nhằm hướng dòng tiền đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác thì cũng không hợp lý. Bởi nếu muốn các lĩnh vực có nhiều nguồn tiền đầu tư thì tại sao chúng ta không hạ lãi suất huy động tiết kiệm xuống 5%, biết đâu khi đó người dân sẽ tính toán lại phương án đầu tư sao cho hợp lý. Còn về vấn đề tồn kho của bất động sản, có nhiều giải pháp để cứu chứ không nên chọn cách trên. Chuyên gia kinh tế BÙI KIẾN THÀNH Cứu được bất động sản nhưng ảnh hưởng cả nền kinh tế Tôi cho rằng Hiệp hội kiến nghị đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm để có mục đích hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường bất động sản là vô lý. Vì nếu kiến nghị này được thực hiện thì nó chỉ cứu được thị trường bất động sản nhưng lại làm ảnh hưởng cả nền kinh tế. Hiện chúng ta đang miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tiền gửi tiết kiệm mục đích là để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Từ kênh này, ngân hàng sẽ chuyển vốn cho nền kinh tế. Nhưng giờ chỉ vì bất động sản mà chúng ta lại quay trở lại đánh thuế thì khác nào lấy lợi ích của cả đất nước để phục vụ mục đích chỉ để cứu bất động sản? Ngay cả Hiệp hội có đề xuất chỉ đánh thuế những người có tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên cũng khó khả thi, vì người dân có thể chia nhỏ nguồn vốn và gửi tiết kiệm ở nhiều ngân hàng. TS NGUYỄN THỊ THỦY, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM Nguồn: PLTP |
* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của CafeLand
-
Kính lúp: In tiền cứu bất động sản “lợi bất cập hại”
CafeLand - Thêm một lần nữa việc cứu bất động sản lại được bàn đến một cách sôi nỗi. Giải pháp được nhiều người “khuyến nghị” và cũng đã được đại diện phía NHNN đưa ra là NHNN sẽ cấp vốn giá rẻ và thời gian dài cho người dân mua nhà. Nếu các chính sách này được thực thi thì rõ ràng đây là việc in tiền để cứu bất động sản. Trước mắt thị trường bất động sản có thể tốt hơn nhưng về dài hạn đây là một chính sách vô cùng rủi ro. <br/br>
-
20 nghìn tỷ cứu được bất động sản?
CafeLand - Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ đạo các NHTM cho người dân vay mua nhà thu nhập thấp với mức 6%/năm với thời hạn vay 15 năm. Tổng số tiền sau đó được tiết lộ là vào khoảng 20-24 nghìn tỷ đồng. Vậy liệu rằng giải pháp này có cứu được bất động sản và giúp ích cho nền kinh tế? <br/br>
-
Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh sau sự kiện “bầu Kiên” đúng 6 tháng
CafeLand - Kể từ đầu tháng 12/2012 đến nay, thị trường đã có một chuổi ngày tăng điểm gần như không ngừng nghỉ. Cố phiếu bất động sản là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn trong đợt phục hồi này. Ngày 21/02/2013 đúng 6 tháng sau khi “bầu Kiên” bị bắt “bỗng dưng” thị trường chứng khoán lại có một phiên hoảng loạn. Một lần nữa cổ phiếu bất động sản lại là một trong những nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất.